Thương tờ giấy gói

23/05/2024 - 15:19

PNO - Đó là thời tôi không có ti vi, sách báo, truyện tranh… Hoàn toàn không có gì để xem, ngoại trừ sách giáo khoa. Tôi thèm đọc, vớ được cái gì có chữ đều đọc ngấu nghiến.

Mỗi sáng, má tôi thường cho tiền mua gói bánh tằm, bắp hay xôi. Hôm nào đi học mới được phần quà ngon lành này, không thì ở nhà ăn cơm nguội thừa từ hôm trước hấp hay chiên lại. Thời đó, người ta thường gói quà bánh bằng tấm lá chuối kèm một lớp giấy đỡ bên ngoài. Muỗng để múc là đoạn lá dứa gai.

Mọi người ăn xong sẽ vứt phần giấy lá gói, riêng tôi thường chỉ bỏ miếng lá chuối và cái muỗng. Tờ giấy bên ngoài, tôi phủi sạch, bỏ vào cặp, để dành về nhà đọc. Tôi cũng xin mấy tờ tương tự từ đám bạn. Mọi người đều vui vẻ cho, vì họ không cần nó.

Những tờ giấy gói không phải lúc nào cũng có cái để đọc. Đôi khi trên giấy chỉ là những con số nguệch ngoạc. Họ đang tính toán điều gì đó. Cũng có tờ là tập vở cũ của học sinh. Dù môn toán hay tiếng Việt, tôi vẫn đọc xem người ta viết chữ đẹp hay xấu, làm bài như thế nào. Đôi khi tôi lấy bút ra sửa những lỗi chính tả rồi tự chấm điểm cho họ, như một cô giáo.

Có lần, tôi đọc được bài tập làm văn rất hay của một anh lớp Tám. Xem họ tên, trường lớp, biết anh chung trường mình, tôi hào hứng giữ kỹ tấm giấy. Lựa ngày được ra về sớm, con bé học sinh lớp Ba đi dọc các dãy lớp cấp II. Tôi đoán, năm ngoái anh học lớp 8A3 thì năm nay có lẽ sẽ lên lớp 9A3. Tìm kiếm một hồi cũng xác định được địa chỉ mong muốn. Tôi đu cửa sổ, khều một chị ngồi sát tường, nói nhỏ: “Chị ơi, lớp chị có ai tên Bùi Huy Hoàng không?”. Chị gái không đáp mà quay sang người ngồi ở dãy kế bên: “Lớp trưởng, có con bé nào kiếm kìa”. Anh trai cao lớn, sáng sủa, quay nhìn ra cửa sổ, tôi lật đật tụt xuống, bỏ chạy. Tôi biết mặt người viết bài văn hay rồi, vui quá, nhưng cũng mắc cỡ quá.

Mấy hôm sau, anh Huy Hoàng và chị gái chặn tôi trên sân trường: “Em kiếm anh có chuyện gì không?”. Tôi lúng túng, đành nói thật. Mở cặp, tôi lấy đưa anh tấm giấy gói. Anh Hoàng xem lướt qua, thích lắm. Từ đó, tôi có một người anh mỗi ngày chờ chung 2 lượt đi - về, lại được mượn sách giáo khoa của anh đọc ké.

Chẳng phải tờ giấy nào tôi sưu tầm cũng mang lại thông tin trọn vẹn như việc gặp anh Huy Hoàng. Mỗi tấm giấy gói là một câu chuyện dang dở không đầu không cuối. Tôi thích gói quà sáng có giấy chữ in, thường xin người bán gói cho tôi bằng các tờ giấy ấy. Chữ in thì thường là báo hoặc sách truyện, tôi tha hồ đọc. Vì không đầu không cuối nên đọc loáng là hết. Ấm ức trong lòng vì không biết đoạn trước đoạn sau, tôi tự tưởng tượng ra đủ các tình huống, sao cho vừa lòng mình.

Có một lần, má tôi thấy cặp đầy kiến, mở ra xem mới biết con gái có thú vui khác lạ. “Mấy cái giấy này người ta gói hàng, bị ám mùi rồi, bỏ đi chứ giữ làm gì cho kiến nó bu?”. Thảo nào cô giáo cũng thắc mắc tại sao tập vở tôi luôn thơm mùi thức ăn. Từ đó, tôi vẫn giữ trong cặp, nhưng cho “bộ sưu tập” vào một chiếc túi ni lông. Đọc xong, nếu thích, tôi có thể vẽ vời minh họa cho những câu chuyện ấy.

Sau 1 năm học, chiếc túi căng phồng những giấy là giấy. Mùi nước cốt dừa, đậu phộng, đường, tinh bột hòa quyện vào nhau trên tờ giấy gói bóng loáng dầu. Có khi nhà cạn tiền, má dậy sớm nấu cơm cho con gái để tiết kiệm. Thèm ăn, tôi… lấy xấp giấy gói ra đọc.

Mùi hương quà bánh quen thuộc vẫn phảng phất đâu đó. Đúng là thời nghèo khó, ăn thứ gì cũng ngon, cũng thòm thèm. Sau này, khi cầm trên tay quyển sách mới, tôi thường thoáng nhớ về ngày xưa, tự nhủ đọc đi, để bù lại những ngày đói chữ.

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI