Trước việc chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) trong nhiều năm qua diễn ra những hoạt động truyền bá vong báo oán, cúng tiền cho vong linh để giải nghiệp với mức thu khá lớn, Thượng toạ Thích Nhật Từ (Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế- Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ- Q.5, TP.HCM) cho biết đây là hoạt động đả phá giáo lý nhà Phật.
|
Hoạt động gọi vong tại chùa Ba Vàng được ghi nhận diễn ra nhiều năm qua |
* Phóng viên: Thưa Thượng toạ, từ sự việc của bà Phạm Thị Yến được giao thuyết pháp cho nhiều phật tử tại chùa Ba Vàng, vậy theo đúng nguyên tắc ai mới có quyền đảm nhận việc này tại các cơ sở tôn giáo?
- Thượng toạ Thích Nhật Từ: Ngành nghề, lĩnh vực nào cũng vậy, muốn hành nghề phải có kiến thức chuyên môn, được đào tạo từ trường lớp, ngoại lệ một số tự học nhưng giỏi, có năng lực xuất chúng, có thể được mời để chia sẻ cho người có nhu cầu. Trong trường hợp của chùa Ba Vàng, bà Phạm Thị Yến đã được trụ trì chùa cho phép thuyết giảng công khai nhiều lần. Nếu những nội dung bà ấy giảng phù hợp với triết lý Phật giáo sẽ không có gì đáng bàn cãi.
Tuy nhiên, khi xem qua những đoạn video ấy, tôi thấy không hay ở chỗ phần lớn những điều bà Yến nói về việc soi tiền kiếp, tạo nỗi sợ hãi cùng cực cho người nghe. Trong khi đó, bà Yến năm nay chỉ mới 49 tuổi, đi nói về những chuyện của vài chục kiếp trước không ai có thể kiểm chứng được. Đau lòng hơn, trụ trì chùa Ba Vàng, thầy Trúc Thái Minh mặc nhiên để điều này xảy ra và công nhận điều đó, kêu gọi mọi người làm theo, kêu gọi việc hoá giải oan trái với những vong linh kiếp trước. Theo Phật học, đây là tà pháp.
Trong kinh điển, đức Phật có đề cập về ngạ quỷ, nhưng không có nội dung nào nói về việc con người phải giải oan trái với ma quỷ cả. Những vấn đề của con người chỉ được giải quyết bằng sự hiểu biết, tâm từ bi, sự bao dung, độ lượng, vị tha. Quan trọng nhất, đức Phật có dạy những nỗi đau của quá khứ nên luôn khép lại, đầu tư sự hợp tác ở hiện tại để hướng đến tương lai. Tôi không ngờ ở một ngôi chùa lớn như thế, đông tín đồ đến như vậy mà lại đi gieo rắc nỗi sợ hãi thay vì mang đến niềm vui, sự an lạc.
|
Bà Phạm Thị Yến nhiều lần thuyết giảng về vong báo oán tại chùa Ba Vàng |
* Thưa Thượng toạ, trách nhiệm trong câu chuyện này thuộc về ai?
- Thứ nhất, việc truyền bá mê tín dị đoan, trái với chủ trương, triết lý của đạo Phật diễn ra ở phạm vi ngôi chùa nào thì vị trụ trì là người phải có trách nhiệm đầu tiên. Tối 21/3, thầy Trúc Thái Minh đăng đàn giải thích việc thỉnh pháp oan gia trái chủ là của đạo Phật, là chánh pháp, chỉ là sự nguỵ biện. Việc này, trách nhiệm đến cùng là của thầy Trúc Thái Minh, người chủ trì thực hiện. Nhưng bà Phạm Thị Yến vẫn phải chịu trách nhiệm vì gieo rắc nỗi sợ hãi. Theo Phật giáo, đó là đại vọng ngữ, một trong 4 tội lớn nhất. Nhìn vào những gì đã diễn ra ở chùa Ba Vàng, sự gieo rắc nỗi sợ hãi qua việc thuyết giảng này không chỉ tình cờ một lần mà diễn ra hàng chục lần. Đó là việc làm có tổ chức, có tính toán, chứ không phải lầm lẫn do thiếu hiểu biết.
Thứ hai, đó là trách nhiệm quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh. Ngày 20/3/2019, thượng toạ Thích Đạo Hiển - phó ban kiêm chánh thư ký GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết cách đây 2 năm đã từng gửi vài công văn nhắc nhở đại đức Trúc Thái Minh, yêu cầu không để bà Phạm Thị Yến tiếp tục có những phát ngôn gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng xấu hình ảnh Phật giáo. Tuy nhiên, sự việc vẫn diễn ra. Thứ ba, đó là trách nhiệm của GHPGVN.
Với quý phật tử, tôi chỉ khuyên rằng, việc tôn kính các bậc thầy là nên, nhưng phải siêng đọc kinh Phật, chứ không thể tin hoàn toàn vì không phải sư thầy nào cũng giảng dạy đúng chủ trương của Phật. Tôi cũng lấy làm tiếc vì sao quý phật tử không đặt vấn đề tại sao hơn 18.000 ngôi chùa trên toàn quốc không làm điều tương tự vậy.
*Thưa Thượng toạ, có lẽ chúng ta cần khẳng định một lần nữa những khổ đau của con người không thể giải quyết bằng tiền bạc, và cả những niềm tin về chuyện ma quỷ...
-Nếu đau khổ của con người có thể giải quyết bằng tiền thì chắc chắn sẽ không có chuyện tỷ phú, đại gia tự tử. Thực tế, có nhiều tiền đến mấy nhưng con người không làm chủ cảm xúc, hành vi thì vẫn khổ. Việc đóng một số tiền để mua sự bình an, xua nỗi sợ hãi, nếu không thì vong sẽ báo oán vài kiếp, vài chục kiếp là học thuyết tà đạo, rất nguy hại cho xã hội.
Đức Phật từng bảo người chỉ là đạo sư, người chỉ đường mà thôi. Ngài đưa ra 2 vấn đề chính trong quá trình truyền đạo: chỉ ra bản chất của nỗi khổ và chánh đạo giúp con người vượt qua. Tất cả dựa vào quy luật nhân - duyên - quả khoa học, không cuồng tín. Đức Phật cũng khẳng định không thể ban an lạc, hạnh phúc, giải thoát... cho bất kỳ ai. Để có được an vui, đệ tử nhà Phật thực hiện chánh đạo theo 3 điều: đạo đức, trí tuệ và thiền định. Việc dùng tiền để qua khổ đau là triết lý đả phá nhà Phật.
|
Thượng toạ Thích Nhật Từ |
* Tâm lý cầu mong bình an, cứ khổ là vào chùa cầu... có phải là nguyên nhân khiến người theo đạo bị dẫn dắt trong câu chuyện vừa qua, thưa Thượng toạ?
- Cầu mong bình an là ước vọng đúng đắn của con người, không có gì sai cả. Hoạt động này khác với những hành vi mê tín. Rất tiếc vẫn còn một bộ phận phật tử lại trông chờ có được tất cả mà không tu tập. Đức Phật bảo chúng ta có ước mơ nhưng phải biến đó thành động lực, hành động, suy nghĩ thiết thực để biến chúng thành hiện thực. Bất kỳ nguyện ước nào dù chân chính nhưng làm sai phương pháp thì đều không thể đạt được.
Phật dạy muốn có phúc phải gieo trồng chánh nhân. Đức Phật không dạy muốn vượt qua khổ đau phải cúng tiền cho vong linh. Điều này sai trái vô cùng, không thể chấp nhận. Những người chủ trương làm việc này phải xin lỗi cộng đồng Phật giáo.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Đến chùa xin "lộc" làm ăn là hiểu lầm về đạo Phật
Nhiều người đến chùa cầu xin thành công trong làm ăn, đôi khi cả làm ăn bất chính. vì nhiều người nghĩ Phật và các vị Bồ Tát là các vị thần linh với pháp thuật thần thông tối cao. Nếu mình đến cầu nguyện và cúng cho các vị Bồ Tát mấy chục ngàn đồng, mình sẽ không bị tai nạn hay gặp hiểm hoạ nào nữa. Hiểu như vậy là hiểu lầm về đạo Phật.
Về cái gọi là chuyển nghiệp, khi một nhà sư ngồi thiền, tập trung toàn bộ tinh lực thì năng lượng từ tình thương, lòng từ bi có thể chuyển nghiệp con người.
Có đạo Phật thâm sâu, mang tính khái quát bao gồm cả chúng sinh, nhân loại, là triết lý sâu sắc của Phật môn. Nhưng cũng có đạo Phật "bình dân", chỉ để giải quyết những vấn đề trước mắt thuộc về cá nhân, bản thân mình. Những việc cúng tế chuyển nghiệp, thật ra xuất phát từ tình thương, nhưng không thể nuôi dưỡng thành sự mê tín. Mục đích tốt nhưng phương tiện nhiều khi không đúng mà nguyên nhân từ việc nhà chùa phải làm kinh tế.
|
Trung Sơn (ghi)