"Thượng vàng hạ cám" phim hài Tết chiếu mạng

19/01/2021 - 13:22

PNO - Bên cạnh những sản phẩm chất lượng cũng có những phim gây phản cảm vì nội dung nhảm nhí, quảng cáo tràn lan.

Thị trường sôi động, không kém phim điện ảnh

Thị trường phim hài Tết chiếu mạng đang ngày càng sôi động hơn. Tết rồi về nhà thôi của Thu Trang đã bước đến mùa thứ tư. Phim năm nay được nữ nghệ sĩ sản xuất kéo dài gần 40 phút, đã lên sóng cách đây 2 ngày. 

Phát pháo mở màn mùa Tết này thuộc về nam diễn viên Quách Ngọc Tuyên với Cái Tết của thằng khờ. Diễn viên Duy Khánh cũng nhanh chóng ra mắt sản phẩm dành cho mùa Tết năm nay mang tên Xóm sân si. Huỳnh Lập cũng góp mặt với Tết tới đón kiểu mới.

Tết đến rồi về nhà thôi của Thu Trang lên sóng cách đây không lâu, nhận được sự yêu thích nồng nhiệt của khán giả
Tết đến rồi về nhà thôi của Thu Trang lên sóng cách đây không lâu, nhận được sự yêu thích nồng nhiệt của khán giả

Làng hài phía Bắc cũng có nhiều sản phẩm ra mắt trong mùa Tết này. Làng ế vợ phần 7 hiện đã chiếu đến tập 3 với sự tham gia của nghệ sĩ Chiến Thắng, Bình Trọng, Quang Tèo... Lật kèo mới được phát sóng gần đây cũng quy tụ nhiều nghệ sĩ như: Quang Tèo, Giang Còi, Thanh Hương. 

Mất vợ vì rượu, Râu quặp, Lớ ngớ được vợ, Tết không tiền... cũng là những cái tên góp mặt trong đường đua phim hài Tết chiếu mạng năm nay. Bên cạnh đó một số nghệ sĩ đang chờ để bung sản phẩm trong những ngày cận Tết.

Chất lượng không đồng đều

Hiện tại, nhiều phim đã đạt đến con số hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu lượt xem, góp mặt trong danh sách thịnh hành của YouTube tại Việt Nam như: Tết đến rồi về nhà thôi, Xóm sân si, Làng ế vợ.

Phim hài chiếu mạng được chia làm hai nhánh rõ rệt. Nhóm đầu tiên, cũng phổ biến nhất, là những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày, gắn với việc ăn Tết: về quê đón Tết, gia đình chuẩn bị ăn Tết, chuyện nhà, chuyện xóm ngày Tết... Những xung đột được đặt ra và giải quyết êm đẹp để hưởng cái Tết trọn vẹn, vui vẻ.

Nhóm thứ hai là những phim hài Tết mang màu sắc dân gian, phổ biến với sản phẩm của nghệ sĩ miền Bắc. Không gian làng quê Bắc Bộ xưa được tái hiện mang đến cảm giác yên bình cho người xem. Những câu chuyện được kể không hẳn gắn với ngày Tết nhưng cũng mang đến nụ cười cho khán giả qua những tình huống trớ trêu, những cách xử lý duyên dáng.

Cái Tết của thằng khờ là một trong những sản phẩm đầu tiên của dòng phim hài Tết năm nay
Cái Tết của thằng khờ là một trong những sản phẩm đầu tiên của dòng phim hài Tết năm nay

Những năm gần đây, chất lượng phim chiếu mạng được cải thiện đáng kể. Một số sản phẩm như: Tết đến rồi về nhà thôi, Xóm sân si, Cái Tết của thằng khờ có chất lượng hình ảnh tốt, không thua kém phim chiếu rạp, khiến người xem thích thú. Đây cũng là xu hướng được nhiều nghệ sĩ lựa chọn, trong bối cảnh sự cạnh tranh trên môi trường mạng ngày càng khốc liệt hơn. Nhưng nhiều sản phẩm khác vẫn giữ cách quay truyền thống, chất lượng hình ảnh không khác mấy so với phim truyền hình cách đây hơn chục năm.

Nội dung được truyền tải cũng tách bạch dòng phim hài Tết sang hai nhóm khác biệt. Tết đến rồi về nhà thôi của Thu Trang hiện đang nhận được nhiều lời khen nhờ câu chuyện nhẹ nhàng, đầy ý nghĩa. Thông qua việc người thân nghi kị nhau chỉ vì tiền bạc, các nghệ sĩ truyền tải được bài học về sự sẻ chia, quan tâm lẫn nhau trong cuộc sống, đặc biệt khi vừa đi qua một năm vô cùng khó khăn. 

Phân cảnh người thân nghi kỵ nhau trong Tết đến rồi về nhà thôi:

 

 

Bối cảnh phim chỉ gói gọn trong những ngôi nhà, nhưng Duy Khánh và dàn diễn viên: Duy Khương, Khả Như, Gin Tuấn Kiệt... luôn duy trì được sự thích thú cho người xem nhờ những mảng miếng hài được sắp xếp duyên dáng, tiết tấu nhanh trong Xóm sân si. Nhiều câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống như: chăm sóc con trẻ, thói nhiều chuyện, đi chùa đầu năm... được thể hiện dưới góc nhìn hài hước, duyên dáng, nhưng đủ khiến người xem phải tự ngẫm về chính mình.

Tuy nhiên, phim hài Tết năm nay cũng xuất hiện những sản phẩm kém về nội dung, thậm chí gây phản cảm cho người xem. Sau gần 50 phút theo dõi tập đầu tiên của series Tết ơi là tết 4, người xem không hiểu đơn vị sản xuất đang muốn truyền đi thông điệp gì. Điều khiến họ nhớ nhất là hình ảnh giả gái xấu xí của Chiến Thắng hay những cảnh các diễn viên nữ ăn mặc thiếu vải. Ngay từ đầu Xem bói (với sự góp mặt của Vượng Râu, Bảo Chung...) cũng khiến khán giả nhức mắt với hình ảnh hở hang ngồn ngộn của diễn viên nữ. 

Hình ảnh diễn viên ăn mặc hở hang trong phim Xem bói
Hình ảnh diễn viên ăn mặc hở hang trong phim Xem bói

Làng ế vợ mùa 7 hiện đã chiếu đến tập 3. Mỗi tập kéo dài khoảng 50 phút nhưng nội dung dàn trải, không tập trung hay truyền tải được thông điệp cụ thể nào. Người xem gần như chỉ ghi nhớ những màn cãi nhau chí choé của các nhân vật trong phim, những cảnh té ngã, ăn mặc hở hang của một số nữ diễn viên. Điều này đã bị khán giả, truyền thông lên tiếng phê phán.

Nội dung trong Làng ế vợ dàn trải, không thể hiện được thông điệp cụ thể nào
Nội dung trong Làng ế vợ dàn trải, không thể hiện được thông điệp cụ thể nào

Quảng cáo văn minh: Chuyện khó với NSX?                                                           

Sau 3 mùa không có quảng cáo, Tết đến rồi về nhà thôi mùa thứ tư đã xuất hiện thương hiệu nước giải khát thường được ưa chuộng trong mùa Tết. Đây cũng là xu hướng tất yếu của dạng phim này nói riêng, phim chiếu mạng nói chung. Nhà tài trợ giúp các đơn vị sản xuất, nghệ sĩ có thêm kinh phí. Thông qua những phim chiếu mạng, sản phẩm cũng dễ đến với số đông khán giả hơn khi đây là nền tảng xem video phổ biến hiện tại, đặc biệt trong thời điểm năm mới.

Trong phim của Thu Trang, sản phẩm xuất hiện khá khéo léo, là quà tặng của đứa con phương xa cho gia đình nhân dịp về quê ăn Tết. Sản phẩm cũng có mặt trên bàn ăn một cách hài hoà. Một thương hiệu làm đẹp cũng xuất hiện trong Cái Tết của thằng khờ, với logo được đặt để ở vị trí hợp lý, kích thước vừa phải, giúp người xem cảm thấy dễ chịu.

Sản phẩm của nhà tài trợ xuất hiện khéo léo trong phim của Thu Trang
Sản phẩm của nhà tài trợ xuất hiện khéo léo trong phim của Thu Trang

Tuy nhiên, không ít sản phẩm khiến khán giả bị bội thực bởi quảng cáo từ số lượng cho đến chất lượng. Trong Mất vợ vì rượu, Làng ế vợ, Tết ơi là Tết... không ít người xem phải bình luận than khóc vì cứ vài phút lại xuất hiện một quảng cáo từ thương hiệu nhà hàng, thời trang, nước giải khát cho đến thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam, nữ?!

Tính chất một số sản phẩm không phù hợp với phim hài Tết, chưa kể chúng được đặt để vào một cách thô thiển, không ăn nhập với nội dung câu chuyện. Chẳng hạn như trong Mất vợ vì rượu, khi hai người đàn ông gặp nhau để bàn chuyện cưới xin cho con cái, bỗng một ngưởi hỏi người còn lại về chuyện sinh lý và giới thiệu ào ào về một sản phẩm hỗ trợ. Câu chuyện diễn ra với những tràng cười giòn giã từ các nhân vật nhưng chỉ khiến người xem cảm thấy lợn cợn, ngượng ngùng vì sự vô duyên, thiếu tế nhị.

Cảnh quảng cáo vô duyên trong Mất vợ vì rượu
Cảnh quảng cáo vô duyên trong Mất vợ vì rượu

Nhà tài trợ gần như không thể vắng mặt trong những sản phẩm chiếu mạng miễn phí. Khán giả từ phản đối đã cảm thông, chia sẻ hơn với nghệ sĩ trong thời gian gần đây. Nhưng nghệ sĩ cũng không vì thế mà được làm bừa, làm càn.

Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng phim, hình ảnh nghệ sĩ, thậm chí còn khiến người xem ác cảm với thương hiệu. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy những nỗi lo này không hề tồn tại với nhiều NSX, nghệ sĩ.                                              

Rõ ràng, việc quảng cáo sao cho khéo léo, văn minh là chuyện nằm trong tầm tay của nghệ sĩ, NSX. Nhưng không hiểu vì sao những sản phẩm kệch cỡm, kém duyên cứ ra đời từ mùa Tết này sang mùa Xuân nọ?

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI