PNO - PN - Hiên đứng trên tầng ba, tay bế con, mắt dõi theo dáng chồng lầm lũi xách ba lô bước lên chuyến xe khách vừa dừng trước nhà. Lòng chị bỗng dâng trào nỗi tủi hờn, héo hắt của phận đàn bà như thân con rùa sau xó cửa. Chờ xe trôi...
edf40wrjww2tblPage:Content
Anh hồi âm: “Em lại gây sự đấy à? Rốt cuộc anh đã làm gì sai chứ?”. À, thế hóa ra anh nghĩ chị ở nhà rảnh rỗi sinh nông nổi, chẳng có việc gì làm nên giận dỗi vu vơ. Chồng đi xa cả tháng trời, bỏ mặc chị ở nhà ngoại chăm con. Con thì nay ốm mai đau, mà chị cũng đâu có khỏe, thỉnh thoảng lại dính một cơn rối loạn tiền đình hành cho khổ sở. Nhiều khi chị ốm, nằm vật ra, nghe tiếng con khóc bên tai mà thèm gọi: “Chồng ơi, dỗ con giùm em với”.
Nhưng chồng còn đang bận công trình mãi tận Cần Thơ, Bạc Liêu hoặc Cà Mau. Ông bà ngoại thì bận trông mấy sạp hàng lúc nào cũng đông khách, chẳng biết nhờ cậy ai nên chị đành cố gượng dậy. Ngày nào chị cũng tự nhủ, cố gắng cho đến cuối tháng là cả nhà được đoàn tụ. Ấy thế mà vừa về đến nhà, anh chỉ kịp hôn con rồi lăn ra ngủ. Chị tủi thân chui xuống cuối giường nằm khóc cả đêm anh cũng không hay biết. Hay là anh đã chán vợ rồi?
Chị là cô giáo, ra trường thì chuyển tay ngang qua nghề biên kịch. Chị lấy anh dân xây dựng, con nhà nghèo, nhìn tấm lưng thôi cũng thấy vất vả rồi. Anh nay đây mai đó, hết đi làm thuê lại đầu tư làm chủ. Công việc có lúc may, lúc rủi, lúc tiền đầy túi, lúc lại phải vay mượn. Được cái hai vợ chồng thương yêu, san sẻ cùng nhau. Cưới ba năm mới có tin vui, chị nhớ như in hôm đó. Lúc chụp lại que thử thai với hai vạch đỏ gửi tin nhắn cho chồng, lòng chị vỡ òa vì hạnh phúc. Anh bỏ dở công việc, phóng xe máy suốt bốn tiếng đồng hồ về gặp vợ. Chiều muộn, bước từ cổng cơ quan ra, chị thấy lưng áo chồng ướt sũng mồ hôi. Giây phút đó chị ước gì nơi mình đang đứng là nhà để có thể chạy lại ôm ghì lấy anh vì thương nhớ.
Cũng là những tháng ngày chờ chồng đi làm xa về, nhưng từ đó chị háo hức hơn nhiều. Chị đi chợ mua nhiều thực phẩm, nấu những món anh thích, dọn dẹp lại cửa nhà cho thơm tho, hoa tươi cắm bình, chiếu chăn mang phơi nắng. Chị tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, sao cho đúng lúc anh về đến nhà là cơm vừa chín tới, thức ăn trong bếp dậy mùi, ly nước cam trong tủ lạnh vừa đủ mát. Quẳng ba lô xuống, anh xắn tay áo giúp chị dọn cơm, vợ chồng tíu tít vui mừng, gắp cho nhau miếng rau cũng thấy lòng xanh mướt. Cứ nghĩ con ra đời thì hạnh phúc sẽ càng trọn vẹn. Nào ngờ, có con rồi, nhà lại bớt đi tiếng cười, gặp nhau chỉ thấy tiếng thở dài, nỗi mệt mỏi nặng trĩu trên mi mắt.
Bố chồng ốm nặng, chị bế con ra Bắc làm tròn bổn phận dâu con. Anh vẫn đi lại giữa hai miền, vừa lo kiếm tiền vừa thăm nom bố. Bé Sóc ốm mà công việc nhà chồng không biết để cho ai. Sự khác nhau về lối sống vùng miền cũng khiến chị mệt nhoài. Tiền bạc kiếm bao nhiêu đổ vào thuốc thang, chồng chị là con út mà phải gánh vác thay con cả. Lòng chị bỗng nhiên nguội lạnh, nghĩ chẳng vì anh thì đâu phải khổ thế này. Anh cũng chẳng có thời gian quan tâm đến cảm giác của vợ.
Trăm thứ, dù nhỏ nhất cũng cần đến tiền, nên chưa xong công trình này, anh đã vội nhận công trình khác. Bố chồng nhắm mắt xuôi tay, chị lại khăn gói vào Nam để được gần chồng. Cứ bận bịu với gia đình, chị quên cả việc chăm sóc bản thân. Lắm lúc soi gương, chị xót xa khi thấy mình biến thành người khác. Sồ sề, luộm thuộm, trong bộ quần áo mặc ở nhà. Chị không thể nào nhận ra mình. Việc chồng hững hờ càng khiến chị tủi thân…
Lần này về thăm, anh thức thật khuya, ôm vợ vào lòng trò chuyện. Anh thủ thỉ: “Anh sai rồi khi chỉ nhìn thấy mệt mỏi của mình mà không nghĩ cho em. Hôm qua mẹ gọi điện dặn anh khi nào về dẫn em đi mua ít đồ. Mẹ bảo quần áo em cũ hết rồi, nhưng chắc em nghĩ mình ở nhà chăm con, không kiếm đâu ra tiền nên chẳng dám chi tiêu.
Nghe xong cuộc điện thoại của mẹ, anh đau lòng lắm”. Anh kể, để được về nhà với vợ con, anh phải di chuyển một chặng đường dài gần 700 cây số. Trước khi về phải thức đêm lo sổ sách, bàn giao công việc rồi cử người trông coi để không bị người ta ăn cắp nguyên vật liệu. Lúc ngồi trên xe cũng đâu phải được ngủ ngon lành, cứ chập chờn giữa những cuộc điện thoại gọi bàn công việc. Vì vậy, khi về đến nhà, anh chẳng thèm gì hơn ngoài việc được đặt lưng ngủ một giấc yên bình.
Anh nói, thứ chị có được là thứ anh mất đi, đó chính là ước ao gạt bỏ hết công việc để chơi với con trọn vẹn một ngày. Món ăn ngon mấy rồi người ta cũng ngán, nên chị đâu thể đòi hỏi anh lúc nào cũng háo hức như thuở ban đầu. Tình yêu của anh dành cho chị bây giờ đâu chỉ là rung cảm của con tim, cũng không phải chỉ ngồi nghĩ xem tìm mua thứ gì mà vợ thích. Đó còn là trách nhiệm lo cho vợ con một cuộc sống đủ đầy, là lao vào kiếm tiền xây một ngôi nhà rộng rãi cho mẹ con chị sống thoải mái, đàng hoàng, để không phải vất vả khuân đồ chuyển hết nhà trọ này đến nhà trọ khác.
Để cũng đỡ phải cậy nhờ bên ngoại, vì bố mẹ chị đã vất vả nhiều rồi. Để về đến nhà là có thể cười to mà không sợ ảnh hưởng đến ai, vợ chồng được chăm sóc cho nhau mà không phải ý tứ nhìn người này, e dè người khác. Đó là ngôi nhà có ban công cho chị trồng rau, có vườn nhỏ cho chị ngồi đọc sách, có khoảng sân đủ rộng cho con chạy nhảy nô đùa. “Em cứ trách anh không còn thương em. Nếu không vì mái ấm nhỏ bé này thì sao anh phải nai lưng làm việc tối ngày, để đến mức có nhiều hôm quên cả miếng ăn, giấc ngủ”.
Ôm chặt vợ vào lòng, vỗ về cơn ho thắt cả ruột gan, anh xót xa dặn dò, là phụ nữ, lúc nào chị cũng phải thương lấy mình trước nhất. Anh bận bịu, lại xa xôi cách trở, có muốn chăm chị lúc ốm đau cũng lực bất tòng tâm. Ngày mới lấy nhau, ra đường ai cũng bảo nhìn như hai chú cháu, vậy mà bây giờ người ta nói sao trông giống chị em. Với chồng con, chị tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, tại sao lại ngược đãi bản thân. Anh nói, dù vất vả thế nào, anh cũng sẽ tự mình cố gắng. Chị không cần phải động viên, chia sẻ, mà chỉ cần giúp anh một việc là đối xử tốt hơn với bản thân. Chị dụi đầu vào ngực anh thổn thức, không nói nên câu, nghĩ thương anh và cũng thương thân quá đỗi.
Đêm nằm bên chồng, chạm tay vào cái lưng thân thuộc, chị thấy nhọc nhằn gồ lên sau lưng áo. Tấm lưng này từng nhiều lần cõng chị những ngày đau ốm, từng hứa sau này về già, khi anh không còn bôn ba nữa, thì sáng nào thức dậy cũng là chỗ cho chị dựa vào chờ tỉnh cơn ngái ngủ. Từng cúi gập mình, nhặt nắm đất nhỏ buông xuống mộ cha rồi rung lên nức nở. Những ngày mất mát ấy, chị không biết làm gì hơn ngoài xoa tấm lưng anh an ủi.
Rồi anh cũng nguôi ngoai, tấm lưng cũng biết vui trở lại khi cúi xuống làm ngựa cho con cưỡi. Con ngựa chưa già đã đau lưng nhức mỏi, nên một tay lết trên sàn nhà, một tay anh vòng ra sau đấm lưng mình thùm thụp. Giờ nằm bên chị, tấm lưng ấy thêm một lần khom lại để tạo cung lòng, kê cho chị mộng giấc lành. Tấm lưng đen đúa nhưng rộng dài này từng là lý do để chị yêu anh, sẽ đủ mạnh mẽ để che chở cho cuộc đời của chị.
Sáng hôm sau, chị cùng anh đi chọn áo mới. Qua tiệm làm tóc, chị nhờ anh ngắm hộ kiểu nào phù hợp, chờ mấy hôm nữa gửi con đi nhà trẻ thì chị sẽ làm. Tới hàng hoa quen, anh dặn chị chủ: “Cứ một tuần, nhớ phần nhà em hai bó hồng tỉ muội”. Ghé sạp băng đĩa ở ngã tư, anh cúi lưng chăm chú chọn mấy đĩa hài cho chị. Chị như đứa trẻ ngoan lâu ngày nhận được quà, lòng khấp khởi tựa những ngày đầu khăn gói theo anh. Trưa đó nắng ấm, hai cha con anh tắm gội cho nhau.
Chị đứng nấu cơm, ngó hai tấm lưng thân thương ngồi sưởi nắng ngoài sân, mải chơi đùa, cười rung lên thích thú. Hai dáng ngồi y tạc nhau và tiếng cười cũng trong veo như vậy. Hạnh phúc bình dị vậy thôi mà chị để tuột trôi bao nhiêu ngày sum vầy may mắn. Chiều đó anh lại lên đường, khi chuyến xe khách dừng lại trước cửa nhà, chị nhìn theo lưng chồng, nước mắt cứ thế rơi…