Thương vì mẹ kiên cường

23/12/2013 - 11:10

PNO - PNO - “Bà nội của chồng tôi kể, lúc ba anh Việt bị bắt, bọn giặc dẫn ông ra sân làng tra khảo đến chết rồi ném xác giữa đường. Đau đớn lắm, nhưng mẹ chồng tôi vẫn đủ bình tĩnh đi nhặt xác ông về chôn cất. Rồi con gái...

Thấu lòng mẹ

Thuong vi me kien cuong

Chị Màn đang chăm sóc má chồng

Có lẽ nhờ chị Trương Thị Màn, sinh 1962, tổ 11, KP Xóm Rỗng, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thấu hiểu từng suy nghĩ của mẹ, nên trong ba nàng dâu, bà Lê Thị Thê, mẹ chồng chị, đã chọn chung sống cùng chị. Anh Trần Việt là con trai thứ hai của bà Thê. Từ nhỏ, anh Việt đã chứng kiến cảnh mẹ một mình nặng gánh nuôi ba con thơ, chăm lo cho cha mẹ chồng già yếu, nên ngay từ khi mới kết hôn với chị Màn, dù chỉ được đơn vị bộ đội nơi anh công tác cất cho căn nhà tranh bé xíu, anh vẫn ước mơ được đón mẹ về phụng dưỡng. Chị Màn cũng rất vui khi đón mẹ chồng về sống với mình.

Chị kể: “Ban đầu mẹ khăng khăng ở Quảng Trị, đòi sống cùng chú Út. Chỉ đến khi Út lấy vợ, bà mới chịu về với vợ chồng tôi”. Nghe con dâu kể, bà Thê góp chuyện: “Không về với con ni răng được. Bận nào ốm cũng được hắn chăm, cơm hắn xúc cho mà ăn, có giận la vô cớ, hắn cũng không nói chi cả, lại quá chăm làm, không chê được chỗ mô”. Nhà chị Màn luôn sạch sẽ, tinh tươm; chỗ bà nằm ở chái nhà sau, gió biển thổi vào mát rượi. Bà Thê nói: “Quê tôi ở Cửa Việt, Triệu Phong, Quảng Trị, nghèo lắm. Con Màn được tôi thương vì nó sinh ra cũng nghèo khó, đồng hương với tôi và rất hiểu ý tôi. Ví như con dâu khác thì đã không biết ý tôi để chọn cho tôi chỗ ni đặt giường mô. Chỉ có con Màn thôi…”.

Chị Màn kể, khi anh Việt ra quân, về nhà theo nghề đánh cá, dù không còn đan lưới, vá lưới mấy mươi năm, nhưng thấy con dâu lấy thuyền, lấy nhợ ra, là bà Thê xắn tay cùng làm. Sợ con dâu không biết lối sống của dân chài, bà kể chị nghe những điều kiêng kỵ; chia sẻ hết những việc cần làm. Chị Màn nói: “Nhờ có mẹ, tôi từ vợ bộ đội thoắt cái là thành vợ của ngư dân, làm cả anh Việt cũng ngạc nhiên!”. Những lúc chồng ra biển, chị Màn ở nhà lo cho các con, quẩn quanh heo cúi, vịt gà...

Liều thuốc quý

Các con của chị Màn học giỏi nổi tiếng ở xóm Bưng Riềng này. Đông con, anh chị không thể chăm chút cho từng đứa, nhưng các con của chị đều tự ý thức học hành. Chị kể: “Thời ấy khó khăn lắm, cứ phải ăn cơm độn khoai với mắm. Cá đánh bắt được, con nào nguyên lành thì mang mang bán kiếm tiền, mua gạo, mua mì; con nào mất đầu, bể bụng thì làm mắm ăn dần, phòng những ngày mưa bão. Lâu lâu có con cá ngon nấu canh mời mẹ, bà lại san hết cho các cháu, còn nói vui “khôn ăn nước, dại ăn cái, để bà ăn nước cho”. Tôi luôn thấy thương và biết ơn bà”.
Những âu lo, vất vả của chị Màn, anh Việt giờ đã được đền đáp xứng đáng. Năm người con của anh chị đều đã thành đạt. Con gái đầu Kim Hà và cô Út Kim Hạnh mỗi người làm chủ một cửa tiệm photocopy và trang điểm cô dâu. Hùng Định tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải, đang làm việc tại TP.HCM. Hai người con còn lại là Hùng Cường và Kim Hương đều là chiến sĩ công an.

Sống với bà nội từ bé nên mấy anh em đều rất thương quý bà. Kim Hạnh kể: “Bà nội khó tính lắm, nhưng bà rất thương chúng tôi. Tất cả là nhờ mẹ tôi đấy! Nếu không có mẹ biết nhẫn nhịn, yêu thương bà hết lòng như vậy, mấy cha con tôi đã bị bà…cho ra rìa lâu rồi”. Đã sáu năm nay, mỗi năm các con đều góp tiền cho anh chị đi du lịch. Ban đầu, chị còn đưa mẹ chồng đi cùng, gần đây bà bệnh nặng, yếu hẳn, không đi được, chị cũng chẳng còn muốn đi đâu. Chị Đoàn Thị Mến, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phước Bửu nói: “Nhìn cả nhà chung sức chăm sóc, yêu thương, tôi thấy bà Thê thật hạnh phúc biết bao!”.

Thuong vi me kien cuong
Bà Lê Thị Thê bên con cháu

Riêng chị Màn vẫn luôn chạnh lòng khi nghĩ về mẹ chồng, chị nói: “Cháu con yêu thương như vậy nhưng đâu xứng với tất cả những hy sinh, choàng gánh của mẹ tôi suốt cả cuộc đời. Chồng và con gái hy sinh sớm, mình mẹ vừa lo cha mẹ chồng, vừa lo các con ăn học. Mấy anh em nhà anh Việt, người dở nhất cũng được học hết cấp ba…”. Điều chị canh cánh trong lòng đó là căn bệnh ung thư ngực đang vắt kiệt sức mẹ chồng. Bà chẳng bao giờ than đau dù khối u luôn sưng tấy. Hiểu mẹ đau nên chẳng bao giờ chị than vãn một lời, luôn giữ cho mình vẻ bên ngoài tươi vui, xăng xái.

Mỗi ngày chị Màn vẫn thức dậy từ 2g sáng, nấu cơm, chuẩn bị cho chồng đi biển. Khi chồng lênh đênh giữa biển khơi, chị lại tham gia vào đội thu gom, lặt đầu cá trên bờ. Anh giong thúng về, chị lại cùng chồng gỡ lưới, mang cá tôm bắt được ra chợ Xuyên Mộc bán. Vợ chồng về nhà, cùng lên liếp đám dưa, chăm luống khoai, tỉa giồng cà… Chị nói: “Phải làm vậy, vì mẹ nhìn thấy chúng tôi ham làm, các cháu ham học và thành đạt, bà rất vui”. Có lẽ đó chính là liều thuốc tinh thần đặc biệt chị Màn dành cho mẹ.


NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI