Sau khi Dự lễ khởi công dự xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới.
|
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng |
- Thưa thứ trưởng, xin ông cho biết dự án này bao gồm những hạng mục gì và sẽ được thực hiện trong thời gian bao lâu?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý dioxin này có ý nghĩa quan trọng nhất là di chuyển doanh trại ra khỏi khu vực ô nhiễm tránh nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho con người trong thời gian xử lý dự án tổng thể sắp tới. Dự án này được thực hiện trong 4 năm từ 2017-2020, nhưng những hạng mục quan trọng sẽ được thực hiện trong năm nay và đầu năm tới để phục vụ dự án tổng thể sắp tới.
Khối lượng đất ô nhiễm dioxin cần phải xử lý khoảng trên nửa triệu mét khối (hơn 500.000 m3) cả trong sân bay Biên Hòa và khu vực dân cư xung quanh. |
Dự án này gồm có 3 nhóm hạng mục chính: Rà phá bom, mìn khu vực, xây dựng hạ tầng đường giao thông phục vụ dự án tổng thể; di chuyển các công trình, tòa nhà ở ra khỏi khu vực mới được phát hiện bị ô nhiễm do phía Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp đánh giá; xây dựng các công trình cách ly, chống lan tỏa chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh khu vực.
|
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan tại buổi khởi công dự án xử lý chất độc dioxin ở sân bay Biên Hòa |
- Sau khi dự án hoàn thành thì kế hoạch tẩy độc chi tiết tại khu vực này dự kiến sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không đợi đến khi Dự án này hoàn thành, mà ngay bây giờ Việt Nam đã và đang phối hợp với Hoa Kỳ và một số đối tác quốc tế khác lập kế hoạch xử lý tổng thể đất ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa.
Có thể nêu một số công vụ cụ thể trong thời gian tới như cuối năm 2017 sẽ thực hiện việc lập dự án xử lý tổng thể (lựa chọn công nghệ, thiết kế kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường, xác định nguồn vốn…). Dự kiến từ năm 2018, phê duyệt thiết kế chi tiết, tổ chức đấu thầu, tổ chức thực hiện dự án và tiến hành xử lý.
|
Có khoảng 500.000 mét khối đất ở sân bay Biên Hòa nhiễm dioxin |
Tuy nhiên, thời gian thực hiện các nội dung công việc nêu trên phụ thuộc rất nhiều vào việc bảo đảm nguồn lực về ngân sách và trang thiết bị, công nghệ lựa chọn.
- Sau Đà Nẵng và Biên Hòa, Việt Nam và Hoa kỳ có tiếp tục mở rộng hợp tác tẩy độc dioxin ở các khu vực khác không? Nếu có thì sẽ là những khu vực nào?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Dự án ở Đà Nẵng đang ở giai đoạn sắp kết thúc, những kết quả của dự án này có ý nghĩa quan trọng khẳng định sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, cụ thể là tạo ra quỹ đất sạch để xây dựng công trình hàng không phục vụ hội nghị cấp cao APEC năm 2017.
Chúng tôi mong muốn càng sớm càng tốt để thực hiện dự án xử lý dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa và tiếp theo là sân bay sân bay Phù Cát, ở tỉnh Thừa Thiên Huế và một số khu vực khác đang được điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm.
|
Một góc sân bay Biên Hòa |
Không những vậy, ngoài việc xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia, tổ chức có thiện chí để thực hiện các dự án khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người Việt Nam ở những khu vực bị phun dải, chẳng hạn như dự án nâng cao năng lực nghiên cứu, điều trị y tế, hỗ trợ việc làm cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
- Liệu Việt Nam có mong muốn Nhật Bản giúp đỡ gì trong việc thực hiện dự án tẩy độc Dioxin/chất độc da cam ở sân bay Biên Hòa?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Như các bạn đã biết, khối lượng đất ô nhiễm cần phải xử lý khoảng trên nửa triệu mét khối (hơn 500.000 m3) cả trong sân bay và khu vực dân cư xung quanh. Với khối lượng như vậy thì cần phải xử lý càng nhanh càng tốt, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe con người và làm sạch môi trường, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Thời gian qua, cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trao đổi với một số doanh nghiệp Nhật Bản như tập đoàn Shimizu, tập đoàn Nipon để hợp tác, thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc dioxin ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại khó khăn nhất là vấn đề tài chính cho việc thử nghiệm và triển khai.
|
Sau Biên Hòa, Bộ Quốc phòng tiếp tục hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước xử lý chất độc dioxin ở những sân bay khác như Phù Cát (Bình Định) và Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) |
Việt Nam rất trân trọng và mong muốn Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam trong việc thực hiện dự án tẩy độc dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa vì đây là khu vực bị ô nhiễm rất nặng, được xác định là điểm nóng nhất về tồn lưu chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Cụ thể, các bạn có thể giúp chúng tôi về công nghệ xử lý, chuyên gia có trình độ cao, vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam. Hy vọng, Việt Nam sớm có thể nhận được sự hợp tác và giúp đỡ của Nhật Bản về cả nguồn lực tài chính và công nghệ cho việc triển khai xử lý triệt để ô nhiễm sân bay Biên Hòa.
Quỳnh Mai