Lập nghiệp nơi đô thị lớn, đất chật người đông, chung cư là giải pháp an cư khá phổ biến. Người mua hay thuê chung cư đa phần là gia đình trẻ hoặc những người độc thân thích phong cách sống tách biệt, muốn được tôn trọng tự do cá nhân. Tình thân với hàng xóm ở các chung cư cao cấp dường như là thứ yếu đến mức lắm khi người ta không biết chủ căn hộ đối diện tên gì.
Nhưng lạ thay, khi dịch COVID-19 ập đến, chính lúc giãn cách xã hội tưởng như đẩy người ta xa nhau, tránh giao tiếp gần, thì cư dân các chung cư cao cấp bỗng nhận ra sự chia sẻ, thông cảm và tinh thần tương trợ có thể kéo họ lại, bất chấp những cánh cửa luôn được đóng kín. Họ cũng nhận ra hàng xóm mình có nhiều người tử tế mà xưa giờ không biết. Hóa ra việc đóng hay mở những cánh cửa căn hộ, yêu cầu tôn trọng sự riêng tư không phải là lý do ngăn cản người ta trở thành hàng xóm tốt của nhau, nhất là trong những ngày giãn cách.
“Không được mở ra”
Những cánh cửa luôn đóng kín là hình ảnh phổ biến ở các chung cư cao cấp đến mức nhiều nơi lưu ý “cư dân không được mở cửa”. Đơn giản như một ống hút gió, nhà này mở cửa nấu nướng thì mùi thức ăn có thể xộc thẳng sang nhà đối diện, tràn khắp hành lang, có khi vô cả thang máy.
Nhà nào tập đàn mà mở cửa thì sẽ như cơn ác mộng không chỉ với nhà bên, hát karaoke thì dĩ nhiên khó mà mở cửa thoải mái dù chưa đến 9 giờ tối. Nhà nào có trẻ đùa giỡn rầm rầm ngoài hành lang, mở cửa cho con chạy xe đạp lòng vòng xong cua thẳng vô nhà, đảm bảo không đến lần thứ hai, kiểu gì ban quản lý cũng nghe phàn nàn, phải lên nhắc nhở ngay. Muốn tập thể thao thì xuống phòng gym, muốn tụ tập sinh nhật hay tổ chức tiệc tùng, xin mời xuống khu BBQ… Đã trên cao là chỉ sinh hoạt riêng, đã riêng thì phải đóng cửa, không để bất kỳ thứ gì ra ngoài, dù là một đôi dép trẻ con tí tẹo.
Trên group của chung cư tôi đang sống từng có trận khẩu chiến tưng bừng chỉ vì một anh chụp hình căn hộ để dép trước cửa, đăng lên rồi ghi “ở chung cư cao cấp mà phèn thế này”. Người ta coi chuyện đóng kín cửa là văn minh, tôn trọng người khác và cũng yêu cầu người khác tôn trọng cuộc sống riêng tư của mình.
Vì nhau
Rồi dịch ào đến. Năm ngoái, cư dân chung cư cao cấp cảnh giác kiểu khác. Phát hiện người kéo va-li vô sảnh là trong group liền cảnh báo xem khách căn hộ nào, đã khai báo y tế và đăng ký chưa… Người ta tự đặt camera ở cửa căn hộ mình để kiểm tra việc F1, F2 nhà đối diện có tuân thủ quy định tự cách ly không. Viễn cảnh bấm nút chung thang máy với F0 là phải đi cách ly khiến người ta sợ hãi và cẩn thận người lạ, lại thêm khẩu trang kín nên càng cố mà nhận diện hàng xóm, vì nếu có “kẻ gian” thì sẽ không an toàn cho chính bản thân.
|
Tình làng nghĩa xóm trong chung cư là có thật. Khi sẵn lòng chia sẻ thì dẫu giãn cách mà vẫn thân thiết với nhau, thậm chí vì giãn cách mà càng thân hơn - Ảnh: Sơn Vinh |
Thời biến thể Delta, mọi thứ quá nhanh, quá bất ngờ khiến nhiều người không kịp trở tay, dân chung cư còn khổ hơn. Nào là siêu thị dưới chân tòa nhà đột nhiên bị vét sạch thực phẩm, xếp hàng dài đến lượt mình thì tí gia vị cần thiết đã hết. Hiệu thuốc đầu đường bỗng khan hiếm Tylenol và Paracetamol. Rau củ đột nhiên tăng giá, ít hàng do vận chuyển hay do đạo đức của nhà cung cấp thì không rõ, chỉ biết là bỗng nhiên một tô xúp có nhiều hành trở nên xa xỉ, nhà nào có vỉ trứng trong tủ lạnh đầy ắp là minh chứng của bà nội trợ khéo léo, kiên nhẫn và biết xoay xở.
Cái khó ló cái khôn, các nhóm chợ online ở chung cư phát huy tác động bình ổn giá và kết nối cư dân. Khu nào trước đây đã có nhóm chợ thì nhanh chóng phát triển, chưa có thì rủ nhau kết bạn Zalo hay tập hợp nhóm Facebook, Viber. Có nơi lúc đầu chỉ là một nhóm mua, rồi đông lên, kéo luôn người bán vô nhập hội, thành cái chợ nhỏ. Ở đấy, có thể mua được tất cả những mặt hàng tưởng chừng khan hiếm, phải xếp hàng như thời bao cấp hay trở nên xa xỉ như bánh mì, mì tôm, thậm chí cả cua đồng còn sống, đậu phụ tươi có kèm cả mắm tôm. Từ chung cư, giao hàng ra ngoài và ngược lại, những người bán bên ngoài có thể giao hàng vào chung cư, cũng tiện vì một chuyến giao hàng đến ít nhất cũng cho 5 - 7 đơn hàng.
Cái được đằng sau chuyện giao dịch mua bán thành công là sau một hồi mua bán thì thành bạn, rồi có khi phát hiện ra khách hàng ở cùng tầng, có khi rất gần nhà nhau là khác. Ô, thế hóa ra chị cũng ở đây à. Rồi nhận hàng chung thì chia sẻ bớt được tiền ship, nhận giúp nhau nếu lỡ có việc gì kẹt chưa kịp xuống… Nhánh chuối ngon mang qua rồi lại có trái xoài chín đem về. Tầng chung cư nơi tôi ở, có đi vội cũng không sợ con mình lỡ bữa, công tác dài ngày lỡ có quên thì hàng xóm sẽ đóng giúp tiền điện, không lo bị cắt. Ở chung cư thì cần hiểu, có riêng tư mấy cũng nên bớt cái tôi, bớt cá nhân, vì rất nhiều không gian chung. Thân nhau, vì nhau cũng là vì chính mình.
Giãn cách, thân lại càng thân
Thời “tem phiếu” chia ngày đi siêu thị, lại đi mua giúp nhau thì hai ba nhà sẽ đỡ được một phiếu, thêm được một lần đi, đồ ăn sẽ tươi hơn, ngon hơn. Hôm nay chị đi, em ở nhà, cần gì chị mua giúp; ngày mốt chị ở nhà, em lại cho “quá giang”.
Khi thân hơn nữa, nhà này nhà kia chia nhau nồi chè, tô cháo, bó hành, trái chanh, vài nhánh cây chờ lên nụ. Thành viên cùng group chợ online thì rỉ tai nhau (bằng tin nhắn thôi) rằng cái món A của cô B kia đắt hơn của cô C, đừng dại mà mua. Chỗ này trên mạng bán online đáng tin cậy mình đã mua nhiều năm, rau củ thịt cá an toàn lắm… Nhà ai có tin vui hay có người mệt, cần giúp đỡ… đã là hàng xóm thì phải biết trước ban quản lý hay y tế địa phương. Nhà ai có người đi từ vùng dịch về mà không biết đến thông báo yêu cầu lấy mẫu test thì nhắc.
Căng hơn nữa, đến thời “chỉ thị 16+”, một số nhân viên quản lý, bảo vệ, nhân viên vệ sinh… phải “ba tại chỗ” ở tòa nhà, giao hàng hạn chế, dịch vụ bán đồ ăn giao đi được yêu cầu ngưng, có chung cư kia đặt một chiếc bàn lớn ngay sảnh, đến bữa, mỗi nhà tự giác nấu thêm một phần ăn, đóng gói cẩn thận, để lên bàn ấy, coi như mời một người thân lỡ bữa. Rồi cư dân chung cư cùng nhau gửi hỗ trợ qua nơi phong tỏa khác khó khăn hơn, thông tin và những nơi cần giúp cũng được chia sẻ kịp thời.
Những căn hộ đóng kín cửa, nghe tiếng chuông, nhìn qua mắt thần không thấy ai là biết hàng xóm đã đặt gói hàng lấy lên giúp hoặc những món quà thơm thảo kiểu hộp bánh mới làm còn nóng, bịch trái cây mới hái từ vườn còn rất tươi… Từ những giao tiếp lặng lẽ, không trực tiếp ấy, tình thân, niềm tin về sự tử tế cứ âm thầm lan tỏa.
Chị Hiền N., một cư dân chung cư trong “cụm Novaland sân bay”, người nhiều lần đứng ra kêu gọi hỗ trợ và được cư dân tín nhiệm, nói đơn giản: “Khi những thông tin bi quan tràn trên mạng, tiếng còi xe cấp cứu hú vang mỗi ngày, chúng tôi muốn trong tòa nhà, cùng hàng xóm làm những việc thật đơn giản, trong tầm tay, là hỗ trợ, động viên, chia sẻ với nhau. Tình làng nghĩa xóm trong chung cư là có thật. Khi sẵn lòng chia sẻ thì vẫn giãn cách đấy, vẫn đóng cửa đấy nhưng vẫn thân thiết với nhau, có sao đâu. Chính vì giãn cách mà càng thân hơn”.
Mô hình "chọn lọc để bảo tồn tinh thần làng xã tích cực trong chung cư cao cấp" có thể là chuyện rất vĩ mô. Không biết có nhà sử học hay xã hội học nào nghiên cứu để rồi sẽ nhân rộng hơn mô hình này sau thời 4.0 kèm COVID-19 ở các chung cư nhưng tôi nghĩ đó là chuyện cần và nên. Còn hiện tại, trong những ngày này, chắc chắn tình thân ở các chung cư được kết nối y như ở xóm làng thân thuộc gần gũi xưa sẽ giúp người ta vững tin, lạc quan hơn để vượt qua dịch bệnh. Những xóm ở trên cao ấy khiến Sài Gòn luôn ấm áp và là nơi đáng sống của các cư dân tử tế.
Lê Lan Anh