Thương trái thù lù thời nghèo khó

12/07/2023 - 20:37

PNO - Đi dạy về, con trai giơ chiếc túi nhỏ: “Con mang tuổi thơ về cho mẹ nè. Nghe mẹ kể bắt ham. Nào ngờ mua ăn xong thấy hụt hẫng ghê!".

Rồi cậu con càu nhàu: "Thù lù vầy mà còn bán cạnh trái vải, mận hậu, đào lông nữa chớ".

Trong túi là một mớ thù lù. Chị bật cười: “Ừ, so với trái vải, trái mận, trái đào thì thù lù so sao nổi. Nhưng xưa nghèo, mẹ thấy nó là mừng xỉu luôn”. Con trai mỉm cười: “Bởi, con nghe mẹ nói, con phải ghé mua ăn thử rồi mang về cho mẹ nữa. Để mẹ nhắc hoài”.

Bữa đó chị ra ra vào vào, tay nhón một trái, rồi một trái nữa, cái vị ngòn ngọt, chua chua, cái mùi dìu dịu lan ra trong miệng. Rồi thì bao ký ức tuổi thơ tràn về.

Thù lù thường chín một lúc cả cây, hái một cây chưa đầy chén
Thù lù thường chín một lúc cả cây, hái một cây chưa đầy một chén

Ngày xưa, xứ Hóc Môn (TPHCM) nơi chị sống vẫn là một huyện nghèo. Như chúng bạn, một buổi đi học, buổi còn lại chị ra đồng để phụ ông bà ngoại. Cánh đồng nhà chị bé xíu, nhưng ông bà vì nó bận bịu quanh năm. Mùa mưa, cấy lúa, mùa nắng trồng bắp, trồng khoai. Cho dù mùa nào, thì ông bà cũng phơi lưng trên đồng nhổ cỏ, bắt sâu, mùa mưa thì dầm chân bắt ốc, vớt cá, mùa nắng thì tưới nước, ủ rơm cho cây đủ ẩm… Cha mẹ đi làm cả ngày nên chị cùng em trai theo chân ông bà. Mùa mưa, hai chị em bắt cá, bắt ốc, mò cua, hái rau muống, đọt choại… Mùa nắng, nhổ rau dền, rau sam, mót bắp, khoai lang… Nhưng mùa nào cũng có những cây thù lù trên cánh đồng tuổi thơ đó.

Cây thù lù  trong ký ức tưởi thơ của mẹ
Cây thù lù trong ký ức tuổi thơ của mẹ

Nghe đâu ở miền Bắc, cây thù lù, còn gọi là cây tầm bóp, được xem như một loại rau nên thuốc. Còn với nhiều người nông dân Nam bộ, cây thù lù là một loại cỏ dại, phải nhổ bỏ để dành dinh dưỡng cho hoa màu. Thế nhưng, biết cháu gái mê trái thù lù, mỗi lần làm cỏ thấy cây thù lù là ông ngoại chừa lại, còn lấy mấy nhánh trúc, tầm vông vây xung quanh để dành dưỡng trái.

Cũng giống như các loại cây ngắn ngày, khoảng sau 3 tháng thù lù ra hoa, kết trái, rồi tầm 1 tháng sau nữa trái mới chín để ăn. Mà khi chín, nó thường chín rộ, đồng loạt cả cây.

Thu hoạch một cây thù lù, có thể được một nắm trái trong tay. Mỗi lần hái được một nắm trái thù lù, chị và em trai vui như trúng số.

Thèm lắm, nhưng cả hai chị em không ăn liền, mà cùng hớn hở mở lớp vỏ bao ra cho bằng hết. Rồi ngồi ngắm nghía cả nắm quả tròn tròn, bóng lưỡng, xinh xẻo và thơm thơm đó, nước miếng đã ứa tới tận miệng mới dám cắn vào.

Chị còn có trò ăn trái xanh trước, để dành trái chín vàng ăn sau, ý muốn cho cái dư vị ngọt ngào đọng lại. Ông em trai thì háu ăn, bỏ cả nắm vô miệng rồi nhìn vào tay chị ghen tỵ: “Sao bên Chi toàn trái chín không kìa?”. Vậy là phải san cho ổng phần ngon nhất. Nhưng ngày hôm ấy cô bé gái tên Chi cũng thiệt là vui.

Trái thù lù trên cánh đồng tuổi thơ của chị chỉ bé bằng đầu ngón tay, khi sống xanh ngắt, cắn vào chua lè, khi chín vàng, vị chỉ hơi ngòn ngọt với mùi thơm dìu dịu. Nó không to, cũng không ngọt nhiều như trái thù lù con trai mua ven đường. Thế nhưng hương vị của loài quả dại ấy như đã thấm đẫm cả tuổi thơ của chị, là ký ức đẹp đẽ thần tiên bên ông bà, so làm sao được!

Thụy Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI