Ở nơi này, mùa Đông chỉ mới bắt đầu thôi…
Nắng vàng ươm nhưng tuyết vẫn trắng xoá núi đồi…
Bạn bè xa quê gọi rủ nhau hẹn hò ăn Tết. Tôi háo hức tìm đặt bánh chưng, để gọi là có chút không khí tết.
Giờ này, chắc má tôi ở nhà cũng đang tính toán năm nay sẽ gói bao nhiêu bánh Chưng, biếu tặng những ai… Má già rồi, lại đau lưng lắm… Năm nào tôi cũng nói, thôi má đừng gói bánh nữa. Mình đặt vài cái được rồi, gói chi cho cực. Má tôi ừ hử cho qua rồi vẫn làm theo ý mình: Cứ đêm giao thừa là nhà tôi phải nổi lửa nâu bánh Chưng, bánh Tét. Tôi nghĩ, chừng nào má tôi còn cử động được chân tay, thì tết của bà nhất định phải có bánh Chưng, bánh Tét. Cũng như tôi, tuy không hảo loại bánh này, nhưng tới Tết, tôi vẫn cứ thích nhìn thấy nó… Và hơn nữa, tôi thích cái cảm giác “trông bánh Chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má hồng”… như trong câu hát mà tôi năm lòng từ thưở ấu thơ…
Hồi đó, cứ tới tháng Chạp là mấy chị em tôi bắt đầu nao nức. Tôi đếm hết đốt ngón tay rồi mượn cả ngón chưn để tính ngày được ăn tết. Ngày nào cũng đếm. Ủa, mà ngộ ghê, ở xứ tôi, người ta kêu là “ăn tết”. Nói mới nhớ, tết đúng là để… ăn. Trong cái cảnh thiếu thốn quanh năm, ai mà không háo hức mong tới ngày ăn tết chớ!
Chả vậy mà, từ hồi giữa năm, má tôi đã trí sẵn con heo ăn tết. Đâu chừng tháng Mười, tháng Mười Một, bà cuốc khoảnh đất trước nhà, rồi xà lách, tần ô, ngò, hành lá… lấm tấm xanh nổi lên mặt đất… Thêm một giàn dưa leo, và đương nhiên, bà không thể nào quên vài hàng Vạn Thọ…
Đó rồi ra giữa tháng Mười Hai, khi rau đã xanh ngắt cả khoảnh vườn, phả hương thơm nhẹ theo từng cơn gió, má sai mấy chị em tôi đem nếp đi rang Nổ. Cái hạt thóc nếp đã bị rang cho nổ vỏ ra và bung lên như cái bông trắng tươm đó mà, Quảng Ngãi quê tôi kêu là Nổ. Hồi tôi nhỏ xíu, người ta rang Nổ trong những cái chảo gang to tổ bố, nóng rừng rực. Tôi không nhớ má tôi thường cho rang bao nhiêu thóc nếp, mà sau khi tụi nó nhảy múa tứ tung trong chảo gang, là được cả hai bao Nổ to, mỗi bao to chắc gấp đôi cái đứa tôi khi đó…
Từ bữa rang Nổ xong, cứ sau giờ học hoặc chăn bò về, má kêu đi rửa tay rồi giao cho mỗi đứa một cái rổ con, biểu ngồi lượm nổ, từng hạt một. Thề với lòng, tôi không thích cái công việc rị mọ này cho lắm. Cái thú vị duy nhứt của việc lượm Nổ là đôi khi ta có thể len lén, bốc một bụm Nổ cho vô miệng và nghe được cái ngọt, cái thơm, cái béo của hạt Nổ đang vỡ giòn tan trong miệng.
Cái bữa rổ Nổ cuối cùng được làm sạch chính là bữa nhà tôi làm Bánh Nổ. Tối đến, má tôi sên nồi nước đường to để trộn Nổ. Nồi nước đường của má có hương vani và hương quế ra Trà Bồng quê Ngoại sao mà thơm ngào ngạt. Đường sên tới rồi, má cho Nổ vào cái khuôn bánh hình ống chữ nhật dài, được lắp từ 4 miếng gỗ có kích thước bằng nhau, bên trên và dưới có hai cái niềng để giữ chặt khuôn. Đổ nếp vào đầy khuôn, má đặt lên đó một cái chày. Rồi ba tôi sẽ dùng cái vồ nện vào chày cho chặt bánh. Nổ lún xuống dần, má tôi ngồi tiếp thêm nếp… Cứ thế, cây bánh nổ cao dần, thành hình… Cây bánh càng cao lên, nhịp vồ đóng bánh càng mạnh và dồn dập… Má tôi ưng cây bánh phải chặt chẽ, để cắt ra miếng bánh liền lạt đẹp đẽ, khó bể…
Khi những cây bánh đầu tiên ra lò, bà sẽ cắt bánh ra thành từng miếng hình vuông, hoặc cắt làm đôi để được hai miếng hình chữ nhật. Nhưng cái bánh của má tôi sẽ phải thẳng thớm không tì vết và đều tăm tắp… Vậy nên bà sẽ gọt bỏ rìa bánh dôi ra ở 4 cạnh và 2 phần đầu bánh.
Anh em tôi ngồi quanh chầu rìa coi ba má làm bánh và ké ngửi mùi bánh, mùi nước đường sên thơm nức. Tụi tôi háo hức lắm, vì không khí làm bánh rộn ràng báo hiệu rằng tết không còn xa nữa. Nhưng má tôi còn biết thêm một nguyên nhân khác khiến lũ con bà ngồi đợi tới khuya… Tụi nó chờ những rìa bánh mà bà vừa cắt ra… Ai đã từng chầu chực những cái rìa bánh như vậy chắc sẽ đồng ý với tôi rằng cái rìa bánh trước tết nó ngon hơn cái bánh ba ngày tết nhiều lắm.
Lúc hai anh em tôi chia nhau phần rìa bánh, ăn ngon lành thì má tôi cũng bắt đầu sấy bánh và xua tụi tôi đi ngủ. Tôi luyến tiếc rời gian bếp rộn ràng, thơm phưng phức để lên giường trong nhịp vồ đóng bánh mạnh mẽ của ba tôi vang đều trong đêm tối. Đó đây, hình như tiếng đóng bánh cũng vang lên ở nhà ông Ba ngay góc trên và nhà Chú Sáu ở xa xa… Cả xóm tôi đang rộn ràng đón tết… “Vậy là Tết đang về rồi”, tôi thiếp đi trong một niềm vui lâng lâng khó tả.
Mà tết xưa ở quê, nhiều món lắm. Hết thảy đều do đôi bàn tay của những người phụ nữ tảo tần như mẹ, như chị tôi tự làm ra cả. Xong Bánh Nổ, má sai các chị tôi đi xay bột làm Bánh in, mua trứng, mượn khuôn về làm Bánh trái tim… Rồi má nấu xôi quết, giã cho nhuyễn để làm Bánh mè, rồi bánh bó, mứt dừa, mứt gừng… Không riêng gì nhà tôi, mà cả xóm trong xóm ngoài, đi đâu cũng nghe thơm lừng mùi bánh mứt…
Rồi thì bánh mứt cũng xong xuôi, má tôi gói ghém cẩn thận, chất đầy trong cái thùng inox to. Quanh năm thiếu thốn, tới ngày tết, má tôi muốn làm cái gì cũng nhiều lên một chút, để con cái ăn cho thoải mái, còn nữa thì ra Giêng, ra Hai, có cái mà uống trà giữa những buổi làm đồng thấm mệt…
Rồi một bữa, khi cánh đồng trước nhà phủ mờ sương muối, má tôi kẽo kịt gánh rau xà lách kẹp, rau diếp cá xuống chợ, đổi về mấy bình bông cúc lộn xộn đủ màu trắng hồng tím đỏ… (Trời ơi, loại cúc này nó thơm nứt mũi, có ai còn nhớ không?) Ba tôi ra nhà bác họ, mang về một ngọn tre nhỏ (để làm cây Nêu) cùng một cành mai đầy nụ, lác đác những đoá hoa vàng… Trời đất! Hình như đó là lần đầu tiêng tôi nhìn kỹ vào cánh hoa Mai… Cái sắc vàng tươi nhẹ nhàng và cái đài hoa xanh mướt, phơn phớt vàng có cái gì như hút lấy tôi. Tôi không bao giờ có đủ ngôn từ để diễn tả chính xác cái cảm xúc dậy lên trong tâm hồn thơ bé của mình lúc đó. Nhưng hơn ba chục năm rồi, tôi chưa hề quên nó… Những cánh Mai mỏng manh mang một vẻ đẹp thanh tao, nhẹ nhàng mà thiêng liêng, ấm áp vô cùng, khiến tôi cảm thấy mình như vừa thương, vừa nhớ những cánh hoa này ngay khi nó đang hiện hữu trước mặt tôi đây… Có lẽ, tết trong tôi thiêng liêng từ giây phút đó…
Mấy chị tôi cũng kịp hoàn thành tấm rèm treo bàn thờ đủ màu sắc được kết tỉa từ lõi cây khoai mì, anh trai tôi lấy tro bếp trộn với trấu chà xong bộ bình trà bóng loáng. Cặp đèn cầy và cái lư hương đồng gởi đi đánh bóng cũng đã trở về, lấp lánh, tinh tươm… Gian bếp nhỏ của má tôi thơm lừng các món ngon mà ngày thường, đến mơ tôi cũng đâu có dám! Cái thời chi lạ! Quanh năm đói khổ, tết có ba bữa thì lại ê hề…
Chiều 30, cửa nhà sạch sẽ từ trong ra ngoài. Chị tôi quét tước xong xuôi, đốt cái đống rác un un khói phía sau nhà, gởi theo làn khói những điều không hay trong năm cũ… Bàn thờ ông bà hoàn tất với bông cúc tím cùng các loại bánh mứt mà má và các chị đã làm nguyên nửa tháng trời… Cành Mai cũng thêm đôi cánh nở… Má bày mâm tươm tất, rồi Ba tôi trịnh trọng cúng rước Ông Bà về ăn tết.
Trong bữa tối cuối cùng của năm cũ, một cảm giác ấm cúng, bình yên khó tả xâm chiếm tâm hồn. Có chút vui của cảm giác no đủ hiếm hoi… Bất giác, má tôi nói: “tết nhứt đủ đầy vầy mà anh Hai bây không có ở nhà, tội quá!”
Anh Hai tôi gì lạ! Tết tư mà ở tuốt trong quân trường…
Làm cho tôi bây giờ cũng bắt chước, tôi đi luôn mút chỉ mù khơi chục ngàn cây số, mà hong biết ở nhà có ai nhớ mình không.
Chơi chớ, kiểu gì năm nay má tôi cũng gói bánh Chưng nữa cho coi!
Không có là tôi đi đầu xuống đất!
Nếu tôi ở nhà, thế nào má cũng gói riêng cho tôi vài cái bánh Ú, vì cái bánh Chưng ấy mà, nó cũng như cành Mai hay hoa Vạn Thọ, tôi thích nhìn chớ có thích ăn đâu!
Thiên Di
(từ nước Pháp)