Thương nhớ màu áo lính

29/08/2014 - 17:15

PNO - PN - Nghe tin dịp lễ Quốc khánh 2/9 sẽ được nghỉ bốn ngày, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Huệ (SN 1966) khấp khởi mừng vì gia đình có cơ hội đoàn tụ sau hơn nửa năm xa cách. Nhưng rồi niềm vui sớm tắt, khi chồng cô - Thượng tá Nguyễn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cô đơn trong hạnh phúc

Đã ba năm nay, cô giáo Xuân Huệ (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) quen với cảnh ăn ngủ một mình, cô đơn trong hạnh phúc của một gia đình thành đạt. Quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế, giường tủ đến bóng loáng; cô bỗng thèm có một đống quần áo lính dày cộp của chồng con để giặt giũ; thèm được la cà ngoài chợ chọn lựa mấy món ăn chồng con ưa thích, để được tất bật bên bếp lửa, xào nấu bận rộn. Nhiều người vô tâm luôn tỵ nạnh với cô: “Số bà sướng, chẳng phải lo cho ai. Muốn ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ. Muốn đi đâu thì đi, không lo chồng quản”. Họ có biết đâu, những bận rộn, vất vả thường ngày của một phụ nữ, đối với cô là một ao ước, thèm khát cháy bỏng.

Năm 1990, khi quyết định đến với bác sĩ quân y Nguyễn Thế Thìn (SN 1964), Xuân Huệ đã xác định lấy chồng lính sẽ nhiều vất vả, thiếu vắng. Những ngày mặn nồng chóng qua, chồng nhận nhiệm vụ mới tại Trung đoàn 174, xa tít trên Yên Bái, ba, bốn tháng mới tranh thủ về thăm một lần. Vợ mới ra trường, được điều vào dạy trung học cơ sở tại một xã vùng sâu, vùng xa, cách đơn vị chồng gần 200km. Mới cưới, gia tài chỉ có hai chiếc xe đạp, xa xôi thế, muốn gặp nhau cũng khó. Lâu lắm chồng mới tranh thủ về thẳng trường thăm vợ được một, hai ngày là thời gian hạnh phúc “trên trời rơi xuống” với cô giáo trẻ. Sinh con đầu lòng, vì ông bà nội mất từ lâu, ông bà ngoại già yếu, bác sĩ Thìn đón vợ lên bệnh xá trung đoàn cho tiện sinh nở, chăm sóc. Tới năm sinh cậu con thứ hai, hạnh phúc mỉm cười với họ. Chồng được chuyển công tác về Quân khu II, vợ được chuyển về dạy học tại địa phương. Nhưng không lâu sau, Xuân Huệ lại tiễn chồng lên Tây Bắc. Vắng chồng thì còn hai con trai, cô giáo vừa hoàn thành tốt chuyên môn, vừa thay chồng dạy dỗ con. Ai cũng lo con trai phá phách, nhưng hai bé nhà cô rất hiền lành, ngoan ngoãn và học giỏi.

Thuong nho mau ao linh

Gia đình cô giáo Nguyễn Thị Xuân Huệ

Thời gian thấm thoắt trôi, đến khi các con trưởng thành, cũng chọn con đường binh nghiệp của bố. Khi cả ba “chú lính” khoác ba lô ra khỏi nhà, cô giáo Xuân Huệ mới thật sự bị sốc vì sự cô đơn của mình.

Ra đường, cứ thoáng thấy màu xanh quân phục là cô giáo Huệ thấy xốn xang khó tả. Mỗi lần nhà trường tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ với đơn vị bộ đội nào đó, cô lại xúc động muốn khóc. Xuân Huệ rất thích hát bài Hành khúc ngày và đêm, một ca khúc nằm lòng của cô từ khi mới là sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm. Mỗi khi hát cho mọi người nghe bài hát đó, cô rưng rưng nước mắt vì nhớ tới “ba chú bộ đội” của mình.

Biết rằng chồng con đã có quân đội lo cho ăn, mặc, nhưng cô vẫn tìm mua những bộ quần áo có gam màu mình yêu thích cho họ. Mỗi khi về nghỉ lễ, Tết, ba bố con xúng xính trong những chiếc áo rét, những bộ sơ mi trẻ trung. Xúng xính được mấy ngày rồi lại cởi ra, khoác lại bộ quân phục. Mọi người đi rồi, Xuân Huệ tần ngần ôm mấy bộ quần áo còn vương hơi ấm, không muốn đem giặt.

Nỗi buồn trống vắng không thể nói nên lời, càng không dám để chồng con biết. Dù không trực tiếp cầm súng, cô vẫn luôn hãnh diện vì mình có góp công vào sự nghiệp gìn giữ đất nước, bởi cô chính là hậu phương lớn, điểm tựa vững chắc cho những người lính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mong ước giản đơn

Vừa trải qua một kỳ nghỉ hè nữa đầy cô đơn, dù có một nhóm trò chiều chiều đến nhà nhờ dạy thêm, cô Xuân Huệ vẫn chỉ tạm nguôi ngoai nỗi nhớ. Những lúc trái gió, trở trời bị cảm, sốt, cô tự lấy thuốc điều trị hoặc âm thầm đi bác sĩ mà ít khi làm phiền “bác sĩ nhà”: “Mình tự lo được đến đâu thì cố lo, để cho chồng yên tâm công tác. Lỡ lúc anh ấy đang cầm dao mổ hay tiêm thuốc cho bệnh nhân, phân tán tư tưởng là không tốt”. Tận đáy lòng, cô vẫn mong có được bàn tay dịu dàng của chồng khám bệnh, cho thuốc; mong được cậu con trai cả nấu cho nồi cháo, cậu thứ hai ngồi bón cho mẹ. Cô mong ước một lần kỷ niệm sinh nhật nào đó của mình có đủ mặt ba bố con nhà lính. Trong những giấc mơ, cô thường thấy những bữa cơm gia đình đầm ấm, những tình cảm nhỏ bé, đơn giản cô nhận được từ chồng con.

Thầy giáo Nguyễn Thế Hanh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lộc, nơi cô giáo Huệ đang dạy học, nhận xét: “Cô giáo Huệ là một trưởng bộ môn giỏi, năng nổ, tích cực, nhiều năm được bình bầu là chiến sĩ thi đua của ngành. Chúng tôi cảm phục nghị lực của cô, khi vừa lo hoàn thành công tác chuyên môn, vừa động viên chồng con sẵn sàng chiến đấu, công tác phục vụ quân đội”.

 PHÙNG HOÀNG CHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI