Thương nhân Trung Quốc làm loạn giá hồ tiêu

09/08/2017 - 11:00

PNO - Theo Hiệp hội hồ tiêu VN (VPA), bằng một số chiêu thức, nhóm doanh nghiệp Trung Quốc (DN TQ) đang khiến giá hồ tiêu Việt Nam (VN) biến động bất thường để kiếm lợi.

VPA cho biết, theo phản ánh của một số DN hội viên, có một nhóm DN TQ đang điều khiển thị trường hồ tiêu của VN. Chiêu thức mà những DN TQ tiến hành là đặt mua hồ tiêu với bất cứ mức giá nào của DN VN và yêu cầu ký kết luôn hợp đồng mua bán. Đặc biệt, các thương nhân TQ ký kết hợp đồng cùng lúc với nhiều công ty xuất khẩu, nhằm tạo tín hiệu giả là thị trường đang cầu số lượng lớn. 

Thuong nhan Trung Quoc lam loan  gia ho tieu
Nông dân lao đao vì giá hồ tiêu liên tục giảm - ảnh: internet


Sau khi ký kết hợp đồng, họ thuê khách sạn ở gần trụ sở của công ty xuất khẩu và ngày nào cũng tới các công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng. Theo hợp đồng, thường ba ngày sau khi ký kết, bên mua sẽ phải chuyển tiền đặt cọc nhưng hầu hết các DN TQ đều không chuyển trong thời hạn với lý do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ… và luôn khẳng định là sẽ mua hàng. 

Trong thời gian trì hoãn đó, vì biết các DNVN sẽ phải gấp rút mua gom hồ tiêu từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký với họ nên cũng chính nhóm DN TQ cho người tỏa đi các địa phương trồng tiêu giao dịch, hứa hẹn sẽ bán hồ tiêu cho đại lý thu mua có giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý này thấy lời tốt nên sẽ đồng ý mua ngay để bán lại cho các DN xuất khẩu.

Tuy nhiên, DN TQ chỉ bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn (có thể trong một vài giờ), sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thu mua theo giá cao. Vì áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với DN xuất khẩu và DN xuất khẩu với DN TQ, các đại lý sẽ thu mua hồ tiêu của DNTQ với giá tăng nóng do chính các DN TQ đặt ra.

Lúc này, các DN TQ tranh thủ kiếm lợi nhuận chênh lệch khiến giá hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên có những ngày lên xuống rất bất thường. Buổi sáng giá 80.000đ/kg, trưa tăng lên 86.000đ/kg nhưng đầu giờ chiều lại đột ngột giảm xuống 82.000đ/kg… Song khi các nhà xuất khẩu hồ tiêu VN gom đủ hàng và liên hệ lại với các nhà nhập khẩu TQ thì không thể liên lạc được. 

VPA cảnh báo, DN TQ đang thu được những khoản lợi nhuận lớn từ hình thức làm giá không theo quy luật thị trường này và người thiệt hại chính là nông dân và ngành hồ tiêu VN.

Theo VPA, do tưởng là ký được hợp đồng “béo bở” với phía TQ với giá cao, nhiều DN xuất khẩu đã không xuất khẩu đi các thị trường khác. Khi vỡ lở ra, nhà xuất khẩu vừa thiệt hại về doanh số, vừa mất thị trường. Việc làm của DN TQ cũng gây lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các đơn vị kinh doanh hồ tiêu không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch ở các thị trường khác.

VPA cũng cảnh báo, DN TQ đang thu được những khoản lợi nhuận lớn từ hình thức làm giá không theo quy luật thị trường này và người thiệt hại chính là nông dân và ngành hồ tiêu VN.

Chiêu thức của thương nhân TQ không mới, từng được sử dụng từ hai năm trước, thời điểm đó Công an tỉnh Đăk Lăk phải ra công văn cho công an các huyện, thị xã đề nghị phát hiện kịp thời những thủ đoạn này của thương nhân TQ để ngăn chặn. Chiêu thức mà họ sử dụng lúc đó là thương nhân TQ đến nhiều địa phương mua gom hồ tiêu, mua các các loại hồ tiêu phẩm cấp thấp (tiêu lép, tiêu lẫn tạp chất…) từ các hộ trồng với số lượng lớn, giá cao, tạo ra đợt khan hiếm nguồn hàng trên thị trường.

Khi nguồn hàng trong dân cạn dần, các đầu mối không có hàng giao cho thương nhân TQ, chính họ lại lén lút bán ngược trở lại các sản phẩm đã mua gom trước đó với giá cao thông qua các thương lái người Việt. Rất nhiều đại lý, doanh nghiệp đã vỡ nợ, phá sản vì lỡ ôm hàng trăm tấn tiêu chất lượng thấp với giá cao ngất ngưởng.
Với chiêu thức tương tự, thương nhân TQ đã kiếm lợi từ hàng chục mặt hàng khác như cau non, ốc bươu, đỉa, lá điều… 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI