Thượng viện Mỹ thông qua dự luật tội ác thù hận chống người gốc Á

23/04/2021 - 08:46

PNO - Thượng viện Mỹ hôm thứ 22/4 đã thông qua một dự luật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực thi pháp luật điều tra tội ác thù hận chống người Mỹ gốc Á, sau khi làn sóng bạo lực phân biệt chủng tộc gia tăng mạnh trong đại dịch COVID-19.

Thượng nghị sĩ Mazie Hirono (giữa), cùng Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (trái) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Charles E. Schumer, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22/4 sau khi Thượng viện thông qua với tỷ lệ áp đảo tuyệt đối 94-1 dự luật do bà chủ xướng - Ảnh: Los Angeles Times
Thượng nghị sĩ Mazie Hirono (giữa), cùng Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (trái) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Charles E. Schumer, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22/4 sau khi Thượng viện thông qua với tỷ lệ áp đảo tuyệt đối 94-1 dự luật do bà chủ xướng - Ảnh: Los Angeles Times

Dự luật tội ác thù hận chống người Mỹ gốc Á được các nghị sĩ lưỡng đảng tại Thượng viện thông qua với tỷ lệ áp đảo tuyệt đối: 94 phiếu thuận trên 1 phiếu chống. Phiếu chống duy nhất thuộc về Thượng nghị sĩ (TNS) Josh Hawley (tiểu bang Missouri).

TNS Mazie Hirono (Hawaii), người đề xuất dự luật, cho biết: “Chúng tôi sẽ gửi một thông điệp đoàn kết mạnh mẽ tới cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương (AAPI) rằng Thượng viện không phải là người đứng ngoài cuộc khi bạo lực chống người châu Á gia tăng ở đất nước chúng ta”.

TNS Hirono trích dẫn hơn 3.800 tội ác chống lại sự thù hận người châu Á được báo cáo trên khắp nước Mỹ nước trong năm vừa qua, theo nghiên cứu của tổ chức Stop AAPI Hate - Chấm dứt thù hận người châu Á. Vài ngày sau khi bà Hirono giới thiệu dự luật vào tháng trước, một tay súng đã giết chết 8 người, trong đó có 6 phụ nữ châu Á, trong các vụ tấn công tại 3 spa ở thành phố Atlanta, Georgia.

Dự luật sẽ chỉ định một quan chức Bộ Tư pháp tiến hành việc điều tra các tội ác thù hận tiềm ẩn nhắm đến người Mỹ gốc Á. Nó cũng sẽ thiết lập một cơ sở dữ liệu tự nguyện về tội phạm thù hận và ban hành hướng dẫn để giúp cơ quan thực thi pháp luật địa phương giúp mọi người dễ dàng báo cáo tội phạm phân biệt chủng tộc hơn. Đồng thời, đạo luật này sẽ giúp các cơ quan địa phương phát triển các chiến dịch giáo dục cộng đồng về việc phòng ngừa và báo cáo tội phạm.

Dân biểu Grace Meng (New York), người đứng đầu nỗ lực thông qua dự luật tại Hạ viện, cho biết: “Việc người dân báo cáo nhiều hơn về tội ác thù hận sẽ cung cấp cho chúng tôi dữ liệu đầy đủ và bức tranh chính xác hơn về các cuộc tấn công đã xảy ra đối với những người gốc châu Á, bằng cách tập trung và thống nhất hơn, chúng ta có thể giải quyết tội phạm này một cách có hiệu quả”.

TNS Tammy Duckworth (Illinois), một người Mỹ gốc Thái cùng làm việc làm việc với TNS Hirono về dự luật, nói rằng mẹ cô gần đây đã bị "quấy rối" tại một cửa hàng tạp hóa. Cô Duckworth nói sau cuộc bỏ phiếu: “Việc thông qua dự luật sẽ cho phép tôi đi về nhà nói với mẹ tôi rằng chúng tôi đã làm được một điều về nó, điều này nói với cộng đồng AAPI rằng chúng tôi thấy các bạn, chúng tôi sẽ sát cánh và bảo vệ các bạn”.

TNS Cộng hòa Josh Hawley của Missouri - người duy nhất bỏ phiếu chống việc thông qua dự luật - nói rằng dự luật “quá rộng”. Ông Hawley cho biết, bản thân ông là một cựu công tố viên, nên theo quan điểm của ông, “là nguy hiểm nếu chỉ trao cho chính phủ liên bang quyền hạn mở để xác định các loại tội phạm thù hận ở cấp độ liên bang”.

Dự luật ban đầu chỉ đề cập đến các tội ác thù hận liên quan đến đại dịch COVID-19, và TNS Hirono muốn dự luật làm nổi bật vai trò của đại dịch COVID-19 trong việc làm gia tăng các tội phạm thù hận. Cựu Tổng thống Trump thường xuyên sử dụng các tham chiếu phân biệt chủng tộc khi nói đến COVID-19, ông gọi nó là “virus Trung Quốc” và “bệnh cúm Vũ Hán”. Nhưng TNS Hirono đã đồng ý bỏ yêu cầu này trong một bản sửa đổi với TNS Cộng hòa Susan Collins của tiểu bang Maine.

Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng cũng đã bổ sung một điều khoản hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật địa phương sử dụng công cụ báo cáo tội phạm thù hận và thiết lập các khoản trợ cấp cho các tiểu bang duy trì đường dây nóng.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Charles E. Schumer (New York) cho biết cuộc bỏ phiếu hôm 22/4 là bằng chứng cho thấy Thượng viện có thể hoạt động, hoàn thành các sửa đổi từ cả hai bên và không có mối đe dọa nào đối với việc bỏ phiếu thông qua. Ông khẳng định, đó là “bằng chứng về việc khi Thượng viện được trao cơ hội làm việc, thì Thượng viện có thể làm việc để giải quyết các vấn đề quan trọng”.

Dự luật sau đó đã được chuyển đến Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Nếu được chấp thuận ở đó mà không có thay đổi, nó sẽ được chuyển tới Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Hoàng Diệu (theo Los Angeles Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI