Thương thì thương, tôi dứt khoát không trông cháu

17/06/2022 - 11:09

PNO - Ngay từ lúc các con vào đại học tôi ra “chỉ thị” con phải cố gắng học để tự lo cho bản thân và gia đình nhỏ sau này, quan trọng là ông bà sẽ không chăm cháu.

 

Tôi quyết định không trông cháu, dù cũng lo tình mẹ con có bền lâu? (Ảnh minh họa)
Tôi quyết định không trông cháu, dù cũng lo "tình mẹ con có bền lâu?" (Ảnh minh họa)

Mới đây, khi đến thăm Huyền, người bạn mới mổ khối u ngực, tôi hỏi chưa được vài câu Huyền đã xin lỗi rồi vội chạy lên lầu vì cháu đang khóc. Ẵm cháu nội xuống, Huyền tất bật tã sữa trong câu chuyện ngắt quãng vì phải dỗ dành “cục cưng” mới 8 tháng. 

Hỏi Huyền sao không thuê người giúp việc hay gửi người chăm khi mình còn yếu và còn mấy chứng bệnh khác, Huyền tâm sự, con dâu phải trị hiếm muộn vài năm, giờ mới có con nên nhà phải chăm kỹ. Bà ngoại ở xa, mà cũng hay đau bệnh.

Giao cháu cho người khác thì cả hai bên nội ngoại đều không an tâm, nhất là lúc dịch bệnh này. “Thôi thì cố lúc nào hay lúc đó vậy”, Huyền cố nở nụ cười rồi bắt sang chuyện khác. 

Nhắc đến Phước, một người bạn khác của cả hai, Huyền cho biết Phước mới bỏ nhà “đi bụi” lên Lâm Đồng chơi nhưng đang nhấp nhổm đòi về. 

Hỏi ra thì mới biết Phước sống chung với vợ chồng đứa con gái. Từ ngày có cháu ngoại, Phước không còn thời gian gặp gỡ bạn bè, sút mấy ký, trên Facebook chỉ toàn là hình khoe cháu. Cháu mặc áo mới, cháu mới mọc răng, cháu mới ngủ dậy...

"Ôsin ngoại" chỉ biết thương con, chăm cháu ngày đêm mà quên đi mình đang bị đau khớp, thêm chứng bệnh gout mới phát. Một ngày con rể đi làm về sớm, thấy bà ngoại đánh, ép cháu ăn, nóng ruột ông bố trẻ nói xẵng vài câu, rồi than qua điện thoại với bạn: “Tưởng đâu chỉ ở trường mới bạo hành trẻ con, nào ngờ ở nhà con mình cũng bị...”.

Đau lòng, giận con rể, người bạn già bỏ lên nhà người quen chơi mà cứ khắc khoải, không yên về đứa cháu nhỏ.

Nghe chuyện nhà bạn, tôi càng thấy mình đúng đắn khi thỏa thuận không giữ cháu với con từ đầu. Ngay từ lúc con vào đại học tôi đã ra “chỉ thị” con phải cố gắng học để tự lo cho bản thân và gia đình nhỏ sau này, không sống chung với cha mẹ và quan trọng là ông bà sẽ không chăm cháu. Nếu có thiếu thốn, ông bà sẽ hỗ trợ một ít chứ không chăm cháu. 

Con tôi "dọa" sẽ không đẻ "cho bà thèm cháu chơi". Tôi bảo ừ, thì tùy vậy. Cách nuôi con của tôi có khi cũng lỗi thời, chắc gì con dâu, con rể ưng ý, rồi lại sinh chuyện hờn giận nhau.

Như thời của tôi, hầu như phụ nữ nào mới sinh cũng phải nằm than, hơ lửa, cho bú sữa và cho uống nước; giờ cháu dâu tôi sinh xong, sang tháng sau đã ôm con đi cà phê với bạn bè, chỉ cho con uống sữa, không uống nước...

Tuổi tôi ngày một cao, chưa kể chăm ba chồng và ông chồng đang đổ bệnh cũng đã đuối, sức đâu mà chăm cháu. Thôi, thương ông bà thì con cháu về chơi vài giờ là được rồi. 

Xử trong nhà thì dễ, nhưng ra khỏi cổng, chuyện "bà lơ trông cháu" cũng gây không ít điều tiếng cho tôi. Mới có đứa cháu đầu, lại theo kiểu truyền thống, chăm cháu suốt nên bên sui cũng mệt mỏi. Rồi câu than thở: “Cháu bà nội, tội bà ngoại” lại vẳng đến tai tôi

Không quan tâm đến chuyện thiên hạ nói nhưng không muốn gia đạo xào xáo, tôi nhắc nhở con trai và con dâu chuyện thỏa thuận ban đầu. Đề nghị con đừng dựa dẫm cha mẹ già hai bên khi họ đã cố gắng chu toàn cho con hơn 20 năm qua...

 

Người già cũng cần có thời gian riêng để hưởng thụ cuộc sống về già. Ảnh minh họa
Người già cũng cần có thời gian riêng để hưởng thụ cuộc sống (Ảnh minh họa)
 

Về phần vợ chồng tôi, tôi cũng đã chọn cách tự chăm sóc để không làm phiền con cháu cũng như một chỗ ở viện dưỡng lão khi sức cùng lực kiệt. Kể từ đó sóng yên biển lặng.  

Chặt lòng như vậy, nhưng khi nghe bà sui bị tai nạn, khó chăm cháu tôi cũng chạy sang phụ một tay. Dù vậy tôi vẫn tranh thủ đi khiêu vũ với bạn bè, học yoga mấy buổi trong tuần và cà phê với nhóm bạn già. Vẫn thấy con trai khoe hình bà nội bên "cục vàng 8kg" và hình tôi ẵm con ngày xưa với tút: "Bà nội vẫn xì tin như 27 năm trước. Mong mẹ luôn trẻ trung, yêu đời bên con cháu". 

Thanh Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI