Thương thắt lòng giai điệu của trăm năm

19/08/2024 - 06:19

PNO - Đêm Chủ nhật trung tuần tháng 7/2024, tôi ra khỏi rạp hát Thủ Đô (quận 5, TPHCM) vào lúc gần khuya, sau khi xem talk show về nghệ thuật hát bội “Ca biện phấn hành”. Tôi đứng chờ xe trước cổng rạp hát, chợt thấy xao động khó tả bởi ánh đèn sân khấu và những giai điệu trăm năm vừa ru lại lòng mình.

Khán giả là động lực

Talk show “Ca biện phấn hành” là chương trình kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật hát bội với những diễn giải tỉ mỉ về loại hình nghệ thuật này. Talk show 5 kỳ này nằm trong chuỗi chương trình hoạt động hè của nhóm bạn trẻ Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) kết hợp với các nghệ sĩ hát bội của nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM, biểu diễn tại rạp Thủ Đô.

Mỗi kỳ của talk show là trích đoạn đặc sắc từ những tuồng tích kinh điển của hát bội và được diễn giả trẻ Vương Hoài Lâm tận tình diễn giải, cắt nghĩa rành mạch, chi tiết nhằm giúp khán giả hiểu và thêm yêu mến nghệ thuật hát tuồng “đẹp và sang” này.

Diễn giả Vương Hoài Lâm (thứ hai từ trái) diễn giải một trích đoạn tuồng hát bội trong talk show “Ca biện phấn hành” - ẢNH: HIẾU VĂN NGƯ
Diễn giả Vương Hoài Lâm (thứ hai từ trái) diễn giải một trích đoạn tuồng hát bội trong talk show “Ca biện phấn hành” - Ảnh: Hiếu Văn Ngư

Thủ Đô - rạp hát được xây dựng vào năm 1920 với tên ban đầu là rạp Eden Chợ Lớn - nép mình bên cạnh một khách sạn hoành tráng trên đường Châu Văn Liêm, quận 5. Khác hẳn vẻ hào nhoáng và những gì lộng lẫy bên ngoài con đường lớn ấy, bên trong rạp, sau cánh gà là những giọt mồ hôi của những người yêu hát xướng ngày ngày đổ xuống để giữ gìn một môn nghệ thuật đã có tuổi đời hàng trăm năm.

Trước đây, tôi nghĩ mình chỉ có thể gặp lại những nghệ sĩ này, xem lại những tuồng tích này vào đúng mỗi dịp cúng kỳ yên hằng năm tại các đình thần còn rải rác đâu đó ở Sài Gòn. Cuộc sống này đã kéo tôi đi, ném vào những vòng quay gấp gáp đến mức gần như tôi đã quên tâm hồn mình từng được tưới tắm bằng những giai điệu ứ ừ ư ngân dài lạ lùng mà cũng đầy phấn khích của hát bội mấy chục năm về trước. Cho đến một ngày, tôi nhận được vé từ cô bạn Lục Phạm Quỳnh Nhi - người sáng lập và cũng là trưởng nhóm Hiếu Văn Ngư - mời đến dự talk show “Ca biện phấn hành” kỳ thứ ba với một sự tha thiết đáng yêu: “Cứ thêm một khán giả là thêm một động lực cho hát bội sống mãi với đời”.

Đi xem rồi mới thấy, tình yêu và tâm huyết của các bạn trẻ 9X nhóm Hiếu Văn Ngư dành cho hát bội trọn vẹn, đong đầy. Mỗi tiết mục biểu diễn được chọn lọc kỹ lưỡng, được nghệ sĩ của nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM biểu diễn ấn tượng đều đi cùng với phần phân tích thật cặn kẽ của diễn giả trẻ, thạc sĩ Vương Hoài Lâm về lời văn, về hình tượng, vai trò, vị trí xã hội của các nhân vật trong vở tuồng, trình thức biểu diễn, âm nhạc… Dù mang tiếng là khán giả “coi hát có nghề”, tôi vẫn bồi hồi khôn tả khi được nghe lại các điệu nói lối, được diễn giả Vương Hoài Lâm chỉ ra điệu nào là điệu lối xuân (vui), lối ai (buồn). Nhờ vậy, tôi được ôn lại kiến thức cũ: nói lối xuân dẫn vô bài Nam Xuân, nói lối ai bắt vô bài Nam Ai, thế nào là hát khách thi, khách phú, phân biệt kỹ càng hơn hình tượng kép (nhân vật nam) trong các tuồng: kép trắng (hóa trang mặt sạch - nhân vật chính nghĩa), kép đỏ, kép xanh, kép tròng xéo đỏ; đâu là đào văn, đào trào (nữ)…

Để tình yêu hát bội nhân rộng

Hát bội - còn được gọi là hát tuồng, diễn xướng - là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam, ra đời từ thế kỷ XIII. Hát bội vốn “xuất thân” từ chốn vương giả, cung đình, qua thời gian đã lan tỏa rộng rãi ra các tầng lớp bình dân của xã hội. Trải qua bao biến dời, qua rồi thời hoàng kim lộng lẫy, nhưng cho đến hôm nay, hát bội vẫn vang vọng những giai điệu độc đáo đầy mê hoặc giữa phố xá lung linh hiện đại của Sài Gòn.

Hát bội đẹp ở cách hóa trang nhân vật, các trình thức biểu diễn độc đáo trên sân khấu gồm kỹ thuật hát, nói, ngôn ngữ hình thể, vũ đạo và còn đẹp nhờ vào thứ văn chương cổ xưa. Đó là những áng văn biền ngẫu hoặc thơ ca cách luật, được dùng để tạo nên những lời thoại độc đáo cho nhân vật dưới hình thức đối thoại, độc thoại và bàng thoại.

Phân cảnh “nổi da gà” nhất có lẽ là trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Hồ Nguyệt Cô dằn vặt vì bị phụ tình, đau đớn quằn quại khi hóa từ cốt người thành cáo do bị tình nhân lừa lấy mất ngọc người - linh khí tu luyện ngàn năm. 2 tiếng “trời ơi” thấu tận mây xanh lấy đà cho câu nói lối ai chứa đựng tâm can bẽ bàng của nhân vật. Trình thức vũ đạo điêu luyện của nữ nghệ sĩ hát bội dưới kỹ xảo vi diệu của ánh đèn sân khấu, khói nhân tạo, âm nhạc… khiến màn trình diễn mỹ mãn, in sâu vào tâm thức người xem. Đây là phân cảnh được diễn giả Vương Hoài Lâm gọi là “mảnh trò” kinh điển của sân khấu tuồng, hát bội của cả 3 miền.

Tác giả (giữa) cùng các nghệ sĩ hát bội
Tác giả (giữa) cùng các nghệ sĩ hát bội

Niềm vui lớn nhất của tôi trong buổi diễn hôm đó có lẽ là khi được thấy những gương mặt trẻ măng của Sài Gòn chiếm hơn 2/3 lượng khán giả đến xem hát bội. Sự háo hức, tò mò, phấn khích hiện rõ trên những đôi mắt lấp lánh hướng về sân khấu.

Đó là phần thưởng lớn nhất dành cho những nghệ sĩ hát bội. Để có được điều này, không thể không nhắc đến vai trò của các bạn trẻ trong nhóm Hiếu Văn Ngư. Các bạn chính là cầu nối đưa hát bội tiếp cận công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.

Diễn giả Vương Hoài Lâm tâm tình: “Hát bội không cần phải là những show diễn quá hoành tráng với lượng khán giả “khủng”. Với mỗi đêm diễn, chỉ cần có thêm một khán giả đến với hát bội bằng tình yêu nghệ thuật thuần khiết nhất thì nhất định hát bội còn sống được. Tình yêu ấy sẽ được nhân rộng ra chứ không dừng lại ở một người”.

Những đêm diễn của các kỳ talk show “Ca biện phấn hành” dù chỉ phục vụ vài trăm khán giả nhưng tình yêu của họ dành cho nghệ thuật hát bội rất lớn. Tình yêu ấy thể hiện qua những tràng pháo tay nồng nhiệt, sự tương tác, ứng biến cùng nghệ sĩ, qua những màn quăng quạt tưởng thưởng nghệ sĩ khi sân khấu hạ màn, hoặc qua cách khán giả hô vang câu “Cho lớp mai sau còn nghe hát bội”.

Đã qua rồi cái thời “Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con” nhưng giữa Sài Gòn - TPHCM thời nay mà vẫn còn vang vọng những giai điệu đẹp đẽ của trăm năm là điều thương đến thắt lòng.

Trà An

“Chúng tôi vẫn giữ nguyên những yếu tố đặc trưng, bản sắc nhất của nghệ thuật hát bội mà ông cha để lại, gồm trình thức biểu diễn, trang phục, âm nhạc, vũ đạo, lời thoại…”.

Nghệ sĩ Thanh Bình (nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI