Nhận lỗi và tuân thủ sự xử lí của pháp luật hay dựa vào quyền hạn và các quan hệ để lấp liếm sai lầm? Đó vấn đề không đơn giản...
Bộ trưởng trẻ tuổi nhất Thụy Điển Aida Hadzialic (29 tuổi) vừa phải tuyên bố từ chức sau khi bị cảnh sát phát hiện chất cồn khi bà lái xe từ Đan Mạch về Thụy Điển. Ở Thụy Điển, lái xe sau khi uống bia rượu và có nồng độ cồn 0,2g trong một lít máu là phạm luật. Theo luật pháp nước này, nữ Bộ trưởng phụ trách vấn đề trung học phổ thông - giáo dục và đào tạo cho người trưởng thành Aida Hadzialic có thể đối mặt với mức án tù cao nhất là sáu tháng, đồng thời bị phạt và tịch thu bằng lái. Không quanh co, Bộ trưởng Aida thành khẩn gửi lời xin lỗi người dân trong cuộc họp báo tại trụ sở chính phủ ở thủ đô Stockholm.
|
Bộ trưởng Aida Hadzialic nhận lỗi và hối hận vì hành vi trái pháp luậT - Ảnh: ARAB NEWS |
Bà Aida Hadzialic nghẹn ngào nói: “Đây là lỗi lớn nhất mà tôi mắc phải trong đời mình và tôi nhận tất cả trách nhiệm. Tôi biết rất nhiều người thất vọng về tôi. Chính tôi cũng giận mình và thành tâm hối hận”. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đánh giá cao thái độ nghiêm túc nhìn nhận sai phạm của bà Aida và theo ông, đây cũng là cách gìn giữ hình ảnh tốt nhất mà một chính trị gia cần ghi nhớ.
Thụy Điển là nước có tỷ lệ người tử vong do tai nạn giao thông ít nhất trên thế giới. Mỗi năm trung bình chỉ 3/100.000 người dân qua đời vì tai nạn giao thông. Con số này ở Liên minh châu Âu là 5,5 người và ở Mỹ là 11,4 người. Quy định pháp luật nghiêm ngặt đối với hành vi lái xe sau khi uống rượu là một trong những lý do giúp đất nước này giảm mạnh tai nạn giao thông, bên cạnh việc không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng.
|
Thủ tướng Campuchia Hun Sen không đội mũ bảo hiểm - Ảnh: KHMER TIMES |
Hai tháng trước, cảnh sát quận Sre Ambel (tỉnh Koh Kong, Campuchia) đã lập biên bản, phạt hành chính Thủ tướng Campuchia Hun Sen vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên quãng đường khoảng 250m. Hình ảnh được người đi đường chụp lại cho thấy ông Hun Sen được một người đàn ông chở và có lúc trực tiếp cầm lái xe máy. Cả hai đều không có mũ bảo hiểm. Giấy phạt ghi rõ ông Hun Sen phải đóng phạt 15.000 riel (gần 4 USD) và cảnh sát giao thông yêu cầu ông “Vui lòng đóng phạt ở Phnom Penh” theo đúng quy định.
Sau sự cố, Thủ tướng Campuchia đã viết trên trang facebook cá nhân “trải nghiệm” này: “Tôi chịu trách nhiệm về hành vi sai phạm của mình và nộp phạt như bất cứ ai. Tôi trân trọng thái độ nghiêm túc của người cảnh sát. Anh ta không thiên vị và cho tôi thấy pháp luật công bằng với tất cả, dù đó là người có quyền lực hay chỉ là công dân bình thường”. Chia sẻ của Thủ tướng Hun Sen đưa ra đúng thời điểm Bộ Nội vụ Campuchia công bố số liệu tai nạn giao thông trong năm tháng đầu năm. Có 286 vụ tai nạn làm 126 người thiệt mạng và 73% trong số đó đã không đội mũ bảo hiểm.
Chính trường Anh từng chứng kiến cú “ngã ngựa” đau đớn của một chính trị gia quyền lực chỉ vì gian dối, trốn tránh trách nhiệm trước sai phạm pháp luật. Tháng 3/2012, ông Chris Huhne - Bộ trưởng Năng lượng Anh thời điểm đó, đã đệ đơn xin từ chức sau khi bị cáo buộc cản trở hoạt động tư pháp từ một vụ việc xảy ra năm 2003. Lúc đó, ông phóng ô tô vượt quá tốc độ cho phép, bị camera giám sát giao thông ghi lại. Ông đã cố tình thỏa thuận, yêu cầu vợ là bà Vicky Pryce nhận tội thay mình vì không muốn ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị. Điều này có lẽ mãi mãi sẽ là bí mật gia đình cho đến khi ông Chris Huhne bỏ vợ, chạy theo nhân tình vào năm 2010.
Bị phản bội, bà Vicky Pryce quyết định vạch trần sự thật, sau đó họ ly hôn. Hành vi vi phạm pháp luật và cố tình gian dối của ông Chris Huhne đã đẩy ông vào nhà tù, chịu mức án tám tháng. Vụ việc này bị báo chí khai thác triệt để, khiến ông không còn cơ hội vực dậy sự nghiệp. Trước khi bị tống giam, ông Chris Huhne còn kịp trả lời phỏng vấn trên tờ Guardian: “Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và tất cả những ai quan tâm đến tôi. Lấy lỗi này lấp liếm lỗi kia, điều đó chẳng thể làm tôi thoát tội”.
|
Ông Chris Huhne hứng chịu sự chỉ trích từ truyền thông Anh - Ảnh: GETTY IMAGES |
Hiểu rõ pháp luật mà vẫn vi phạm, là phản ứng không quá hiếm ở những nhân vật quyền lực. Mới đây, thị trưởng thành phố Stockton (bang California), ông Anthony Ray Silva (41 tuổi) bị bắt với cáo buộc cung cấp rượu bia cho ít nhất sáu đối tượng dưới 21 tuổi (mức tuổi được phép uống rượu bia) và chơi đánh bài lột quần áo với họ. Thị trưởng Anthony một mực chối bỏ cáo buộc nhưng các công tố viên đã nắm được bằng chứng là đoạn ghi âm do chính ông Anthony thu bằng điện thoại, cho thấy rõ hành vi phạm tội của ông. Theo đó, ông Anthony đã tổ chức đánh bài lột đồ trong không gian tiệc có rượu bia cho một nhóm người, trong đó có ít nhất một đối tượng chỉ mới 16 tuổi. Lâu nay, ông Anthony Ray Silva có thói quen tập hợp những thanh thiếu niên nghèo trong thành phố và chiêu đãi họ nhân dịp hè. Nếu bị buộc tội, ông Anthony có thể đối mặt với án tù ba năm.
Dũng cảm nhận lỗi, chịu xử lý của pháp luật, đó không chỉ là cách giữ hình ảnh cá nhân của các chính trị gia mà còn khuyến khích tinh thần thượng tôn pháp luật, điều cần có để một đất nước tiến đến văn minh, công bằng.
Thiên Như (Theo IBTimes, NDTV, Khmer Times, Guardian)