Miệt Cửu Long phù sa chín nhánh sông thảo thơm với bốn mùa cây trái quanh năm. Cuộc sống tảo tần của người đồng bưng luôn quẩn quanh những điều bình dị gắn liền với hoa trái. Nếu miếng trầu trái cau làm đầu câu chuyện, nên nghĩa phu thê thì mẹt bánh mứt quê ngọt ngào nồng nàn mỗi độ xuân về luôn là vị tết không thể thiếu trên bàn tiếp khách của bất kỳ nhà nào.
Còn gì ý nghĩa hơn mấy ngày xuân châm miếng trà, cắn miếng mứt chúc nhau câu an lành
Cũ càng mứt tết ngày xưa
Mỗi độ bấc tàn, réo rắt mấy ngọn gió đồng ngòn ngọt trên khắp châu thổ miền Tây, ngoại lại lẩn thẩn ra vào nhẩm tính ngày tháng. Ngoại đợi tết như bao năm trường chỉ đợi một mùa vui rổn rảng niềm sum vầy. Những đứa cháu con lớn lên từ sóng nước miệt bưng như sáo sổ lồng tìm vùng đất lạ. Vậy nhưng thị thành bôn ba cả quãng dài, chúng vẫn luôn giữ nếp tết đến tề tựu ở quê. Xứ nào cũng là đất ở, nơi nào cũng có thể là nhà nhưng quê thì chỉ có một. Cái câu cửa miệng của những đứa con tha hương mùa Chạp luôn là câu hỏi: “Năm nay có về quê ăn tết không?”. Rồi chừng như chẳng cần trả lời, ai ai cũng tự gói ghém bộn bề dâu bể của đời mình mà theo tiếng gọi của mùa tìm về cố hương.
Tết trong tâm tưởng của người Việt, kỳ thực vui nhất vẫn là khoảng thời gian rộn ràng sắm sửa cho mấy ngày tết. Sắm sửa ở đây không chỉ là mua cái này, làm mới cái kia, trang hoàng nhà cửa… mà còn là khoảng thời gian chộn rộn với dăm ba thức bánh mứt được tổ tiên ông bà lưu truyền qua đôi bàn tay khéo léo của ngoại, của má. Càng gần về tết, xóm giềng càng í ới hỏi han nhau đã chuẩn bị đến đâu. Mẹt bánh mứt đượm mùi châu thổ như ký ức mãi chẳng thể nào quên của người miệt bưng.
Hồi mới lên Sài Gòn trọ học, mỗi bận tết, tôi hay tranh thủ về quê sớm. Mấy đứa bạn cứ bảo tết ở Sài Gòn vui lắm. Phố thị xanh đỏ đèn màu, xập xình nhạc xuân vui tai lạ mắt nhưng tôi vẫn cứ canh ngày được nghỉ là bắt chuyến xe sớm nhất để về. Đám mai ngoài hiên còn chờ tước lá, đám dừa vừa cơm đang chờ người sên. Rồi ai gọt gừng cùng ngoại? Đám bí ai phơi? Nhiều lắm những thứ hoa trái cần đôi tay phụ để kịp tết đến mà châm miếng trà, cắn miếng mứt chúc nhau câu an lành.
Ngoại làm mứt khéo nhất họ, mấy dì mấy cô cứ độ giữa Chạp đã bắt đầu nhắn nhau hẹn ngày làm mứt này, bữa làm mứt kia. Hôm làm mứt, nhà xôn xao tiếng nói cười. Đám trẻ chạy lòng vòng cho người lớn sai vặt mà háo hức đến lạ, vừa phụ mấy công đoạn nhỏ vừa nghe người lớn dạy mấy cái “tuyệt chiêu bí truyền” khi làm mứt. Như có lần ngoại bảo, đâu phải không dưng mà ông bà mình nghĩ ra món mứt gừng để ăn trong mấy ngày tết.
Mứt gừng vừa thơm ngon, lại vừa là vị thuốc có tác dụng chống trướng bụng, đau bụng do ăn uống không điều độ; phòng được bệnh viêm họng, ho mất tiếng. Mấy triệu chứng này ngày tết nhiều người hay bị. Củ gừng làm mứt phải lựa loại vừa tới, không quá non để tránh ỉu, không quá già tránh bị xơ, ăn vào nhám lưỡi. Ngoại gọt vỏ, xắt lát rồi sên gừng với đường kính và thêm ít nước cốt chanh. Chừng miếng gừng thấm đường, bắt đầu dẻo khô, ngoại sẽ rắc thêm ít đường phấn lên. Mùi nồng cay của mứt gừng lúc nào cũng làm đám cháu con hít hà bốc trộm liền tay chứ chẳng đợi đến tết.
Xứ bưng biền thuở sơ khai tới giờ, đâu đâu cũng có dừa. Qua bao biến thiên thời cuộc, dừa vẫn bám trụ với làng. Thuở thiếu thời cho đến lúc đã dầu dãi cuộc đời, dân miệt bưng uống nước dừa, ăn cơm dừa, lấy dừa làm ra nhiều món ăn ngon nức tiếng. Vậy nên, trên mẹt mứt tết, khắp châu thổ nơi nào cũng có món mứt dừa.
Tầm rằm tháng Chạp, người ta bắt đầu công đoạn lựa dừa dẻo hay dừa bánh tẻ, chỉ hai loại dừa đó mới cho ra loại mứt ngon bùi, thơm dẻo đúng vị. Dừa được cắt sợi hay bào mỏng rồi sên với đường đến khi đường kết tinh, bám lên từng sợi mứt. Mà phải sên trong lửa nhỏ, đảo đều tay đường mới thấm đều. Mứt xưa thường được ủ màu bằng hoa lá miệt vườn như màu tím của lá cẩm, màu xanh lá dứa, màu đỏ của gấc, màu vàng của nghệ…
Mẹt bánh mứt đượm mùi châu thổ như ký ức mãi chẳng thể nào quên của người miệt bưng
Hoa trái trẩy hội mùa xuân
Mẹt mứt tết miệt bưng rực rỡ sắc màu hoa trái quê hương dẫu dân dã nhưng qua bàn tay điệu nghệ của ngoại, của má bỗng trở nên hấp dẫn một cách lạ kỳ. Thể như khoai lang, bí, chuối, xoài, thơm, mãng cầu, me… khoác lên mình xiêm y lộng lẫy trẩy hội mùa xuân. Đám cháu con cả năm xa quê, về ngồi quây quần bên ấm trà, ăn miếng mứt, nghe lòng dâng niềm thiết tha quá đỗi. Xứ quê chỉ bấy nhiêu thôi mà mỗi bận năm hết tết đến chẳng thể thiếu được.
Ăn mứt nhiều có khi cũng ghiền. Như chính tôi ghiền mứt khế của ngoại một cách chẳng thể cưỡng. Mứt khế của ngoại là món độc đáo chẳng thể kiếm đâu được trên thị trường bánh mứt ngày nay. Thể như chỉ có mấy bà già xưa mới còn giữ lại được chút ngón nghề truyền thống. Khế xanh được ngoại xắt lát ra hình ngôi sao năm cánh, ngâm với nước tro chừng vài tiếng rồi rửa sạch và ủ đường.
Khi mớ đường thấm vào khế, tan hết ra, ngoại bắt đầu sên trên lửa nhỏ. Sên cho khế mướt mật thành màu nâu vàng, ngoại mới cho gừng xắt sợi vào đảo đều tay, đến khi miếng mứt khô rin rít màu mật áo đều bên ngoài. Mứt khế của ngoại chua ngọt, dẻo kẹo và thoảng thơm mùi gừng. Món mứt ấy bao lần về quê ăn tết tôi đều gói lên một ít để làm quà tặng bạn bè thị thành, để rồi đám bạn cứ nói với nhau, lỡ ăn một miếng, lại phải bốc ăn miết cho đến hết mới thôi.
Vài năm trước, mẹt mứt tết của ngoại lại thêm món lạ, bắt miệng và dễ dụ mấy đứa cháu gái trong nhà. Từ trái đu đủ xanh, ngoại gọt vỏ và nạo ruột bỏ hột rồi xắt khúc gọn nhỏ chừng nửa ngón tay. Ngoại ngâm muối cả tiếng đồng hồ, lại nong nước thêm hai, ba tiếng. Sau đó, ngoại ủ đường và bỏ tủ lạnh cả nửa ngày trời. Cuối cùng, ngoại chắt nước đường sóng sánh từ thau ủ đu đủ, sên liu riu sôi mới trút mớ đu đủ và lá dứa vào, đảo cho phủ đều nước đường. Khi đường đóng trắng lấm tấm lên miếng mứt đu đủ và mùi thơm của lá dứa bốc lên khiêu khích, là món mứt hoàn thành.
Vậy đó, tết miệt bưng từ buổi sơ khai cho đến nay vẫn vẹn nguyên cái mùi vị thảo thơm dân dã. Dẫu bao năm tháng qua đi, bưng biền cũng thay da đổi thịt và sự hiện đại lan dần thôn xóm nhưng mứt tết luôn là thứ không thể thiếu để giao đãi chúc tụng mỗi độ xuân về. Thậm chí, mứt cũng dần trở thành nét văn hóa biếu tặng đậm đà bản sắc để bày tỏ tấm chân tình của người châu thổ.
Có lần, đám bạn thị thành kéo về miền Tây ăn tết. Bên những huyên náo nói cười, đám bạn ăn miếng mứt tết, nhấp ngụm trà sen, tặc lưỡi đúng điệu dân đồng bưng rồi cười đắc chí. Tết là vậy. Là sum vầy, là đầy ắp những ngọt ngào tình thân, là những ký ức nuôi nấng lễ nghĩa lưu truyền qua bao thế hệ. Để bên mẹt mứt tết, đám trẻ “tóc nhuộm highlight” say sưa ngồi nghe ngoại kể mấy chuyện cũ càng, mà rưng rức nỗi niềm nhớ thương châu thổ quê mình.
Không còn tạo hình phù thủy hay thây ma dọa người, giới trẻ Trung Quốc đang đổ xô hóa trang thành người nổi tiếng và meme trong lễ hội Halloween năm nay.