Thủy điện “chọc vào tim” vườn quốc gia

10/09/2013 - 08:30

PNO - Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk lại cho phép xây dựng Nhà máy Thủy điện Đrang Phốk trong Vườn Quốc gia Yok Đôn trước sự ngỡ ngàng của lãnh đạo vườn quốc gia vốn phải luôn được bảo vệ nghiêm ngặt này

edf40wrjww2tblPage:Content

 Trong khi dư luận đang lo ngại việc Bộ Công Thương vẫn quyết tâm cho chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin (tỉnh Ðắk Lắk) thì cũng tại địa phương này, một dự án thủy điện khác xây dựng trong VQG Yok Ðôn đang được chủ đầu tư xúc tiến.

Thuy dien “choc vao tim” vuon quoc gia

Khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Ðrang Phốk tập trung nhiều cổ thụ quý và nhiều loài thú hiếm

Xóa sổ hàng chục hécta rừng đặc dụng

Năm 2007, Công ty CP Ðầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (TECCO, đóng tại TP HCM) đã có công văn xin khảo sát, lập dự án đầu tư Nhà máy Thủy điện Ðrang Phốk và đã được UBND tỉnh Ðắk Lắk đồng ý chủ trương cho TECCO khảo sát, thu thập số liệu để làm cơ sở xem xét quyết định đầu tư. Tiếp đó, năm 2009, UBND tỉnh Ðắk Lắk có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng; đề nghị Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung dự án này vào quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Sêrêpốk và đã được chấp thuận.

Sau nhiều lần điều chỉnh, mới đây, cơ quan chức năng đã đồng ý cho chủ đầu tư điều chỉnh quy mô dự án xuống còn 26 MW, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 300 ha, trong đó có 8 ha đất nông nghiệp, 295 ha đất thuộc VQG Yok Ðôn. Tuy nhiên, do phần lớn là lòng hồ nên diện tích phải chuyển đổi mục đích sử dụng giảm còn 28,88 ha rừng đặc dụng.

Những ngày đầu tháng 9/2013, phóng viên Báo Người Lao Ðộng đã được các cán bộ kiểm lâm VQG Yok Ðôn đưa vào khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Ðrang Phốk. Ðây là dự án thủy điện cuối cùng trong hệ thống thủy điện bậc thang trên dòng sông Sêrêpốk, cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 5 km. Dự án nằm ở tiểu khu 431, 451 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Ðôn. Nhờ vậy, khu vực rừng này hiện còn khá nguyên vẹn. Dọc sông Sêrêpốk nơi sẽ là lòng hồ thủy điện, cây cối mọc um tùm, mật độ cây cổ thụ khá dày. Cách dòng sông khoảng 100 m, mật độ cây thưa hơn nhưng đặc trưng của hệ sinh thái rừng khộp với nhiều loại cây quý hiếm.

Ông Hoàng Vinh - Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 9, Hạt Kiểm lâm VQG Yok Ðôn - cho biết: Do nằm ở trung tâm vườn, gần khu vực biên giới lại cách xa khu dân cư, được bảo vệ tốt nên rừng ở đây còn khá nguyên vẹn với nhiều loài cây quý hiếm như: cẩm, hương, căm xe… Hệ động vật ở đây cũng khá phong phú, là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Thuy dien “choc vao tim” vuon quoc gia

Khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Ðrang Phốk trong Vườn Quốc gia Yok Ðôn - nơi tập trung nhiều cổ thụ quý và các loài thú hiếm Ảnh: Cao Nguyên

Hệ lụy khôn lường

Thực ra, năm 2011, cơ quan chức năng đã đồng ý cho TECCO xây dựng Nhà máy Thủy điện Ðrang Phốk với công suất 28 MW, tổng diện tích rừng phải chuyển đổi là 63 ha. Trong đó, theo chủ đầu tư thì 53 ha chuyển đổi vĩnh viễn, 10 ha chuyển đổi tạm thời, sau khi xây dựng xong sẽ hoàn trả. Trước sự phản ứng của lãnh đạo VQG Yok Ðôn, mới đây, chủ đầu tư điều chỉnh diện tích rừng chiếm dụng còn 28,88 ha. Tuy nhiên, dù diện tích rừng thiệt hại giảm bao nhiêu đi nữa, việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Ðrang Phốk ngay giữa trung tâm VQG Yok Ðôn sẽ như nhát dao chọc vào "trái tim" VQG này, phá vỡ hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và gây khó khăn cho công tác bảo vệ vườn.

Ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Ðôn, cho biết: "Ðến giờ, tôi cũng không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại đồng ý cho chủ đầu tư xây dựng thủy điện ngay trung tâm vườn. Ðiều này sẽ để lại những hậu quả nặng nề trong việc bảo tồn VQG Yok Ðôn". Ông Thành phân tích: Những tác động trước mắt như sẽ xóa sổ gần 30 ha rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nơi có nhiều loài cổ thụ quý hiếm; tiếng ồn trong quá trình xây dựng và ô nhiễm môi trường sẽ làm cho các loài thú quý hiếm bỏ đi nơi khác…

Về lâu dài, khi nhà máy đưa vào sử dụng sẽ để lại những hệ lụy mà chúng ta không thể lường hết như: nước hồ dâng cao tạo điều kiện cho lâm tặc dễ dàng vận chuyển gỗ lậu bằng đường sông; kẻ xấu trà trộn vào đội ngũ xây dựng để phá rừng, săn bắn thú. Ðó là chưa kể tới việc khi có người đến sinh sống sẽ kéo theo việc mua bán, vận chuyển lương thực, thực phẩm, săn bắn thú làm thức ăn, phá rừng làm nhà, lấy củi làm chất đốt… "Với trách nhiệm là người đứng đầu VQG Yok Ðôn, dù bất cứ giá nào, tôi cũng phản đối đến cùng việc xây dựng thủy điện trong vùng lõi vườn" - ông Thành quả quyết.

Chậm trễ nhưng... vẫn cho triển khai

Trước sự phản ứng gay gắt của lãnh đạo VQG Yok Ðôn, mới đây, UBND tỉnh Ðắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành tiến hành đánh giá lại dự án. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Ðắk Lắk đã có báo cáo cho thấy: Tính đến thời điểm này, dự án đã chậm gần 2 năm. Nguyên nhân là do công trình nằm trong VQG Yok Ðôn nên việc thu thập số liệu để đánh giá tác động môi trường là hết sức khó khăn và cần tiến hành thận trọng nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Sau khi Sở Công Thương báo cáo, UBND tỉnh Ðắk Lắk đã thống nhất cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án và yêu cầu chủ đầu tư có văn bản cam kết thực hiện đúng tiến độ, nếu không sẽ thu hồi dự án.

Theo Cao Nguyên (Người Lao Động)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI