Thưởng tết của nhà giáo mùa dịch: Gói gọn trong chữ “khó”!

14/01/2022 - 06:53

PNO - Gần tám tháng “ngủ đông” vì COVID-19 khiến hoạt động của ngành giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhất là các trường mầm non, trường phổ thông tư thục phải đối diện với bài toán kinh phí nên tết này, với người làm nghề giáo không khấm khá như mọi năm.

Trường công cố gắng để giảm ít

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh tại TPHCM đã có phần lớn thời gian trong năm 2021 dành cho việc học trực tuyến. Chính vì vậy, nguồn thu của các trường cũng bị ảnh hưởng theo, dẫn đến việc chi thu nhập tăng thêm từ khoản kết dư cuối năm cho giáo viên cũng bị ảnh hưởng. 

Tại Trường THCS Đức Trí (Q.1), tiền do ngân sách nhà nước cấp, ngoài để chi các hoạt động thông thường trong nhà trường, còn dùng để chi lương cho các nhân sự hợp đồng do quận ký (5 người), nhân sự hợp đồng của trường cũng chừng ấy người nữa. Với 68 viên chức, giáo viên nên dự kiến có thể chi ở mức hơn 1 triệu đồng/người cho khoản thu nhập tăng thêm. Còn Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) cũng đang tính toán. Theo lãnh đạo nhà trường thì cố gắng để mức chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên dịp tết khoảng trên dưới 6 triệu đồng/người, tùy theo xếp loại thi đua. 

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cố gắng chi trong khoảng từ 13 - 17 triệu đồng/người, tùy theo vị trí công tác, chức vụ, đánh giá thi đua cuối học kỳ I, hệ số bậc lương. Đây là sự cố gắng của tập thể lãnh đạo nhà trường để mức chi cho giáo viên bằng hoặc chỉ thấp hơn một ít so với năm ngoái để động viên thầy cô. 

Giáo viên rất mong được thưởng tết sau một năm đầy khó khăn - ẢNH MANG TÍNH MINH HỌA: PHÚC TRẦN
Giáo viên rất mong được thưởng tết sau một năm đầy khó khăn - Ảnh mang tính minh họa: Phúc Trần

Tương tự, năm nay, các trường tại TPHCM chỉ có nguồn thu hơn ba tháng nên ngân sách không thể bằng mọi năm trước là 8,5 tháng. Do đó, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cố gắng duy trì để có thể chi cho giáo viên bằng mức năm ngoái, từ khoảng 12 - 14 triệu đồng/người.

Trường tư ráng gồng để chia sẻ

Mọi năm, ở những ngày tháng Chạp, giáo viên các trường rôm rả, xôn xao câu chuyện thưởng tết. Thế nhưng, ở nhiều trường tư thục, ngay lúc này, giáo viên, nhân viên cũng chỉ lặng lẽ chờ, chẳng ai dám hỏi ai. Bởi họ biết, tất cả vừa trải qua một năm hết sức khó khăn. Cổ đông một trường THCS - THPT tư thục ở Q.6 cho biết: Trường chỉ thu học phí của người học chỉ chưa đến 70%, cả năm không thu tiền cơ sở vật chất dù vẫn phải trả hàng trăm triệu đồng thuê mặt bằng/tháng. Số lượng học sinh ở tỉnh rút hồ sơ để chuyển trường rất đông… nên nguồn thu giảm sâu. Đây quả là bài toán khó cho nhà trường. 

Phó hiệu trưởng một trường THPT tư tại Q.Gò Vấp chia sẻ trong tiếng thở dài: “Mọi năm giờ này, các thầy cô chuẩn bị mua sắm tết mang về quê. Nhưng năm nay, vẫn chưa thấy hội đồng quản trị của trường nói gì về thưởng tết dù còn chưa đầy hai tuần nữa là nghỉ tết. Có lẽ, họ cũng đang phải co kéo đủ nguồn, bởi ngay thu nhập hằng tháng của giáo viên đã giảm đáng kể rồi, huống hồ gì thưởng tết”. Ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt, cho hay: Dịp tết năm nay, giáo viên sẽ được lì xì ở mức từ 3 - 7 triệu đồng/người. Ngoài ra, thầy cô được tặng quà tết, tổ chức xe đưa đón thầy cô ở xa về quê ăn tết với gia đình. Dịch COVID-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến nguồn thu của các trường trong hệ thống nhưng vẫn sẽ cố gắng chăm lo cho thầy cô tốt nhất trong khả năng.

Còn theo lãnh đạo của hệ thống trường liên cấp Ngô Thời Nhiệm (TP.Thủ Đức) thì cố gắng hết khả năng để hơn 700 con người gắn bó với trường có cái tết tương đối. Dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của trường nhưng nếu như nhà đầu tư khó khăn thì người lao động thậm chí còn khó khăn hơn. Trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ như vậy nên mức thưởng ở trường này dao động khoảng 3,5 - 15 triệu đồng.

Giáo viên mầm non: Gần như không có thưởng tết

Cô Đỗ Ngọc Ch., giáo viên mầm non tư thục tại Q.Tân Bình, buồn rầu chia sẻ: “Kể từ lúc nghỉ dịch đến nay, tám tháng không có lương, mong gì có thưởng tết. Nhiều đồng nghiệp đã xin nghỉ về quê và chờ nhận lại sổ bảo hiểm. Tôi còn có nghề buôn bán rau sống qua ngày và mong là trường học sớm mở cửa để gặp lại trẻ và có thu nhập”. 

Nếu như các trường phổ thông còn có thể dạy online để thu học phí một phần nào đó thì trường mầm non và tiểu học gần như “đóng cửa”. Hai bậc học này ở những trường ngoài công lập gần như không hề có nguồn thu nào từ người học để trả lương cho giáo viên, chứ đừng nói gì đến thưởng tết. Chị Hà Ngọc Nga, chủ đầu tư của Tatuschool (TP.Thủ Đức), cho biết: “Trường đang sửa chữa để chuẩn bị hoạt động trở lại vào tháng 2/2022. Mình cũng chỉ có thể chi quà tết tượng trưng cho giáo viên trị giá 500.000 đồng, chứ nói thưởng tết thì không có. Hy vọng năm sau, các cô mầm non sẽ đủ đầy hơn”. 

Thấy được những khó khăn của giáo viên mầm non, dự án Help A Teacher (H.A.T) đang vận động quà tết cho giáo viên mầm non. Dự kiến, mỗi giáo viên sẽ được một phần quà và 500.000 đồng. Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập H.A.T, chạnh lòng nói: “Trong tâm tưởng người Việt, tết luôn là một cái gì đó rất đặc biệt. Quanh năm cơ cực thế nào cũng được, nhưng phải gắng để có một cái tết không đói. Là một người làm giáo dục, mình thấy chạnh lòng, thấy có lỗi… khi nhà nhà nô nức đón một cái tết “bình thường mới”, mà các giáo viên mầm non bị bỏ lại phía sau. Do đó, nhóm H.A.T muốn vận động chút quà tết cho các cô. Tuy không nhiều nhưng đủ để các cô hiểu rằng cộng đồng không quên các cô. Mong các cô ráng thêm chút nữa, chờ ngày quay lại trường với các con”. 

Trường đại học thưởng tết bằng hoặc cao hơn năm trước

Để động viên giảng viên, nhiều trường đại học (ĐH) quyết định tăng mức thưởng tết sau những vất vả của một năm đặc biệt.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: Mức chi thưởng tết Nguyên đán cho người lao động cao hơn các năm trước. Suốt bốn năm liền, mức thưởng tết của trường là 15 triệu đồng/người nhưng năm nay sẽ tăng lên 20 triệu đồng/người. Bởi, cả năm qua, cán bộ, giảng viên rất vất vả nên nhà trường muốn hỗ trợ thêm để động viên tinh thần thầy cô. Mức thưởng này được áp dụng giống nhau cho tất cả người lao động từ hiệu trưởng đến người giữ xe, tạp vụ… Sau tết, mỗi người cũng được lì xì thêm 2 triệu đồng. 

Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay đã chi thưởng tết cho giáo viên. So với năm ngoái, trường thưởng tết sớm và mức thưởng cũng cao hơn. Nếu năm ngoái, mỗi người chỉ được thưởng lương tháng 13 thì năm nay được thêm một khoản thưởng tết nữa. Lý do trường này đưa ra là người lao động bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn mùa dịch nên tăng khoản tiền thưởng để hỗ trợ thêm.

Trong khi đó, Trường ĐH Luật TPHCM cố gắng duy trì mức thưởng tết như năm ngoái. Mặc dù muốn tăng tiền thưởng nhưng năm nay tình hình dịch bệnh nên trường tốn kém khá nhiều cho chi phí phòng, chống dịch. Chẳng hạn như chi hỗ trợ sinh viên hơn 9 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu cũng giảm do sinh viên xin nợ học phí. Như mọi năm, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên trường này được nhận tiền thưởng gồm hai khoản, trong đó tiền tết gồm một tháng lương 13 theo hệ số và thu nhập tăng thêm, khoản còn lại là tiền thưởng dựa vào hiệu suất công việc và kết quả bình xét thi đua cuối năm của mỗi cá nhân. Theo kế hoạch, trường sẽ chuyển tiền thưởng cho người lao động trước ngày 20/1 tới.

Các trường ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM… cho biết vẫn duy trì mức thưởng tết là một tháng lương (mỗi năm đều tăng lương theo quy chế của nhà trường). Vì thế, khoản thưởng tết của mỗi người sẽ không cào bằng mà tùy thuộc vào vị trí, hiệu quả lao động… 

Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ các trường ĐH có thể duy trì mức thưởng tết bằng hoặc cao hơn năm trước vì sự ảnh hưởng ở bậc học này không nhiều. Từ lúc dịch bùng phát, các trường đều chuyển sang dạy học trực tuyến và thu học phí như bình thường. Các trường chỉ giảm nhẹ học phí, tăng học bổng hoặc gia hạn thời gian đóng học phí nên nguồn thu không bị ảnh hưởng nhiều như bậc phổ thông. 

Thanh Thanh

Tiêu Hà - Phúc Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI