Thương vụ bất thành, Ba Huân và VinaCapital xem xét bồi hoàn lãi suất

09/08/2018 - 20:00

PNO - Chiều 9/8, đại diện công ty (CT) Ba Huân cho biết, CT và quỹ đầu tư VinaCapital đã đạt được thoả thuận về các điều khoản để chính thức chấm dứt hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Đồng thời, hai bên đang xem xét mức chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư từ tháng 7/2017 đến nay và tiến hành các thủ tục về bồi hoàn lãi suất. Con số bồi hoàn cụ thể bao nhiêu sẽ được công bố sau khi hai bên thống nhất.

Thuong vu bat thanh, Ba Huan va VinaCapital xem xet boi hoan lai suat
Công ty Ba Huân và VinaCapital chính thức dừng hợp tác.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau sự việc này, các đối tác nước ngoài sẽ e dè hợp tác với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là các công ty tư nhân có yếu tố gia đình.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) cho biết, thường trong hợp đồng ký kết giữa hai bên sẽ ghi rõ tiếng nào là chuẩn và có sự thỏa thuận giữa hai bên.

Các công ty nước ngoài lấy tiếng Anh làm chuẩn và chỉ phiên dịch ra tiếng Việt. Đáng lưu ý, tiếng Anh pháp lý khác tiếng Anh thông thường nên doanh nghiệp cần thiết phải nhờ bộ phận chuyên môn xem xét kỹ các nội dung, điều khoản trong hợp đồng, khi đã nắm rõ mới đặt bút ký.

“Thông thường, các đơn vị nước ngoài viết hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng Anh song hành, chứ ít có trường hợp ký hợp đồng tiếng Anh trước rồi mới bổ sung ký hợp đồng tiếng Việt sau.

Đặc biệt, khi ký những hợp đồng kinh tế hay hợp đồng nhân sự thì trước khi ký hợp đồng, DN phải đọc kỹ hợp đồng, so sánh, đối chiếu thật kỹ nội dung giữa hợp đồng tiếng Anh và hợp đồng tiếng Việt có gì bất nhất không, sau đó mới ký.

Chúng ta có các đơn vị hỗ trợ pháp lý, luật sư tư vấn, bộ phận chuyên môn của công ty nắm rõ luật, DN cần nghe tư vấn kỹ từ người có chuyên môn và kinh nghiệm, tránh tình trạng “bút sa gà chết”, “sai một ly đi một dặm”, luật sư Hậu lưu ý.

Thuong vu bat thanh, Ba Huan va VinaCapital xem xet boi hoan lai suat
Luật sư Hậu lưu ý DN Việt cần có sự tư vấn, nắm kỹ hợp đồng để tránh "bút sa gà chết".

Đề cập đến việc DN gửi thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ can thiệp (như trường hợp Ba Huân mới đây), luật sư Hậu cho rằng: “Chính phủ là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, theo điều ước quốc tế, Chính phủ chỉ giải quyết những sự việc liên quan đến quản lý hành chính, chứ không can thiệp vào giải quyết các tranh chấp, hợp tác giữa DN với nhau. Hợp đồng là sự thỏa thuận của hai bên theo trình tự luật định thương mại, nhà nước không thể can thiệp được”.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, DN phải có bộ phận dịch thuật chuyên nghiệp hoặc thuê văn phòng luật sư để tư vấn, giải thích các điều khoản trước khi ký những hợp đồng có giá trị lớn.

Tuy nhiên, nhiều DN chưa chú trọng việc này, thường coi trọng “quan hệ cá nhân” với đối tác nên có phần dễ dãi trong việc ký hợp đồng.

Có thể khi thỏa thuận miệng, DN nói rất tốt nhưng khi thể hiện các điều khoản bằng văn bản, các thỏa thuận ban đầu sẽ thay đổi. Do đó, DN phải thật cẩn trọng khi ký hợp đồng kinh tế.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI