Thương từng góc phố rưng rưng

12/04/2015 - 06:54

PNO - PN - Sáu ngày rồi không thấy gánh đậu hũ đầu hẻm, nhiều người hỏi nhau: chị bán đậu hũ đâu rồi? Đó là những người hay mua đậu hũ mỗi ly 5.000 đồng vào những buổi chợ sáng. Chị hiểu rõ thói quen từng người, ai thích ăn ít...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vậy mà một sáng, rồi nhiều sáng không ai nhìn thấy chị nữa, buổi chợ không chỉ thiếu một món ngon mang về mà còn thiếu cả một góc với gánh hàng rong thơm mùi đậu hũ, đường phèn.

Thuong tung goc pho rung rung

Ảnh: Ngọc Hồ.

Người ta hỏi nhau thì nghe tin chị đã mất. Chị qua đời trong lúc đang gánh hàng về sau buổi chợ tan.

Chị không còn nữa, góc hẻm tôi đi ngang cứ hình dung như chị đang ngồi đó, dịu dàng đon đả múc từng muỗng đậu hũ trắng mềm mịn, tay thoăn thoắt chan nước đường, nước cốt dừa… rồi luôn mỉm cười với khách. Tôi nhớ nụ cười ấy, hiền lành tần tảo. Chị cũng như bao con người tìm đến mưu sinh trong thành phố này, tên gọi là gánh hàng rong trên vai, chị đậu hũ, bà bánh canh, bà xôi bắp, chị mì Quảng, chị cơm sườn, anh bắp luộc…

Tên của họ mất hút giữa thành phố ồn ã, biến thành món ăn mà mỗi khi gọi ai cũng quay lại cười rất tươi: chè, chuối nướng, bánh giò, hủ tíu gõ, cháo sườn… Bởi mỗi một tiếng gọi là họ sẽ bán được một phần thức ăn, là thêm một ít tiền lời xếp lại phẳng phiu để dành “gửi về quê cho tụi nhỏ”, đỡ đần được cho chồng con, cha mẹ già...

Cái thời thành phố còn là một giấc mơ xa xỉ, tôi hay nghe người lớn dặn dò mỗi khi làng có ai khăn gói lên thành phố, rằng coi chừng lừa đảo giật dọc, người lạ nói gì cũng đừng tin.

Thuong tung goc pho rung rung

Ảnh: Ngọc Hồ.

Ngày quê cỏ ấy tôi hình dung thành phố ồn ào tấp nập, lạnh lùng và không ai đáng tin. Đến lượt mình lên phố, tôi đi trên đường cứ khư khư ôm chặt cái ba lô chẳng có tài sản gì ngoài mấy bộ quần áo và sách vở, vài trăm ngàn má cho “lận túi”. Tôi sợ đến mức có bác xe ôm già bảo làm gì mà run dữ vậy con.

Sau này tự tin đi giữa phố đông, tôi thấy họ - những người lao động cũng đâu khác gì người dân quê, hiền lành chân chất, đôi mắt cũng hằn những vết chân chim mòn mỏi trong cuộc mưu sinh chứ có lọc lừa giả dối gì.

Anh bạn tôi ra trường về quê, sau này có dịp gặp nhắc nhớ kỷ niệm về phố, hay hỏi vợ chồng chú bán chè ở đường Nguyễn Đình Chiểu giờ còn bán không? Bà cụ bán xôi cốm dẹp góc đường Hoàng Văn Thụ có còn? Hay chỗ bánh mì phá lấu hay cho anh… thiếu nợ hồi thời sinh viên? Rồi quán cơm bà chủ mập ú nói nhiều nhưng lúc nào cũng quan tâm tới từng đứa sinh viên ăn cơm của bà...

Từ thời của anh đến thời của tôi, cũng đã hơn một thập kỷ thành phố đổi thay. Ngần ấy năm có nhiều người quay về quê lập nghiệp, và không ít người chọn phố làm nơi khởi đầu.

Thành phố dang rộng vòng tay đón và cưu mang tất cả những người xa xứ. Bởi thế, giữa những hào nhoáng ồn ào, tôi vẫn thấy đâu đó những khuôn mặt quê hiền lành thân thiện, sự chân thật và những cái cười chân chất quê cỏ cứu rỗi những lo toan, để người với người trong những khoảnh khắc nào đó của năm tháng rọi vào nhau mà nhìn thấy nguồn gốc của mình.

Cuộc đời của chúng ta ở đây, hiền lành thương nhớ mà rưng rưng trong từng góc phố…

 TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI