Thượng viện tuyên bố phiên tòa luận tội ông Trump là hợp hiến

10/02/2021 - 09:15

PNO - Thượng viện Mỹ hôm 9/2 đã bỏ phiếu tuyên bố Hiến pháp cho phép tiến hành phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump vì những hành động ông đã vi phạm khi còn đương nhiệm - với 56 phiếu thuận trên 44 phiếu chống.

Toàn bộ các thượng nghị sĩ (TNS) Dân chủ, hai TNS độc lập và 6 TNS Cộng hòa trong tổng số 50 nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện, đã bỏ phiếu tuyên bố phiên tòa luận tội ông Trump là hợp hiến.

Thượng viện Mỹ hôm 9/2 đã bỏ phiếu tuyên bố phiên tòa luận tội ông Trump là hợp hiến - Ảnh: CNN
Thượng viện Mỹ hôm 9/2 đã bỏ phiếu tuyên bố phiên tòa luận tội ông Trump là hợp hiến - Ảnh: CNN

Kết quả bỏ phiếu 56/44 mở đường cho phiên tòa kéo dài một tuần sẽ bắt đầu vào thứ Tư (10/2) theo giờ địa phương.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện lập luận rằng Hiến pháp trao cho Thượng viện quyền tổ chức phiên tòa luận tội một cựu tổng thống vì những tội danh được cho là đã phạm phải khi còn đương chức.

Trong khi đó, các luật sư của cựu Tổng thống Trump - Bruce L. Castor, David Schoen và Michael van der Veen - lập luận rằng những người chủ trì luận tội của Hạ viện đã sai và cho rằng phiên tòa chỉ có thể được tổ chức khi quan chức vẫn còn tại vị.

Ông Trump đã bị luận tội tháng trước vì bị cáo buộc kích động cuộc nổi dậy ngày 6/1 khi một đám đông bạo lực gồm những người ủng hộ ông đã vây hãm Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ). Vụ bạo loạn khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát. Sau khi rời nhiệm sở vào ngày 20/1, ngày nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, ông Trump trở thành cựu Tổng thống đầu tiên phải đối mặt với một phiên tòa luận tội tại Thượng viện.

Ông Trump cũng là tổng thống duy nhất bị luận tội hai lần, sau cuộc luận tội năm 2019 vì bị cáo buộc khuyến khích các quan chức chính phủ Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 bằng cách điều tra ông Biden. Ông đã được Thượng viện tuyên bố trắng án vào năm ngoái.

Cuộc bỏ phiếu tối 9/2 được nhiều người Mỹ mong đợi. Trong cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục sơ bộ ngày 26/1, có 5 nghị sĩ Cộng hòa tham gia về phía đảng Dân chủ, 45 TNS Cộng hòa còn lại ủng hộ đề nghị tuyên bố phiên tòa là vi hiến.

Mặc dù vậy, vì việc kết án đòi hỏi sự ủng hộ của 67 TNS, cơ hội được tha bổng lần thứ hai của ông Trump là rất cao tại một Thượng viện có tỷ lệ Dân chủ - Cộng hòa là 50-50, trong đó có hai TNS độc lập bỏ phiếu cùng phe Dân chủ.

Ngay sau khi bắt đầu phiên tòa vào ngày 9/2, các nghị sĩ Dân chủ đã phát một video dài 13 phút bằng đồ họa mô tả các sự kiện ngày 6/1, cho thấy các bình luận của ông Trump trong thời gian thực cùng với các hành động của đám đông. Khi phát video, âm thanh của đám đông la hét vang vọng khắp phòng họp Thượng viện, khiến một số TNS phải chú ý đầy cảnh giác.

Dân biểu Jamie Raskin (Dân chủ), người chủ trì chính cuộc luận tội, đã phá vỡ sự im lặng: "Nếu đó không phải là một hành vi phạm tội có thể luận tội, thì chúng ta sẽ không phải xem lại đoạn video này".

Vì gần như chắc chắn ông Trump sẽ không bị buộc tội, phiên tòa này có thể là một trong những phiên tòa luận tội tổng thống ngắn nhất trong lịch sử. Sẽ có bốn ngày thuyết trình về một cáo buộc duy nhất - mỗi bên sẽ có hai ngày để đưa ra các lập luận của mình với các công tố viên Hạ viện, bắt đầu từ ngày 10/2 - sau đó là các câu hỏi của các TNS và cơ hội gọi nhân chứng, một yêu cầu mà những người chủ trì luận tội có thể không thực hiện. Cuối cùng là một cuộc bỏ phiếu kết tội, có thể diễn ra sớm nhất vào đầu tuần tới.

Các luật sư của ông Trump lập luận rằng phiên tòa chỉ đơn thuần là “sân khấu chính trị” và nếu Thượng viện có thể xét xử Trump bây giờ (khi ông đã mãn nhiệm), thì không có gì ngăn cản họ truy đuổi bất kỳ cựu quan chức chính phủ nào khác bị cáo buộc hành vi sai trái đã trở thành công dân bình thường.

Các nghị sĩ Dân chủ - và nhiều chuyên gia pháp lý - lập luận ngược lại. Một nhóm 150 chuyên gia luật hiến pháp gần đây đã viết rằng Hiến pháp cho phép các cựu quan chức bị xét xử. Theo họ, bằng chứng là điều khoản của Hiến pháp cho phép Thượng viện có thể cấm các quan chức bị luận tội và bị kết án không được tái tham gia các chức vụ công quyền.

Hạ nghị sĩ Raskin cảnh báo rằng nếu tha bổng ông Trump, Thượng viện sẽ đặt ra "ngoại lệ tháng Giêng", trong đó tổng thống không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong những ngày cuối cùng tại nhiệm, tại thời điểm mà quyền lực của một tổng thống thất cử được tập trung cao độ và nền dân chủ dễ bị tổn thương nhất.

Các chuyên gia hiến pháp khác lo lắng rằng việc xét xử ông Trump có thể đặt ra “một tiền lệ nguy hiểm”, một tiền lệ cho phép Hạ viện luận tội các quan chức sau khi họ rời nhiệm sở đã lâu. 

Hòa Ninh (theo AP, Los Angeles Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI