Thủy đậu 'rộ' sớm, nhiều trẻ biến chứng nặng

04/02/2015 - 16:06

PNO - PN - Những ngày gần đây, số trẻ nhập viện vì mắc thủy đậu (trái rạ) bỗng tăng đột ngột, trong khi theo các bác sĩ (BS), còn một tháng nữa mới đến mùa bệnh này. Đáng lo ngại, dù chưa vào mùa nhưng hai bệnh viện (BV) nhi đồng tại...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dễ lây nhiễm

Sáng 3/2, tại Khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi Đồng 1, có đến bốn trẻ bị biến chứng thủy đậu nằm điều trị. Nặng nhất là trường hợp của bé trai Nguyễn Trần Dương Kh. (21 tháng tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) đã nhiễm trùng máu, trước đó bị nhiễm trùng da.

Được biết, bé Kh. chưa chích vắc-xin thủy đậu. Trong lúc ngồi chờ con truyền dịch, mẹ bé rầu rĩ: “Có lẽ con tôi lây bệnh từ hai mẹ con chị hàng xóm. Lúc đầu, thấy bé nổi hai bóng nước ở dưới tai, tôi nghĩ mụn nhọt nên không đưa con đi khám và cũng không nghĩ bệnh thủy đậu lây nhanh như vậy. Không ngờ đến hôm sau, các bóng nước thủy đậu trổ ra một lượt. Khi mắt con sưng húp, tôi mới đưa đến BV Nhi Đồng 1”.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi Đồng 1 cho biết, mỗi ngày, BV điều trị cho hai-năm trẻ bị biến chứng thủy đậu. Đây là hiện tượng khác so với mọi năm vì bệnh đến sớm, trong khi chu kỳ của bệnh thường rơi vào tháng Ba - Năm. Những ca bị biến chứng do thủy đậu mới nhập viện, phần lớn trẻ trước đó được điều trị tại nhà. Theo thống kê của BV Nhi Đồng 1, nếu như tháng 12/2014 chỉ có 10 ca thủy đậu đến khám/ngày thì mới đầu tháng Hai, con số này tăng lên 17 ca/ngày.

Tương tự, BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 khuyến cáo: Mọi năm, thời điểm này bệnh thủy đậu chỉ xuất hiện lẻ tẻ, nhưng những ngày gần đây số bệnh nhân bắt đầu tăng. Có thể do thời tiết trở lạnh nên vi-rút gây bệnh gia tăng hoạt động. Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 hiện có bốn trẻ đang nằm điều trị do biến chứng bệnh thủy đậu; trong đó có hai trẻ dù đã được chích vắc-xin nhưng bệnh vẫn trở nặng do cơ thể đang suy giảm miễn dịch.

Nặng nhất là trường hợp của bé H.T.K.Y. (10 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) đang bị nhiễm trùng da. Bệnh của bé đã bước sang ngày thứ mười nhưng bóng nước chưa “lặn” mà chi chít khắp người. Mẹ của bé cho biết, lúc nhỏ, bé đã chích vắc-xin ngừa thủy đậu, nhưng vì bị ung thư vùng mũi và đang điều trị nên sức đề kháng rất yếu.

Cách đây vài ngày, bé K.Y. vào BV Ung Bướu TP.HCM điều trị và đã bị lây bệnh thủy đậu từ một bệnh nhi khác ở chung phòng. Nằm kế bên, mẹ bé N.T.H.P. (12 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) lo lắng: “Con gái tôi bị lây bệnh từ một bạn học chung lớp. Lẽ ra những trường hợp có học sinh mắc bệnh, cô giáo phải nhắc nhở phụ huynh để học sinh ở nhà, tránh lây cho bạn bè”.

Thuy dau 'ro' som, nhieu tre bien chung nang

Một bệnh nhi bị ung thư   nên mắc bệnh thủy đậu nặng

Trẻ dưới ba tháng tuổi dễ gặp nhiều nguy cơ  biến chứng

Với số lượng trẻ nhập viện như hiện nay, dự đoán đến tháng Ba - Năm, số bệnh nhân sẽ tăng mạnh. Trong số các trẻ mắc bệnh, có khoảng 10% ca bị nhiễm trùng da. Nhiễm trùng da có biểu hiện là nốt ban ở da có mủ, tấy đỏ quanh vùng bóng nước, thậm chí sưng nề. Biến chứng nhẹ chỉ để lại sẹo, nếu nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn khiến trẻ viêm não, viêm tủy, viêm phổi… Đáng lo nhất là trẻ mắc bệnh ung thư, sức đề kháng miễn dịch kém nên khi mắc thủy đậu rất dễ tử vong do biến chứng. Trẻ chưa được chích vắc-xin lúc 12 tháng tuổi và chích nhắc lại lúc 4-5 tuổi, khả năng mắc bệnh rất cao. Những trẻ chích chưa đủ liều, bệnh biểu hiện nhẹ, ít dẫn đến biến chứng nặng. Riêng phụ nữ trước khi mang thai cần chích vắc-xin ngừa thủy đậu. Khi thai phụ bị thủy đậu, nhất là ba tháng đầu thai kỳ, dễ ảnh hưởng nặng đến thai nhi. Trẻ dưới ba tháng tuổi nếu bị nhiễm thủy đậu sẽ có nguy cơ biến chứng cao.

Trẻ được chích vắc-xin sau mười ngày đã tạo được kháng thể chống lại bệnh. Nhiều phụ huynh đưa con đi chích vắc-xin vào mùa dịch, khiến hiệu quả phòng bệnh thấp. Người lớn cũng cần chích ngừa hai mũi cách nhau ba tháng.

BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, BV Từ Dũ chia sẻ: Tùy vào giai đoạn tuổi thai mà thai nhi bị ảnh hưởng từ bệnh thủy đậu khác nhau.

Trong ba tháng đầu, thai nhi có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4% với biểu hiện: sẹo ở da, tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Vào ba tháng giữa thì nguy cơ này là 2% và sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ thì hầu như không ảnh hưởng trên thai.

Tuy nhiên, trong vòng năm ngày trước sinh và hai ngày sau sinh, bé dễ bị thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Lúc này, tỷ lệ tử vong ở bé sơ sinh lên đến 25-30% trong số ca bị nhiễm. Do đó, phụ nữ cần chích ngừa vắc-xin ít nhất ba tháng trước khi mang thai.

Theo BS Nguyễn Trần Nam, bệnh thủy đậu thường kéo dài 10 - 14 ngày, phần lớn bệnh tự khỏi và được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nhiều gia đình, nhất là ở các vùng quê có quan niệm sai lầm khi nghĩ bệnh trái rạ thì phải chữa bằng rơm rạ. Việc lấy gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống nước được nấu từ gốc rạ… dễ khiến trẻ bị nhiễm trùng da hơn. Thậm chí, có người nhà còn cho người bệnh trùm mền kín, không cho tắm để bóng nước trổ hết ra cho bệnh mau lành. Thực tế, chỉ những người bệnh nặng thì bóng nước mới trổ nhiều; nếu ủ kín sẽ khiến bệnh nặng hơn và dễ nhiễm trùng da; cần phải tắm thường xuyên bằng nước sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Tuyệt đối không được uống thuốc corticoid vì thuốc có thể làm bệnh nặng hơn.

VĂN THANH 

BS Trương Hữu Khanh cho biết, bệnh thủy đậu là bệnh sốt phát ban có bóng nước gây ngứa toàn thân do vi-rút Varicella zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng 90% là ở trẻ em. Sau khi mắc bệnh, hiếm khi bị lại. Vi-rút dễ phát tán trong không khí và sau hai-ba tuần ủ bệnh sẽ phát bệnh.

Theo ghi nhận của phóng viên tại các BV, nhiều phụ huynh có con đang mắc bệnh thủy đậu, ho sặc sụa mà vẫn không được mang khẩu trang. Một số người còn bồng con đi khắp các phòng bệnh, căng tin BV. Như vậy, nhiều trẻ mắc các bệnh khác đang nằm điều trị tại BV với sức đề kháng đang suy giảm sẽ rất dễ bị lây bệnh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI