Thương nhớ cây xanh

10/02/2015 - 19:04

PNO - PN - Hôm nay người ta chặt hàng xà cừ cổ thụ trước cơ quan, bạn chụp tấm ảnh những gốc cây bị đốn hạ ngổn ngang, ứa nhựa đỏ như chảy máu - để làm di vật thương nhớ hàng cây mà ngày nào bạn cũng quen thấy nó. Bạn bảo...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thuong nho cay xanh

Hàng cây xanh trên đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội)  trước khi bị đốn hạ - Nguồn ảnh: internet.

Tôi nhớ một buổi trưa mình đã bật khóc mà nước mắt chẳng chảy ra được, vì cảm giác đau đớn, xót ruột và bất lực… khi nhìn hàng cây trăm tuổi bị đốn như ngả rạ cuối đường Nguyễn Thái Học - Hà Nội. Tôi như thấy một người thân ra đi trước mắt mình, đầy oan ức.

Tôi nghĩ mình không muốn đi trên con phố Nguyễn Thái Học không còn bóng cây nữa, dù rằng phải vòng một con đường xa hơn. Những cửa hàng be bé nơi mặt phố, tiệm sửa xe nhỏ, gánh bánh khúc, bọn trẻ con tan lớp mẫu giáo nắm áo nhau sang đường, ngửa cổ ngắm khoảng trời lạ lẫm không vướng bận một mẩu xanh lá nào… Tất cả những khung cảnh ấy như thuộc về một con phố khác, rộng và xa lạ.

Thuong nho cay xanh

Màu xanh đang mất mát trên các đô thị lớn nhất nước. Ở Hà Nội, có hẳn một dự án 73 tỷ đồng để chặt hạ (xong sẽ thay thế) 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố.

Chặt cây xanh - hẳn là có lý do chính đáng, hẳn là điều tất nhiên phải làm. Ừ thì vì phát triển (cần không gian cho giao thông). Ừ thì vì an toàn “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau” (triệt tiêu những hiểm họa từ bao cây cổ thụ bị mọc cong, sâu ruỗng thân gốc). Nhưng có thật sự đó là phương án duy nhất và cuối cùng không?

Trong những cuộc họp bàn các đề án chặt và thay cây trị giá nhiều chục tỷ đồng, liệu có ai đó cố gắng nghĩ cách để cứu lại một gốc cây - như thể cứu một mạng người? Liệu có ai tuyệt đối không hăm hở nghĩ đến mối lợi của gỗ thịt xẻ ra bán hóa giá, trúng thầu chặt cây và trồng lại cây? Tôi cứ vân vi những điều tủn mủn ấy, trong nỗi hoang mang trách giận hết đỗi tầm thường của mình.

Xà cừ là cây hàng phố được trồng từ thời Pháp trên những trục phố chính, vì ưu điểm cây cao tán rộng xanh quanh năm. Bây giờ thì xà cừ bị kết tội là loài cây nguy hiểm (rễ chùm bám đất nông - nổi, gây hư hại cho các công trình ngầm và vỉa hè, dễ đổ gãy) nên nhất định phải thay bỏ. Chúng ta cứ thay đi, kiếm những cây rễ cọc cắm sâu cho chắc chắn đi.

Rồi quanh năm chúng ta đào bới nát bét lòng đường và vỉa hè (bao gồm cả phần hành lang an toàn của cây xanh). Rồi chúng ta chôn loại ống này xuống, móc loại ống kia lên. Rồi chúng ta đổ bê tông cho thật chặt chẽ, chỉ chừa lại một “ô thở” bé tí quanh gốc cây thôi. Rồi khi bọn cây của thời đại 2015 này đổ ngã, còi cọc hoặc không thích ứng, chúng ta lại tiếp tục khởi sự những đề án đi tìm cây xanh có “cơ địa” thực sự phù hợp với những thành phố bê tông ưa đào bới này. Đấy là tôi cứ lan man tưởng tượng thế…

Cây xanh không phải là lá phổi, mà là trái tim của thành phố. Mỗi gốc cây có khả năng khiến chúng ta sẽ vĩnh viễn thương nhớ như một người thân. Không phải chỉ là màu xanh an hòa chở che cho thành phố, mà vì bất cứ ai trong chúng ta cũng có một ký ức về cây. Như là ta đã nhặt lá cái cây ấy để làm những chong chóng gió quay tròn suốt tuổi thơ mình.

Như là cái gốc cây xù xì và thân thương giống dáng ông bà mỗi buổi chiều trước nhà. Như là hàng bao mùa hè đỏ lửa, ta đã đi học đi làm dưới bóng mát hào hiệp của rặng cây. Như là ta phải chia lìa bạn đồng hành im lặng và thủy chung cả trăm năm nay đã tận tụy song hành với đất và người thành phố này…

Mong sao bạn chẳng bất lực như tôi, chỉ biết tuần hành lòng tiếc thương của mình bằng cách đi đường vòng để tránh những góc phố ứa nhựa đỏ. Không biết những con phố thân thuộc của tôi tới bao giờ mới hết bơ vơ thương nhớ cây xanh…

QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI