Thương tấm lòng rộng lớn của sân khấu nhỏ

26/05/2015 - 19:31

PNO - PN - Tin giám đốc (NSƯT Nguyễn Việt Anh) đưa đơn xin tạm ngưng hoạt động Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (Nhà hát 5B) làm không ít “tín đồ” của sân khấu 5B ngỡ ngàng, tiếc xót.

edf40wrjww2tblPage:Content

Lý do khiến sân khấu này phải nghỉ ngang theo như công bố chính thức của những người có trách nhiệm là hệ thống máy lạnh cũ kỹ bị xuống cấp trầm trọng. Từ lâu nay, việc “lết” bộ lên lầu ba hoặc phải đu người để trèo lên chiếc ghế cao trong khán phòng là thử thách không nhỏ đối với những khán giả trung và cao niên đến đây xem kịch.

Thuong tam long rong lon cua san khau nho

Dẫu vậy, vì tình yêu dành cho sân khấu này, họ vẫn đến và các nghệ sĩ cũng đã đáp lại bằng nỗ lực đều đặn “sáng đèn” hằng tuần. Trong ba mươi năm kể từ ngày ra mắt vở diễn đầu tiên (Dư luận quần chúng), chưa lần nào sàn diễn 5B tắt đèn mà không hẹn được ngày tái ngộ.

Ngỡ ngàng vì quá đột ngột, tiếc xót vì nơi đây không những từng được xem như một biểu tượng cho sự đột phá trong sáng tạo sân khấu của TP, mà còn là bà đỡ mát tay cho những tài năng trẻ, là mái nhà chung cho những người làm nghề “cơ nhỡ”.

Trong suốt hơn 10 năm, từ nửa cuối thập niên 1980 cho đến trước năm 2000, mặc dù chỉ với danh nghĩa là “Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm”, nhưng với sự quy tụ của thế hệ vàng như Thành Lộc, Hồng Vân, Việt Anh, Hữu Châu, Thanh Thủy, Thành Hội, Khánh Hoàng, Ái Như, Hồng Đào, Minh Nhí, Quốc Thảo, Công Ninh, Tấn Thành, Mai Trần… sân khấu 5B như một thứ bùa mê hớp hồn những người mê kịch với không ít vở diễn được coi là “tuyệt đỉnh”.

Sau khi “lứa” đầu tiên đủ lông đủ cánh bay đi tìm chân trời mới, dù hào quang không còn rực rỡ như xưa, 5B vẫn tiếp tục là địa chỉ tìm đến của những người trẻ muốn làm nghề nhưng “không nơi nương tựa”. Không ít đạo diễn, diễn viên quanh năm sống bằng việc làm phim nhưng hễ có thời gian vẫn luôn muốn quay về sàn diễn 5B để giữ nghề.

Không phải bỗng dưng mà Nhà hát 5B được những người trẻ làm nghề tin tưởng coi như một ngôi trường sân khấu nối dài. Là sân khấu xã hội hóa đầu tiên của TP, phải tự lực thu chi, song 5B là sân khấu xã hội hóa có định hướng. Việc định hướng đầu tiên chính là thực hiện chức năng thực sự của một sân khấu nhỏ - sân khấu thử nghiệm, sân khấu tiên phong trong sáng tạo nghệ thuật.

Những vở diễn thử nghiệm của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh như Hoàng hậu hai vua, Diễn kịch một mình, Nguyệt hạ, Chuyện lạ, Nỗi đau nhân loại… một thời đã nâng tên tuổi nhà hát lên tầm cao. Tiếc là những sáng tạo mang tính đột phá, được đông đảo người làm nghề thán phục như vậy phải chịu gãy gánh giữa đường vì không tìm ra nguồn kinh phí để tiếp tục theo đuổi.

Việc định hướng thứ hai là không chạy theo trào lưu thị hiếu dễ dãi, những vở diễn ở 5B, suốt mấy chục năm qua, có thể hay, có thể chưa hay nhưng luôn đem lại cho người xem sự xúc cảm về tình người, sự nghĩ suy về cách sống.

Những định hướng này có thể không phù hợp lắm với tầng lớp khán giả chỉ muốn đến sân khấu để mua vui khiến vé 5B ít khi bị “cháy” song bù lại, với những người xem đồng cảm thì đây là một địa chỉ đáng tin cậy, gần như năm nào cũng có vở được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải thưởng.

Nếu hiểu ở khía cạnh nghề nghiệp, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B là bộ mặt của Hội Sân khấu TP.HCM, là nơi để những người làm nghề tâm huyết có cơ hội thể hiện sức sáng tạo, là chỗ sàn diễn biết kiên quyết bảo tồn cái đẹp, không bị lôi kéo bởi những trào lưu thẩm mỹ thời thượng.

Vì vậy, dư luận không khỏi thắc mắc, Nhà hát 5B với những thành quả xưa nay đáng trọng như thế, là nhà hát của Hội Sân khấu TP.HCM, đâu phải của riêng ai, sao không đồng lòng hợp lực để cứu đỡ, lại chỉ để ban giám đốc nhà hát (vốn là những nghệ sĩ biểu diễn) tự lặn ngụp giữa những cơn sóng của thị trường, để rồi đành bất lực buông tay.

Việc nhà hát của Hội lần đầu tiên sau nhiều chục năm, phải tức tưởi ngưng hoạt động trước thềm Đại hội Hội Sân khấu TP.HCM (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2015) hẳn sẽ làm đau lòng những ai đã và đang dành cho sân khấu một tình yêu tử tế.

CÁT VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI