Thương nhau là đâu ở yên đó

31/03/2020 - 19:24

PNO - Những cuộc điện thoại, những hỏi thăm ân cần, những dặn dò hay nhắc nhở đều đặn. Đâu phải cứ chạy tới bên nhau mới là quan tâm hay yêu thương.

Vợ tôi vừa sinh con, đứa con đầu lòng của hai vợ chồng cũng là đứa cháu đầu của hai bên nội ngoại. 

Mẹ tôi khi biết con dâu sinh sớm hơn một tuần so với dự kiến đã nằng nặc lên thành phố để chăm con và cháu. Tôi phân tích lí giải một hồi thấy không ổn đành hù doạ: “Mẹ ra đường giờ là công an hốt ngay đó. Ở thành phố giờ không có lí do chính đáng là không có đi lại tự do đâu nha”. Đầu bên kia tôi thấy mẹ im lặng. Hẳn mẹ tần ngần. Cả một đời lam lũ, tần tảo, hy sinh cho chồng con mẹ đã mong ngóng giây phút này từ lâu.

Khi tôi gửi hình thằng nhỏ về cho ba mẹ thấy cháu, thằng út kể: “Cả ba và mẹ đều khóc như con trẻ vậy đó anh”. Ờ thế đi, cho an toàn, để ba mẹ đi lại trong lúc này đâu có được. Thương mình, thương người lúc này chính là ai ở đâu thì ở yên đó mà.

Mẹ vợ tôi cũng y vậy, khi biết con gái sinh mà không ai cho ra khỏi nhà, mẹ làm dữ lắm. Nhưng may thay ba vợ tôi hiểu chuyện, ông kiên quyết thuyết phục mẹ. Tôi biết vợ tôi có chút tủi thân khi vượt cạn không có mẹ ở cạnh. Tôi gắng động viên cô ấy. Khi mình an toàn, con sẽ an toàn. Hơn nữa ở bệnh viện đã có bác sĩ, y tá chăm sóc hàng ngày rồi. Họ vất vả biết bao nhiêu khi đang cùng cả nước gồng mình chống dịch. Vậy thì khi họ vì mình, mình cũng phải biết giữ gìn cho họ và cho chính mình nữa.

Hàng ngày tôi đều gửi ảnh, gọi điện về cho hai bên gia đình để ông bà nội ngoại đỡ mong ngóng cháu. Thêm vợ tôi trấn an mẹ rằng “chồng con chu đáo lắm, mẹ đừng lo” nên có vẻ hai mẹ cũng yên tâm hơn.

Thực ra vợ tôi nói vậy thôi, chứ lần đầu làm cha ngoài niềm hạnh phúc vô bờ, cái còn lại ở tôi là sự lóng ngóng, vụng về. Cái gì cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ. Bình sữa tráng tới lui vẫn nắn nót ngó nghiêng, chỉ sợ pha nhiều hay ít. Tã con thay tới lui tôi vẫn loay hoay. Ôm con trên tay chỉ sợ con rớt nên cứ khuỳnh khuỳnh tay để giữ khiến vợ phì cười.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Sang ngày thứ ba, vợ tôi được về nhà. May mắn biết bao khi về tôi có thêm sự hỗ trợ từ người hàng xóm thân thiết. Chừng như lo cho một ông bố vụng về, không có kinh nghiệm, nên mỗi ngày chị đều giúp tôi mua đồ, dọn dẹp, nấu nướng. Căn nhà của tôi được chị mua bồ kết, chanh xả về xông thơm lừng để khử khuẩn. 

Bạn bè thân thiết, hay anh em họ hàng lúc này cũng không ai tới lui. Mọi người thực hiện triệt để không tụ tập, theo đúng lời bác sĩ kêu gọi “Chúng tôi làm việc vì các bạn, các bạn ở nhà vì chúng tôi”. Nhưng dù vậy chúng tôi vẫn cảm nhận sự quan tâm, yêu thương từ những người thân thiết của gia đình. Những cuộc điện thoại, những hỏi thăm ân cần, những dặn dò hay nhắc nhở… ngày nào cũng đều đặn. Đâu phải cứ chạy tới bên nhau mới là quan tâm hay yêu thương.

Tự đáy lòng tôi lại thấy biết ơn, khi mọi người hưởng ứng ở yên một chỗ vì dịch bệnh, thì tôi lại có cơ hội học làm cha một cách triệt để, để hiểu thế nào là sự vất vả, khó nhọc mà vợ đã đeo mang. 

Đỗ Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI