Thường trực lòng yêu nước

20/07/2022 - 06:40

PNO - Ngày 21/7 tới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ, họp mặt nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. Khi hay tin về buổi gặp mặt trên, nhiều nữ cựu tù cảm thấy ấm lòng.

Trong những ngày chuẩn bị cho buổi họp mặt, bà Hoàng Thị Khánh - Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị, tù binh TP.HCM - cho hay đây là lần đầu tiên, các tổ chức chính trị cao cấp tổ chức buổi gặp gỡ chung cho các nữ cựu tù chính trị, tù binh.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (thứ ba từ phải sang) đến thăm và tặng quà cho các gia đình cách mạng trong chuyến thăm Côn Đảo vừa qua
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (thứ ba từ phải sang) đến thăm và tặng quà cho các gia đình cách mạng trong chuyến thăm Côn Đảo vừa qua

Tính đến ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), TP.HCM có trên 11.000 chiến sĩ cách mạng từng bị địch giam cầm, tra tấn qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ngay trong những ngày đầu đất nước hòa bình, thống nhất, các cựu tù chính trị, tù binh cách mạng đã hình thành các ban liên lạc để kết nối, giúp đỡ, động viên nhau trong suốt quá trình học tập, rèn luyện, công tác. Đến năm 2001, Ban Liên lạc cựu tù chính trị, tù binh TP.HCM đã được thành lập. Đến nay, qua năm kỳ đại hội, số thành viên của ban chỉ còn hơn 7.000 người, trong đó có hơn 2.000 nữ cựu tù.

Trải qua các trận đòn roi, tra tấn của địch, rời ngục tù với thương tích, bệnh tật, các nữ cựu tù hăng hái lao vào công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Theo bà Hoàng Thị Khánh, có chị bị giam cầm trong nhà tù đế quốc từ kháng chiến chống Pháp, sau đó tiếp tục bị giam cầm trong kháng chiến chống Mỹ cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nên bị hạn chế về điều kiện học hành, sức khỏe không bảo đảm, khó bố trí công tác. Tuy nhiên, dù ở cương vị nào, vai trò nào, các nữ chiến sĩ cũng luôn cố gắng làm hết sức mình, vì cộng đồng, vì gia đình.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa kể lại, trong những ngày bị tù đày dù gian khổ vẫn có những niềm vui trở thành lẽ sống. Như mỗi ngày dù chỉ được phát một lon nước nhưng lại không thiếu bởi ai cũng nhường nhau. Những nữ cựu tù nhường nhau từ miếng cơm, manh áo, chỗ nằm, nhường nhau từng bóng nắng hiếm hoi để đôi tay lần theo đó mà khâu những chỗ rách áo, nhường nhau từng viên thuốc, từng chút không khí để thở. Họ chỉ giành nhau một thứ duy nhất, đó là giành lấy phần khó về mình, giành nhau chịu đòn roi khắc nghiệt để bảo vệ đồng đội. Theo bà Trương Mỹ Hoa, tinh thần đoàn kết, yêu thương ấy trở thành lẽ sống rất đẹp, là mối quan hệ giữa người với người, tình đồng chí, đồng đội vẫn cần trong đời sống hiện nay. Sự chia sẻ, nhường nhịn, đùm bọc sẽ luôn là bài học lớn rèn luyện mỗi con người, dù ở thời đại nào.

 Trong số những kỷ vật thời chiến được trưng bày tại Phòng Truyền thống Huyện đội Bến Lức (tỉnh Long An), có chiếc áo gối do nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Ngọc Khọn khéo léo thêu bằng tay trong điều kiện bị giam cầm, giám sát, tra tấn dã man. Như một ẩn số của lòng yêu nước, nỗi đau tinh thần, thể xác không thể xô ngã bà cùng đồng đội, mà ngược lại, càng nung nấu ý chí, niềm tin sắt son vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam.

Niềm tin đó đã thành hiện thực với chiến thắng ngày 30/4/1975 lịch sử, mở ra thời kỳ độc lập, thống nhất, hòa bình của đất nước.       

Trên hành trình để đất nước đến với ngày vui thống nhất, các nữ cựu tù chính trị, tù binh qua các thời kỳ kháng chiến đã can trường trong chiến đấu và tiếp tục can trường đấu tranh ngay trong chốn lao tù sau khi bị địch bắt. Khi trở về đời thường, họ tiếp tục can trường đối mặt với những khó khăn mới.

Tuổi đời họ nay hầu hết đều trên 60, nhưng họ vẫn chưa ngơi nghỉ. Họ vẫn cật lực làm việc vì xã hội, cộng đồng, đất nước. Nói như bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước - là “làm được gì thì làm, không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ, góp phần dù là nhỏ nhất cho đất nước này”.

Cũng như khi chấp nhận gian khổ, hy sinh để làm cách mạng trong kháng chiến, nay những nữ chiến sĩ cộng sản vẫn miệt mài làm việc, cống hiến dù sức yếu, tuổi cao. Đó là bởi trong họ luôn thường trực lòng yêu nước và đã chọn lẽ sống vì nhân dân.  

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI