Thương thầy ở lại một vùng phấn bay (*)

20/11/2021 - 07:05

PNO - Tháng 11, tháng của mùa đông chớm nụ, tháng của yêu thương quay về để cúi đầu hàm ơn những ân cần dạy dỗ.

Thầy ơi đêm cũng là ngày (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021) là tập tạp văn của nhà giáo Lê Từ Hiển vừa ra mắt. Quẩn quanh chuyện phấn - bảng, thầy - trò… cuốn sách khiến người đọc bồi hồi với những hồi ức học trò, thấy đẹp hơn hình ảnh người đưa đò tận tụy sớm khuya, thấy thương cho nền giáo dục hiện tại với bao nỗi niềm trăn trở...

Viết bằng tâm thế của một người thầy và có khi là một trò nhỏ về thầy, những trang viết của nhà giáo Lê Từ Hiển không theo quy cách, chuẩn mực thể loại nào. Chỉ có tiếng lòng ông chân thành phơi trải trên những con chữ.

Nhà giáo Lê Từ Hiển là cựu giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Quy Nhơn. Hơn 30 năm cầm phấn, ông lặng lẽ dìu dắt bao lớp học trò. Ông nhất quán một quan niệm: Đã đứng trên bục giảng thì thầy vừa là thầy trong tâm thế trao truyền, khơi dậy niềm yêu thích tri thức vừa luôn biết tự vun bồi mình trên tinh thần sàng lọc tiếp thu, coi trọng học trò. Vì lẽ đó, nhà giáo Lê Từ Hiển viết “trong ý nghĩa tương tác giữa thầy và trò, giữa dạy và học… muôn đời thầy giáo đúng nghĩa không chỉ là tấm gương cho học trò mà ngược lại, tự soi mình vào mắt học trò, tự đo lại mình, tự điều chỉnh, tự phản tư…”. (Mắt học trò-Gương soi).

Bao nhiêu năm đắm đuối với nghề, chưa bao giờ ông nguôi trăn trở về công việc mình gắn bó. Phấn bảng đời mình, nối bước đời trò. Người thành công nối tiếp nghiệp giảng dạy, người trôi dạt nẻo mưu sinh cắt duyên trường lớp. Ngày mai ra sao với nối bước chọn lựa? “Đã đi với nghề thì làm sao để sống cùng nghề trọn vẹn?” - nỗi niềm ấy được nhà giáo Lê Từ Hiển gửi gắm vào trang viết: “Nhà giáo nào phải thiền nhân quán chiếu cắt đứt gốc rễ vô minh mà tỉnh giác nhận diện hư vô. Sống với nghĩa nuôi thân của nghề chưa xong mà cứ mãi ám ảnh sống với tư cách nhập thân của nghiệp trong câu hỏi bỏ ngỏ giữa đời. Đơn giản vì họ không được sống đúng nghĩa với nghề mà chỉ tồn tại. Tồn tại như một công cụ trong bao sự phán xét ngoại biên, tự thu mình an ủi trong một chữ nghiệp vào thân.

Nghề không tròn mà mang gánh nghiệp! Tự trồng mình chưa xong mà gánh hoài bão trồng người. Dưới áp lực của cộng đồng khắt khe gắn liền những tiêu chuẩn định mức với tri thức, đạo đức, trí tuệ, khoan dung, nhạy cảm, rộng lượng... người thầy khó gạt bỏ hết những yếu tố, đặc tính từ hoàn cảnh gia đình xã hội, cuộc sống riêng tư tác động... ra hoàn toàn ngoài cửa lớp, không bị vướng vào tâm trí, hành vi, thái độ... để đứng lớp được “trong veo” theo hình mẫu lý tưởng đã được mặc định.

Mong cái nghề đủ sống về vật chất và đủ điều kiện để gắn bó với công việc thường ngày đã là khó, huống chi lý tưởng ưu tú. Mà dẫu có “thoát xác” như kiếp tằm nhả tơ, như cây nến tự cháy sáng ngược đời mình, ra khỏi lớp, giáp mặt với thực trạng chính mình trong cộng đồng chung quanh, lại thấy rã rời trong một tiếng thở dài” (Gõ cửa chiêm bao).

Tập sách Thầy ơi đêm cũng là ngày là tiếng lòng của người gắn bó với giáo dục ngân vọng khắc khoải. Lê Từ Hiển có lối viết tung tẩy, giọng văn vừa pha trộn chất nghiên cứu vừa lãng mạn nghệ sĩ.

Đọc ông, để cùng lắng lòng lại với ký ức phấn trắng, để nghe ấm lên bao thân thương tháng năm nghĩa thầy trò...

Vân Phi

(*): Một câu thơ trong bài Vùng phấn bay của Phi Tuyết Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI