Thương tiếc người “hát cho dân tôi nghe”

28/07/2023 - 08:06

PNO - Đành rằng kiếp người chẳng thể tránh khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử, nhưng một người tài hoa như nhạc sĩ Tôn Thất Lập mất đi vẫn để lại biết bao nỗi tiếc thương.

Giới nhạc sĩ, báo chí thường xuyên lui tới trụ sở Hội Âm nhạc TPHCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3) vẫn thường gọi nhạc sĩ Tôn Thất Lập là “anh Ba” - thứ bậc của ông trong nhóm nhạc sĩ Những Người Bạn, gồm Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng. Đó là những cái tên mà chỉ cần nghe qua, công chúng mộ điệu đều có thể đọc vanh vách tên nhiều tác phẩm in dấu trong lòng họ, kính trọng tài năng của từng người.

Ở vị trí thứ ba (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là anh Hai), nhạc sĩ Tôn Thất Lập như người đứng sau coi ngó mọi việc của nhóm. Sự điềm đạm, chắc chắn của ông luôn được các thành viên trong nhóm tin cậy. Cũng như ở vị trí Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, ông vẫn luôn là chỗ dựa, là nơi tham khảo ý kiến của các nhạc sĩ hội viên. Thậm chí, nhiều anh chị em nhạc sĩ bảo nhau, có việc gì khó thì cứ tới tìm “anh Ba Lập”, nếu không xử lý được ngay, ông sẽ tìm cách từ từ làm cho được.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”

Khi nhắc Tôn Thất Lập, ai cũng dễ dàng nhớ về một thời hoa lửa hào hùng, về phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của giới văn nghệ sĩ, học sinh sinh viên thuở ấy và ca khúc Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi (ký tên Nguyễn Xuân Tân), Xuống đường… của ông. Những tác phẩm đi cùng năm tháng ấy đã sống và góp phần lớn vào phong trào yêu nước của thanh niên, sinh viên; cho thấy sức nặng của văn nghệ trong phong trào tranh đấu.

Tài năng của nhạc sĩ Tôn Thất Lập ở mảng “nhạc đỏ” là điều không cần phải bàn cãi, vì đã quá hiển nhiên. Song với cá nhân người viết, tài hoa của ông còn ở mảng nhạc tình. Khi ông viết Tiếng hát về khuya, công chúng cảm nhận được sự chắt lọc ca từ, chọn giai điệu phảng phất nét liêu trai của những tác giả thời tiền chiến. Chỉ một Trò chơi (đôi khi còn được gọi là bài Oẳn tù xì), ông cho thấy sự quan sát tinh tế và mỹ cảm đặc biệt trong câu chuyện lứa đôi. “Em ra mái tóc trói đời anh thôi/ Anh ra đôi tay vòng quanh em mãi”. Có ai yêu nhau mà không mong ước dài lâu, giản dị đến vậy?

Để có được một di sản âm nhạc đồ sộ từ nhạc kinh viện đến hùng ca, tình ca và cả pop-rock trẻ trung, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã trải qua những năm tháng miệt mài học tập và sáng tác cùng thái độ nghiêm túc khi làm nghề. Không ít nhạc sĩ trẻ đã tìm đến ông học hỏi kinh nghiệm và ông đều tận tình chia sẻ với ước mong có một thế hệ kế thừa đủ sức đưa nhạc Việt bước lên vị trí xứng đáng trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Ông đã sống, cống hiến, phụng sự trọn vẹn với đời và với quê hương, nghề nghiệp; dành được thiện cảm của khán giả và sự nể trọng của đồng nghiệp. Hành trang của một nhạc sĩ, đâu cần gì nhiều hơn thế. 

Liên Châu 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI