Thương nhau, chữ hiếu viết tròn

11/04/2025 - 17:00

PNO - Trải qua hơn 40 năm, tiếng võng cứ kẽo cà kẽo kẹt trong tâm trí Khang mỗi khi nghĩ về ba…

Hồi mới 5 tuổi, anh Nguyễn Thọ Khang (Gò Dầu, Tây Ninh) đã mồ côi mẹ. Mẹ anh không may phát bệnh, đột ngột qua đời trong thai kỳ. Anh vẫn nhớ những đêm ba tấn mùng cho các con ngủ, rồi lặng lẽ ra hiên đưa võng, khóc một mình. Nằm im, ngóng theo dáng gầy gò của ba, cậu bé Khang chỉ chìm vào giấc ngủ khi tiếng võng đã ngừng.

Mà tiếng võng có ngừng đâu! Trải qua hơn 40 năm, nó cứ kẽo cà kẽo kẹt trong tâm trí Khang mỗi khi nghĩ về ba…

Từ "gà trống nuôi con" đến tổng quản không lương

Mẹ mất, gia đình anh Thọ Khang cũng thôi nghề làm bánh da lợn, bánh bò… bán ở chợ xã Hiệp Thạnh (Gò Dầu, Tây Ninh). Chiếc cối đá xay bột ngày ấy, khi gia đình về sống ở TPHCM, anh Khang mang theo đặt ở sân để ba ra vào nhìn thấy, đỡ nhớ mẹ, đỡ nhớ quê.

Trồng đậu, trồng mía, cạo mủ cao su, ba cắc củm nuôi 4 đứa con ăn học nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Có lúc, ba cùng các dì ra tận Phan Rang, Phan Rí để buôn bán 2 chiều giày dép - nông sản. Biết cảnh nhà mình, Khang đi cắt lúa, tỉa đậu mướn từ lớp Sáu. Anh lo làm, lo học với quyết tâm vượt qua số phận.

Gia đình doanh nhân Nguyễn Thọ Khang trong chuyến du lịch Đà Lạt - Ảnh do nhân vật cung cấp
Gia đình doanh nhân Nguyễn Thọ Khang trong chuyến du lịch Đà Lạt - Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo học ngành xuất nhập khẩu Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại (TPHCM), anh còn làm nhiều nghề phụ để kiếm tiền ăn học. 4g30 sáng, cậu sinh viên Thọ Khang đã thức dậy để chạy đi phát hành báo rồi đạp xe đến trường. Những vết chai sần trên bàn tay anh như kể tiếp những gian khó, nhọc nhằn thuở xưa…

Ra trường năm 2000, làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu trái cây, năm 2004, Thọ Khang lập gia đình. Năm 2005, anh thành lập Công ty TNHH Trâm Vàng (quận Tân Phú, TPHCM) chuyên sản xuất sản phẩm quảng cáo bằng nhựa 3D. Ngay khi công ty ra đời, ba Khang đã rời Tây Ninh theo Khang coi sóc công việc tại xưởng để anh yên tâm ra ngoài tìm đơn hàng. Chị Nguyễn Thị Thanh Sương - vợ anh - nghỉ việc bên ngoài để phụ giúp chồng mảng kế toán, thủ quỹ.

Anh Khang chia sẻ: “Đến giờ ngồi ngẫm lại, tôi cũng không hiểu vì sao ba có thể dễ dàng rời quê để làm “tổng quản” cho công ty tôi. Kiên nhẫn, tỉ mỉ, ba quán xuyến hoạt động của công ty, trông coi vật tư, dây chuyền sản xuất, quan tâm, đôn đốc công nhân làm việc… Ba giam mình suốt ngày giữa bốn bức tường xưởng sản xuất ròng rã mười mấy năm. Vợ chồng tôi chưa hề nghe ba than buồn chán hay nhớ quê, nhớ bạn. Ba chỉ biết các con cần mình. Vợ chồng tôi trụ vững được ở đất Sài Gòn bao năm qua là nhờ công rất lớn của ba”.

Chị Sương tiếp lời chồng: “Có lần tôi thử hỏi sao ba không đi bước nữa vì hồi mẹ mất, ba mới 40 tuổi, nghe đâu có nhiều cô thương. Ba chỉ trả lời: Biết người ta có thương con mình không?”.

Niềm vui của ba gắn với con cháu. Ba luôn là “hoa hậu thân thiện” trong các cuộc du lịch, dã ngoại của gia đình, công ty. Sự ngần ngại ban đầu của bạn bè anh Khang chị Sương nhanh chóng tan biến khi thấy “ông nội” luôn hòa đồng. Ở tuổi ngoài 80, ba hăm hở lên rừng xuống biển cùng con cháu, khi Đà Lạt, khi Phan Thiết, khi An Giang… Ba từ chối những phương tiện ưu tiên cho mình như xuồng hay xe điện. Ai hỏi “Lội bộ mệt không?”, ba cười tươi, nói: “Bình thường”.

Đồng vợ đồng chồng báo hiếu mẹ cha

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên trước ngôi nhà rộng rãi, có cả thang máy, chị Sương giải thích: “Vợ chồng tôi bàn nhau chọn nhà có thang máy để thuận tiện cho việc chăm ba mẹ già yếu”. Ánh mắt chị thoáng buồn khi nhắc chuyện năm 2018, mẹ ruột chị từ Bình Định vào TPHCM điều trị bệnh ung thư, anh chị chưa kịp dọn từ nhà cũ sang ngôi nhà khang trang này vì vướng dịch COVID-19 thì mẹ đã không còn đáp ứng thuốc rồi qua đời.

Ba anh Khang nay cũng nằm liệt vì tuổi cao sức yếu. Đã không còn những buổi sáng êm đềm khi anh chị nấu ăn, 3 đứa con tíu tít soạn tập đi học, ba bấm thang máy xuống tầng trệt dùng bữa sáng với cả nhà. Từ chỗ dìu đỡ ba ngồi trên ghế tại phòng ăn, rồi cũng đến lúc anh chị phải để ba nằm tại chỗ và đút từng muỗng.

Đưa tôi lên xem vườn rau đủ loại trên sân thượng, anh chị không quên ghé vào phòng thăm ba, cho ba uống nước, lau mặt, thay tã… Anh Khang đỡ nhẹ tay ba, săm soi vết rách da do anh lỡ gây ra khi bồng ba đi tắm, vệ sinh lúc chiều. Căn bệnh khiến da của ba mỏng manh, luôn ửng đỏ và có thể rạn rách, tứa máu sau những va chạm dù rất nhẹ. Vì thế, anh Khang phải điều hành công việc từ xa, luôn ở nhà túc trực bên ba chứ không dám thuê người chăm sóc, sợ người ta không cẩn thận được như mình. Lẽ khác vì anh biết quỹ thời gian của ba không còn nhiều khi bệnh tình chuyển nặng.

Những cơn đau khiến ba anh không còn thốt nổi nên lời, hơi thở cũng đã nặng nhọc, rã rời. Giọng nói hiền lành, hài hước ngày nào nay thay bằng những tiếng rên nhẹ và 2 dòng nước mắt chực trào. Dù những cuộc nói chuyện với ba giờ đã gần như độc thoại, anh Khang, chị Sương luôn mong khi chống chọi với bệnh tật, ba vẫn nghe được âm thanh của cuộc sống và cảm nhận được tình thương, lòng quý trọng của con cháu dành cho mình.

Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thọ Khang - Nguyễn Thị Thanh Sương thu hoạch rau củ tại vườn rau sạch trên sân thượng
Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thọ Khang - Nguyễn Thị Thanh Sương thu hoạch rau củ tại vườn rau sạch trên sân thượng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sự đồng vợ đồng chồng đã nhân đôi sức mạnh cho anh chị gánh vác gia đình vượt qua những thử thách trong sự nghiệp kinh doanh, nhất là sau đại dịch COVID-19. Chị Sương trầm giọng kể: “Khi đưa mẹ về Bình Định trong tâm thế đón nhận cái vô thường có thể ập đến bất cứ lúc nào, tôi nói với chồng sẽ về chăm mẹ “không thời hạn”. Vác túi đồ to ra tiễn, anh Khang xoa vai vợ, nói: “Em yên tâm chăm sóc mẹ. Anh sẽ lo cho ba, lo cho các con và việc công ty”. Anh động viên vợ tận hưởng những ngày tháng thiêng liêng còn mẹ. Và mẹ đã vĩnh viễn xa chị sau 1 tháng chị rời xa chồng con, về quê viết tròn chữ hiếu.

“Vợ chồng tôi cùng nhau lo, không phân biệt bên vợ/bên chồng. Vợ cũng chia sẻ cho tôi nhiều lắm, đã quan tâm, chăm sóc ba tôi không thua ba ruột. Lần nào tôi đưa tiền cho ba bỏ túi mỗi khi về quê hay gửi tiền cho người nhà làm đám giỗ, vợ đều bảo gửi thêm. Vợ chồng thủy chung, gắn bó là do mỗi người sống đúng cái tâm với nhau, chứ bề ngoài đâu có ý nghĩa gì” - doanh nhân Thọ Khang vuốt tóc vợ, chia sẻ.

Khi đang viết những dòng cuối của bản thảo này, tôi nhận được tin dữ: ba anh Khang vừa trút hơi thở sau cùng. “Dù cố gắng hết sức nhưng ba đã không qua khỏi” - anh Khang nhắn vội trước khi anh chị cùng đưa ba về an nghỉ nơi chôn nhau cắt rốn. Trong bàng hoàng, xót xa, tôi mường tượng trước mắt hình ảnh đôi vợ chồng doanh nhân choàng tay gượng đỡ nhau trên chuyến xe về quê nhà…

Tô Diệu Hiền

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 0966182727

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI