Thoái thác trách nhiệm
Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang - cho biết ngày 28/10/2020, Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ cùng lúc với cơn bão số 9 (Molave) đang đổ bộ khiến hàng chục ngôi nhà cùng nhiều tài sản của nhân dân bị cuốn trôi, có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn.
|
Một người dân ở huyện Nam Giang chỉ nơi có hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào ngày 28/10/2020 |
Đã có rất nhiều cuộc họp giữa các bên để bàn chuyện đền bù, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, nhưng đến nay vẫn chưa có một phương án cụ thể nào được thống nhất.
Ngày 24/3 mới đây, UBND huyện Nam Giang một lần nữa mời Công ty Thủy điện Đăk Mi 4 họp để thông báo về thiệt hại cụ thể đã thống kê. Theo ông Chương, ban đầu, khi người dân tự kê khai, thì thiệt hại lên đến trên 47 tỷ đồng. Sau khi lập đoàn khảo sát, đánh giá cụ thể từng gia đình và chiếu theo quy định của Nhà nước thì kết quả có 865 hộ thuộc 9 thôn của xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ bị thiệt hại trong đợt xả lũ của Thủy điện Đăk Mi 4. Tổng thiệt hại trên 16 tỷ đồng, trong đó thiệt hại căn cứ theo Nghị định 02/2017/CP là trên 2,5 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ), thiệt hại khác (vật dụng gia đình, xe máy…) trên 6,7 tỷ đồng và thiệt hại các công trình dân sinh trên 6,8 tỷ đồng.
Từ đó, UBND huyện Nam Giang yêu cầu phía Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Mi 4 thực hiện nghĩa vụ đền bù, hỗ trợ ở hai khoản thiệt hại khác và thiệt hại các công trình dân sinh (trên 13 tỷ đồng) để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Khánh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Mi 4 - một lần nữa lặp lại điệp khúc: Thủy điện Đăk Mi 4 đã góp phần cắt lũ khi đỉnh lũ về lịch sử. “Lũ là do thiên nhiên gây ra, thủy điện đã góp phần cắt lũ cho phía hạ du. Nếu không có thủy điện thì hạ du thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều” - ông Khánh khẳng định.
Từ đó, ông Khánh đề nghị UBND huyện Nam Giang thay đổi tên gọi trong những công văn gửi đi cho các ban ngành là do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ chứ không phải do Công ty Thủy điện Đăk Mi 4 điều tiết xả lũ.
Về những khoản kinh phí mà UBND huyện Nam Giang đề nghị phía Thủy điện Đăk Mi 4 hỗ trợ, đền bù cho người dân, ông Khánh cho rằng, phía công ty chỉ chịu chi trả 50% cho những thiệt hại khác (vật dụng gia đình, xe máy, cây cối, hoa màu…).
Cũng theo ông này, việc chậm hỗ trợ cho người dân là do công ty phải thông qua ba phiên họp đại cổ đông, hội đồng quản trị và đại hội cổ đông thì mới có thể thống nhất phương án hỗ trợ.
Địa phương nổi giận
Tại buổi làm việc trên, những ý kiến của đại diện Thủy điện Đăk Mi 4 khiến lãnh đạo các ban, ngành địa phương huyện Nam Giang phản ứng quyết liệt.
Ông Lê Văn Hường - Bí thư Huyện ủy Nam Giang - bức xúc: "Các anh cứ bảo đúng quy trình, nhưng đó là quy trình của các anh. Không một quy trình nào đúng mà chỉ trong một tiếng đồng hồ nước đã cuồn cuộn cuốn trôi tất cả mọi thứ ở hạ du". Ông Lê Văn Hường khẳng định: "Không thể thay đổi tên gọi trong các văn bản như các anh yêu cầu, mà phải gọi đúng bản chất của nó là thủy điện điều tiết xả lũ gây thiệt hại cho dân".
Ông Hường cũng cho rằng, trong tổ công tác kiểm tra thiệt hại của người dân đều có sự tham gia của phía công ty chứng tỏ công ty đã công nhận trách nhiệm của mình trong việc xả lũ gây thiệt hại cho dân.
Ông Phan Văn Bình - Phó chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ - cũng cho rằng đây không phải là lần đầu Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây ngập, cuốn trôi tài sản của người dân. Khoảng 3 - 4 năm trước, khi trời còn nắng nóng, thủy điện đã xả nước với lưu lượng lớn khiến vùng hạ du ngập, cuốn trôi ghe thuyền, trâu bò của người dân.
“Chúng tôi huy động 20 chiến sĩ, 20 cán bộ để giúp dân di chuyển nhưng vẫn không kịp. Cả 50 năm sống ở đây, tôi chưa từng thấy lần nào như thế. Đến nay, một gia đình bị cuốn trôi thuyền vẫn chưa được đơn vị quản lý Thủy điện Đăk Mi 4 đền bù theo cam kết, quy định” - ông Bình nói.
Tại buổi làm việc, ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - khẳng định đây là buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn cho người dân sau thiệt hại chứ không phải để bàn xem ai đúng, ai sai. Do vậy, cần tập trung vào nội dung chính là hỗ trợ kịp thời để người dân ổn định lại cuộc sống. Quan điểm của huyện Nam Giang là phía công ty cần có trách nhiệm đối với những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.
Hiện tại, những hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa đã được UBND huyện Nam Giang hỗ trợ 40 triệu đồng theo Nghị định 02/2017/CP của Chính phủ, cộng với 40 triệu đồng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để dựng lại nhà. Tuy nhiên, một số hộ vẫn đang phải tá túc nhà người thân.
Anh Alăng Dương, 45 tuổi, ở thôn Bến Giằng, nói: “Mọi thứ đều mất hết rồi. Cũng vì thủy điện mà gia đình mình giờ không còn gì. Mình đã thống kê thiệt hại gửi lên các cấp lãnh đạo nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Giờ muốn tổ chức lại cuộc sống nhưng không biết bằng cách nào. Không có tiền thì biết làm kiểu gì!”.
Thủy điện Đăk Mi 4 là nhóm các công trình thủy điện xây dựng trên dòng Đăk Mi tại vùng đất xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thủy điện Đăk Mi 4 khởi công vào tháng 4/2007 và hoàn thành tháng 5/2012 với tổng lượng điện sản xuất hằng năm khoảng 833 triệu KWh. Thủy điện này hiện do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Mi quản lý. Chủ đầu tư là Tập đoàn Bitexco, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và một cổ đông khác.
|
Nguyễn Dương