Trong tâm khảm của tôi, không ngọn sóng nơi đâu đẹp bằng ngọn sóng quê mình. Ngọn sóng sông dài, ngọn sóng kênh rạch, ngọn sóng trên những đồng nước mênh mông… để lại những vạt ký ức như khói sương trong tôi cùng nỗi nhớ thương không dứt.
Những con sóng quê tôi nối dài tít tắp trên mấy dòng sông ngoằn ngoèo giữa đồng bằng châu thổ. Có mấy đợt tôi xuôi tàu theo thủy trình của dòng sông từ tỉnh này qua tỉnh nọ ở miền Tây Nam bộ cùng đoàn khách từ thành phố xuống. Họ làm nhiều nghề, có nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ… tôi đã chứng kiến niềm hân hoan, sự bất ngờ trong đôi mắt của họ. Có người đã quen với những con sông miền Tây Nam bộ, lớn lên từ mảnh đất màu mỡ phù sa và tâm hồn trải ra cùng sóng nước xôn xao kênh rạch. Có người sóng trong tim họ là sóng biển vỗ về bờ cát, là con sóng hùng vĩ trên những dòng sông đổ ầm ầm giữa đại ngàn.
Khi ngồi trên tàu du lịch nước tạt vào mát lạnh, nghe chị hướng dẫn viên mặc áo bà ba tóc lòa xòa trong gió giới thiệu bằng chất giọng miền Tây ngọt ngào, khách nói những con sóng xứ này hiền lành. “Hiền lành” vì sóng chỉ gợn nhẹ chứ không vồn vã, cuộn xoáy; “hiền lành” vì sóng chẳng làm hại con người, kể cả chiếc ghe bầu nhỏ xíu lênh đênh.
Trong tim tôi, sóng nước Tây Nam bộ còn “hiền lành” cưu mang bao phận đời thương hồ, sóng tiễn chân người rời khỏi đồng bằng châu thổ và rồi đợi chờ những kẻ tha hương quay về để vỗ về.
*
Có những tháng ngày mà tôi vẫn không thể nào quên. Đó là những đêm trăng tôi ra mũi ghe đứng lóng ngóng, cây đèn bão trong đêm xiêu theo gió, đôi lúc tưởng như sắp tắt vụt trong màn đêm u tịch, giữa đồng nước bạt ngàn. Một chiếc ghe nào đó đi qua, người trên ghe hò một câu mênh mang: “Gió thổi về Nam, sông dài xuôi gió về Nam/ Đò lên phía Bắc, mà rẽ đôi con nước ngược dòng…”.
Ba má tôi chọn kiếp sống thương hồ rày đây mai đó. Ba làm bạn với sông, má làm bạn với những người cũng sống đời thương hồ phiêu lưu sông dài trời rộng. Chiếc ghe của chúng tôi đủ để má chất lủ khủ mấy thứ như đường muối, gạo nếp, vải vóc, dầu lửa, nước mắm, vài loại trái cây má gom được trên đường đi rồi bán lại kiếm lời… Và trên ghe luôn có một khoảng nhỏ để đêm xuống chúng tôi ngả lưng. Nhiều lần tôi thấy đi ghe cực quá, tôi nói má “hay lên bờ ở luôn”, ngoại tôi bảo không có đất thì về vườn ngoại mà sống. Má cười, bảo sông nước lỡ chọn má rồi, má cũng lỡ chọn cái nghề phiêu bạt tứ phương, lên bờ má sống không quen.
|
|
Thật ra, tôi biết ba tôi thương những dòng sông như máu thịt, ba chỉ thích nghi với sông nước, với những cuộc đi. Tôi không khuyên má nữa, má định bụng gửi tôi lên nhà ngoại để tôi đi học, mười bữa nửa tháng ba má về ngang ghé thăm tôi một lần, rồi khi nào tôi được nghỉ hè má sẽ cho theo ghe để đổi không khí. Nhưng tôi không chịu, tôi nhất quyết phải đi ghe với ba má, dù khổ cực trăm bề, sinh hoạt khó khăn. Ba má tôn trọng quyết định của tôi. Vậy là những chuyến đi tuổi thơ tôi cứ nối dài, bất tận…
Đi ghe cực, nhưng vui. Như việc sáng mai thức dậy là đến được một dòng sông mới. Ba tôi nói miền Tây có rộng lắm đâu, mà sông này sông khác cứ thay nhau đón mình, không biết hết cuộc đời ba có đi khắp những dòng sông Tây Nam bộ hay không.
Ba tôi yêu con sóng quê nhiều lắm. Sóng hiền lành, sóng lương thiện vỗ về đôi chân của tôi. Sóng từng đêm khỏa nhẹ vào chiếc ghe, vọng lên tai tôi những thanh âm mật ngọt, đưa tôi vào giấc ngủ. Ở trên ghe, tôi đã quen với tiếng rao của má và những bạn hàng. Cùng là “Ai mắm, muối, gạo, nếp, vải vóc, rau củ quả tươi ngon… hôn…”, nhưng mỗi người lại rao bằng một điệu khác nhau, có người tiếng “hôn” kéo dài như sông, ngân cao, có người rớt nhịp, hoặc đặc sệt, hoặc chua chát như cuộc đời chìm nổi.
Ghe của chúng tôi đã đi qua bao bận nắng mưa, qua bao dòng sông, kênh, rạch. Có khi ghe lại đi trên dòng nước nhỏ xíu đỏ bầm chảy giữa rừng tràm heo hút. Ghe tôi đã từng cập bao bến lạ, bến quen, gặp bao người xa, người chưa một lần gặp mặt hoặc chỉ gặp mặt một lần trong cuộc đời. Rồi ghe lại đi. Mải miết. Bất tận. Sông dài bất tận. Những chuyến đi lại nối tiếp, kéo dài…
*
Tôi lớn lên, bờ lưng ba má tôi cong xuống. Trước lúc mất, bà ngoại khuyên muốn… gãy lưỡi, ba má tôi mới chịu bỏ ghe, bỏ sông, lên bờ dựng nhà sinh sống, làm vườn. Tôi theo học lớp bổ túc, học dần rồi trở thành phóng viên của một tòa soạn báo ở TP.HCM. Chúng tôi, sau tất cả đã có cuộc đời bình an, no ấm.
Chừng ấy năm sông nước đã cưu mang gia đình nhỏ của tôi. Chừng ấy năm nước lớn nước ròng, tôi lớn lên, nên hình nên vóc. Sông nước Tây Nam bộ đầy những kỷ niệm của gia đình, về chiếc ghe màu nâu trầm lọc xọc chạy ngang qua, khói đen kịt ra từ chiếc máy cũ kỹ.
Mỗi lần về quê, tôi đều thấy ba tôi ra bến sông ngồi nhìn những con sóng lăn tăn trong chiều. Tôi biết ba nhớ sông, nhớ sóng, nhớ những cung đường đã qua, nhớ những khuôn mặt lạ lẫm gặp nhau là cười.
Hoàng Khánh Duy