Thượng tôn pháp luật

10/06/2016 - 16:27

PNO - Xã hội được tổ chức và điều hành bằng luật pháp. Luật giao thông và việc tôn trọng luật giao thông không phải để nhằm mục tiêu bênh vực kẻ yếu.

Camera hành trình của một chiếc xe dân sự đã vô tình ghi lại được đoạn clip dài hơn 8 phút quay cuộc rượt đuổi và bắt người vi phạm luật giao thông. Vụ việc xảy ra trên đường cao tốc Liên Khương. Những người thi hành công vụ thuộc lực lượng cảnh sát tỉnh Lâm Đồng. Hai thanh niên trong đoạn clip không đội nón bảo hiểm, không chấp hành lệnh dừng xe của cảnh sát, liên tục đánh võng trước đầu xe, còn đạp vào xe cảnh sát, sau khi bị bắt được xác định là những đối tượng từng có tiền án tiền sự.

Mọi việc rõ ràng, không có chuyện bắt nhầm đánh nhầm, nhưng khi đoạn clip được được đưa lên mạng, bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc cảnh sát khống chế bắt giữ người vi phạm, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng cảnh sát làm vậy là sai, đánh người là phạm luật. Việc có nhiều ý kiến khác nhau chung quanh một hiện tượng là chuyện bình thường. Nhưng có lẽ cái chiều ý kiến phản đối kia có phần mạnh hơn hay sao đó, mà Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp báo để công bố thông điệp chính thức: “việc thực thi công vụ của hai cảnh sát giao thông và một cảnh sát cơ động là đúng thẩm quyền, quy trình”.

Thực ra, cơ quan công an cũng không cần phải họp báo như vậy. Bởi ai xem đoạn clip ấy đều thấy sự chống đối của hai người phạm luật, đều đồng tình phải khống chế họ, để không gây hại cho những người khác đang tham gia giao thông trên đường. Phần lớn cách ý kiến phản đối là nhắm vào đoạn cuối, khi cảnh sát đã ép dừng xe và khống chế hai thanh niên. Chỉ có điều, bàn về hành vi, cho dù có bàn đến vô cùng cũng chỉ dừng lại ở hiện tượng, không thể đi vào bản chất sự việc.

Trấn áp tội phạm, dù là chĩa súng vào đầu, hay sử dụng vũ lực, hay gì khác nữa, thì cũng nhằm đạt mục tiêu khống chế đối tượng. Khó mà nói như thế này là đánh người, như thế kia mới là trấn áp, hay là trấn áp theo kiểu này thì không được nhã nhặn, đẹp mắt cho lắm, cần phải làm theo cách kia thì đỡ hơn... Cần phải nói rằng đây là cuộc đời thực, rủi ro mà những kẻ coi thường luật pháp kia gây ra là có thực, hành vi côn đồ là có thực, chứ không phải đang diễn để quay phim, chụp hình, để mà tính tới hiệu ứng cảm xúc của số đông.

Thuong ton phap luat
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tai nạn giao thông ở xứ mình đã thuộc loại rất nhiều, rất tàn khốc, hậu quả của tai nạn giao thông là không thể khắc phục, nhưng những kẻ gây tai nạn vẫn chưa bị trừng trị nghiêm, việc giáo dục ý thức an toàn giao thông, tôn trọng pháp luật về giao thông vẫn là chuyện lỏng lẻo. Nhiều người vẫn điều khiển xe bằng kiến thức từ cái bằng lái “mua”. Trong những chuyện xảy ra dọc đường, người mình hay hành xử theo kiểu bênh vực kẻ yếu thế. Ở đâu có đụng xe, xe lớn đụng xe nhỏ thì mặc nhiên là xe lớn có lỗi.

Trong trường hợp hai thanh niên kia, thông điệp “công an đánh dân” đã được sử dụng như một sự đánh tráo khái niệm, “cả vú lấp miệng em”. Những kẻ phóng xe thí mạng, còn đạp đầu xe cảnh sát tính thí luôn mạng người khác, hoàn toàn không đáng thương, dù trong thế yếu đi nữa. Đây là sự bất cần ngang ngược, những kẻ không quý ngay cả sinh mạng mình, thì nói chi đến việc biết quý sinh mạng của người khác. Một bình luận của một bạn đọc trên mạng khiến người ta bật cười: không bắt nhốt mấy hung thần đường phố này, mai mốt ra đường chạy xe cùng mấy thằng như vậy, bạn vui lắm ha?

Cũng phải thừa nhận một thực tế là trong xã hội hiện tại, những hành vi lách luật đã xảy ra nhiều, từ việc nhỏ như vượt đèn đỏ khi đường vắng và không có cảnh sát, đến việc lớn như đưa hối lộ để được bỏ qua lỗi vi phạm. Những “con sâu làm rầu nồi canh” ấy đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào pháp luật, đến mức trước một lần cứng tay thi hành luật, người ta dễ bị tác động, bày tỏ thái độ theo cảm tính cá nhân của mình chứ không theo luật pháp nữa, và niềm tin vào người thi hành công vụ cũng phần nào bị lung lay.

Xã hội được tổ chức và điều hành bằng luật pháp. Luật giao thông và việc tôn trọng luật giao thông không phải để nhằm mục tiêu bênh vực kẻ yếu hay tỏ lòng thương cảm, mà là để giữ gìn một môi trường giao thông an toàn, giữ gìn sinh mạng cho hàng vạn người đang lưu thông trên đường. Anh không tuân thủ luật, chắc chắn là anh gây hại cho những người khác. Việc khống chế, trừng phạt những kẻ chống đối người thi hành công vụ là chuyện bình thường, phải thực hiện với một cái đầu lạnh. Tinh thần thượng tôn luật pháp phải được xây dựng một cách cơ bản và bền vững trong mọi tầng lớp xã hội.

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI