"Thương nhớ hoàng lan": Một vùng cấm sầu bi

21/12/2020 - 13:00

PNO - Với "Thương nhớ hoàng lan", Trần Thùy Mai đã cất lên tiếng nói của những người phụ nữ vốn vẫn được coi là yếm thế, mong manh - nay động cựa, trở mình và dấn bước tiến về ánh sáng.

Những nhà văn nữ viết về phụ nữ trong văn chương hiện đại Việt Nam không hiếm. Có thể kể ra một loạt cái tên như Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Minh Huệ, Dạ Ngân… Nhưng Trần Thùy Mai vẫn tạo nên được một “lãnh địa” phụ nữ rất riêng của mình. 

Xuyên suốt tập truyện, bà không chủ tâm tạo ra sự vận động bằng cách đẩy những cốt truyện đến cực đoan; mà nhẹ nhàng chạm vào những chuyện mắt thấy tai nghe, những chuyện ngồi lê đôi mách còn đâu đấy trong cuộc sống hằng ngày; từ đó gợi lên những góc nhìn bị che khuất, để ta thấu cảm hơn những thân phận lênh đênh chìm nổi.

Những thân phận có tiếng nhưng không có hình, có hình nhưng không có tiếng; hay mặt khác, giống như chiếc phong linh trong một truyện ngắn của tập truyện này, người đàn bà đôi khi được tạo ra không phải để thưởng thức âm thanh, mà là để tận hưởng sự tịch mịch.

Thương nhớ hoàng lan do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp Phan Book ấn hành gần đây
Thương nhớ hoàng lan do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp Phan Book ấn hành gần đây

Có thể thấy những miền giao chiếu thuộc lãnh địa phụ nữ ấy trong suốt toàn tập truyện này. Trần Thùy Mai khắc họa tất cả nhân vật nữ của bà trong sự đơn nguyên một cách trong trắng, từ những người bất thường như Vy ngơ cho đến những phụ nữ trung tuần, lão tuần chờ đợi tình yêu; từ những nữ sinh không có gì cho đến những người tưởng chừng đã có tất cả.

Những mảnh ghép gặp nhau trong niềm khát khao yêu thương bừng lên; ở những khía cạnh gần như đối lập. Sự trong trắng nơi những nhân vật nữ của Trần Thùy Mai khó để đánh giá theo những tục lệ ngoại vi thông thường; mà cái nguyên bản chất chứa một sự thôi thúc tự do yêu đương là thứ bừng lên rõ nhất, mạnh nhất và hiển hình nhất bản năng đàn bà của những nhân vật này.

Đọc tập truyện của Trần Thùy Mai, vẫn còn đó cái không gian lễ giáo phong kiến giáo điều nhưng đã phảng phất phong vị của đấu tranh, vượt thoát. Là người vợ hy sinh đẩy chồng ra trước ánh sáng danh vọng của Trăng nơi đáy giếng, hay cũng có thể là cô vợ Nhật chuyển hóa tâm can vì Đức Hoàng nhớ cố hương.

Có thể nói ở giao lộ của sự xâm nhập mới - cũ, hiện đại - tàn dư, Trần Thùy Mai cho thấy một sự hòa trộn trong tâm thức những người phụ nữ, giữa hy sinh và sống đúng, giữa giữ vững gia đình và tiếng gào thét riêng. Có những nhân vật nặng suy nghĩ cũ là thế, nhưng cũng có Quỳnh chạy theo bạn gái bởi tiếng gọi nơi trái tim cô hay Trúc - cô con gái nuôi và em trai ruột.

Nhưng hy sinh cũng không đồng nghĩa với đáp đền. Một cách chủ quan mà nói, Trần Thùy Mai ít nhiều có một góc nhìn vô cùng u ám cho những số kiếp đầy tính lênh đênh này. Bao bọc hầu hết những truyện ngắn của bà đều là màu xám tang tóc đau thương, của những kỷ niệm chưa kịp rời đi, những cuộc tình chưa đến đã vội cắt ngang.

Đó có thể là hai bản thể tìm đến nhau trong sự thay đổi, diễn dịch, chuyển dời của Thị trấn hoa quỳ vàng, cũng có thể là người đàn bà mang Thập tự hoa như đương oằn mình hứng chịu sầu bi. Mặt khác, là Ni - người hy sinh bản thân đi bán linh hồn vì người mình yêu, là Tý - người nuôi Dũng ăn học để rồi chua chát nhận ra “có ai buôn nhân nghĩa mà trông có lời hay không?”.

“Đàn ông khởi đầu một cách điên cuồng rồi dịu đi trong hèn nhát, còn đàn bà càng lúc càng giam mình trong kỷ niệm, ngu dại và xót xa”. Đó là lý do vì sao những mặt sáng lấp lánh của những câu chuyện này đều thuộc về phụ nữ. Phụ nữ trong truyện của Trần Thùy Mai luôn giữ vững một tia hy vọng, không chịu khuất phục, luôn luôn đấu tranh. Đó có thể là người đàn bà ào mình vào cái ôm chặt của lão nhà văn nơi phủ vắng người mà chiếc giường không của riêng ai.

Đẹp đẽ hơn, là cái thủy chung, là cái nhân bản, cái toàn vẹn của Chiếc phao cứu sinh; là câu chuyện kể đầy vẻ bụi đời của trái mận chín dành cho mận xanh. Chua chát là thế, sầu đau muôn đời, nhưng trong vùng mây u ám, Trần Thùy Mai ít ra cũng vén ngang đời để rọi một tia nào đó mang bừng sáng về.

Nhưng, để nói bà u buồn, phiến diện, tự thích làm đau trong những truyện ngắn này liệu có đúng? Bởi ở một mặt khác, bản chất tình yêu nằm ở sự thống nhất và đối lập, trở thành quy luật của những đối kháng không thể tách rời. “Trong tình yêu hạnh phúc thật ngọt ngào, mà khổ đau cũng đầy thi vị. Chỉ có sự trống rỗng chán chường của kẻ không yêu mới thật sự là khủng khiếp”.

Những người đàn ông mang đầy phẫn uất trong tập truyện này hầu hết không phải là những người khước từ tình yêu ngay từ đầu sao? Cuối cùng thì tình yêu là thế, hấp dẫn người ta, đẩy con người ta đến một bờ vực không thể không bước, dù biết phía trước chỉ toàn vực sâu, không một bóng người, lởm chởm đá núi.

Với Thương nhớ hoàng lan, bằng ngòi bút thấu hiểu và đầy tinh tế, Trần Thùy Mai dẫn người đọc đến những hành trình chắp vá từ nhiều khoảng thời gian, thuộc nhiều đối tượng với nhiều mặt người. Nhân vật chính được Trần Thùy Mai chấp bút phần nhiều là phụ nữ, nhất là phụ nữ khát khao yêu đương cấm đoán. Họ làm nhiều ngành nghề, từ gái phường vẫy đến họa sĩ danh giá, từ kẻ ngu ngơ đến đàn bà ngũ tuần ôm mộng dở dang.

Sau tất cả những câu chuyện ngắn - dài, Trần Thùy Mai cho thấy những thân phận nhỏ bé, vật lộn, chìm nổi trong cảnh chim lồng cá chậu. Bên cạnh những tác phẩm từng làm nên tên tuổi như Trăng nơi đáy giếng, Thập tự hoa; Thương nhớ hoàng lan là tập truyện đặc sắc, nhưng cũng đồng thời chứa đựng nhiều sự lặp lại về mặt nội dung cùng những suy nghĩ ít nhiều đã cũ trong xã hội này. Thế nhưng, để lần tìm về cảm xúc, để được vỗ về khi những đôi cánh đã quá rã rời, Thương nhớ hoàng lan giống nhúm mùi hương tỏa mát những ngày đã qua. Cho phụ nữ. Cho tình yêu. Và cho chúng ta.

Thuận Phát

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI