Thương nhân TPHCM mang yêu thương đến với bao người khó

30/09/2024 - 06:37

PNO - Ngày 27/9, Hội LHPN TPHCM tổ chức Ngày hội Thương nhân TPHCM làm công tác xã hội từ thiện lần 7 - năm 2024 với nhiều hoạt động an sinh hướng đến phụ nữ, trẻ em, người già neo đơn…

Sân khấu đặc biệt của cô gái khuyết tật

Ngồi phía cuối hội trường, bà Lê Thị Tuyết - 67 tuổi, phường 14, quận 8, TPHCM - bối rối khi thấy đứa con gái 24 tuổi của mình nước mắt vắn dài. Khách mời lần lượt rời khỏi hội trường khi các hoạt động trong ngày hội kết thúc, nhưng Nguyễn Thanh Phương - con gái bà Tuyết - nhất định ngồi “ăn vạ”. Mọi người hỏi, Phương tấm tức: “Con muốn hát 1 bài mà không ai cho con hát”.

“Không hát ở đây được!” - bà Tuyết giải thích. Rồi bà chìa gói quà với đủ loại bánh trên tay cho Phương để dụ con về. Nhưng cũng đành bất lực. Đã gần 11g trưa và còn 1 điểm phải đến, nhưng trước tình cảnh ấy, mọi người đành dừng bước và mời Phương lên sân khấu hát 1 bài. “Con hát bài Chim trắng mồ côi. Các cô cho con chút xíu nhạc được không?” - Phương yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trao quà cho học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng - ẢNH: THU LÊ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - trao quà cho học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng - ẢNH: THU LÊ

Một người đã nhanh trí bật điện thoại kết nối với chiếc loa đặt ở góc hội trường. Giai điệu bài bát vang lên. Nhiều cán bộ hội đứng với Phương trên sân khấu vỗ tay ủng hộ. Phương tự tin cất giọng, đưa tay ra phía trước để diễn tả cảm xúc của mình.

Bà Tuyết bật khóc, vì cảm thấy con mình đang làm phiền người khác, đồng thời cảm nhận được tình yêu thương mọi người dành cho con gái mình. Dưới hội trường, những người còn nán lại cũng hướng mắt về “nhân vật chính” và vỗ tay động viên cô gái lần đầu được đứng trên sân khấu.

Bài hát vừa dứt, Phương quệt nước mắt bước xuống sân khấu. Như đã thỏa mãn, cô gái nắm lấy tay bà Tuyết, tủm tỉm cười. Rồi cô quay lại nói với mọi người: “Con không cần quà. Chỉ cần mọi người nghe con hát!”. Bà Tuyết rối rít xin lỗi mọi người. Do hoàn cảnh khó khăn nên 40 tuổi bà Tuyết mới lập gia đình, 42 tuổi bà sinh đứa con đầu lòng là Phương. Nhưng không may, Phương bị bệnh Down, 24 tuổi vẫn hồn nhiên như đứa trẻ. Việc chăm sóc đứa con bệnh tật khiến cuộc sống của bà càng thêm chật vật.

Phương là một trong số 117 trẻ em, phụ nữ yếu thế được Cụm thi đua 2 Hội LHPN TPHCM (gồm các quận 4, 6, 8, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận) chăm lo trong Ngày hội Thương nhân TPHCM làm công tác xã hội từ thiện.

Sau chương trình, các thương nhân và Cụm thi đua 2 đã đến thăm Trường chuyên biệt Hy Vọng để động viên học sinh và giáo viên của trường. Ngôi trường dạy trẻ câm điếc có tuổi đời hơn 30 năm như một ngôi nhà nằm nép mình trong hẻm. Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, trường hiện có 41 học sinh, 6 lớp và 8 giáo viên.

Với diện tích chưa đầy 200m2, cơ sở vật chất của trường hiện chưa đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của các em. Thế nhưng, vượt lên những khó khăn đó, các thầy cô giáo đã hết lòng yêu thương, dạy dỗ các em. Nhờ đó, các em được tiếp nhận kiến thức tốt và giao tiếp, hòa nhập tốt với cộng đồng. Hoàng Thanh Phát - 14 tuổi, học sinh lớp 3A - vui vẻ “thả tim” khi thấy khách đến thăm trường. Cầm túi quà trên tay, Phát dùng ngôn ngữ ký hiệu để nói với khách: “Túi quà to quá, nặng quá, chúng con rất vui!”.

Bà Trần Thị Nhung - thương nhân, bếp trưởng bếp ăn Thiện Tâm, quận 11, TPHCM - nhiều lần rơi nước mắt. Bà chia sẻ, những năm qua, dù tham gia nhiều hoạt động cùng thương nhân, nhưng lần này bà thực sự xúc động. Thương những đứa trẻ không may phải mang những khiếm khuyết, nhưng bà mừng vì thấy các thầy cô giáo đã yêu thương, dạy dỗ các con với tấm lòng của những người cha, người mẹ. “Sẽ có nhiều lần nữa chúng tôi đến trường thăm các em. Đây là những trường hợp cần được chia sẻ cả về vật chất lẫn tình cảm” - bà Nhung khẳng định.

Mong muốn được cho đi

Ghé thăm nhà dưỡng lão Thanh Tâm (thuộc tu viện Dòng Chúa cứu thế tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM) chị Trương Ngọc Yến - thương nhân chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3, TPHCM) - còn chuẩn bị riêng một xấp phong bao lì xì để tặng thêm cho các cụ tại đây. Nhận túi quà và tiền mặt, các cụ tại nhà dưỡng lão rất mừng. Bà Dương Thị Liên (77 tuổi) cho biết: “Tôi hết thuốc nhỏ mắt mấy ngày nay. May quá, hôm nay có các cô đến thăm…”.

Trước đây, bà Liên ở quận 4, có 2 người con đi làm ăn xa nhưng hoàn cảnh đều khó khăn. Thấy bà già yếu một mình nên người quen đã giới thiệu với các vị linh mục, xin cho bà vào ở nhà dưỡng lão. Ở đây đã gần 9 năm, bà Liên cảm nhận được cuộc sống bình yên, vui vẻ tuổi già. Mỗi sáng thức dậy, bà cùng những người bạn già tập thể dục, nghỉ ngơi, ăn uống.

Cùng với bà Liên, nhà dưỡng lão Thanh Tâm hiện đang cưu mang hơn 20 người già yếu, neo đơn… Ở đây, các cụ được chăm lo, đảm bảo chỗ ăn, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe… Nghe các cụ chia sẻ, chị Yến xúc động, cho biết: “Chỉ cần những món quà đến được đúng người, đúng đối tượng cần được chăm lo thì thương nhân chúng tôi luôn sẵn lòng cho đi. Tôi mong ngày hội được tổ chức thường xuyên hơn và thương nhân chúng tôi có cơ hội được góp sức cùng nhau thực hiện thêm nhiều hoạt động ý nghĩa”.

Chị Yến đã có hơn 20 năm kinh doanh tại chợ. Việc kinh doanh hiện gặp nhiều khó khăn, nhưng hễ hội phụ nữ phát động các chương trình gắn với an sinh xã hội là chị Yến tham gia tích cực. Đến huyện Cần Giờ lần này, ngoài phần đóng góp chung, mỗi nơi chị Yến đều góp thêm tiền túi vào các phong bao tặng cho các cụ và các em nhỏ.

Các nữ thương nhân tặng quà cho các cụ già tại nhà dưỡng lão Thanh Tâm (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) - ẢNH: TRANG NGUYỄN
Các nữ thương nhân tặng quà cho các cụ già tại nhà dưỡng lão Thanh Tâm (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) - ẢNH: TRANG NGUYỄN

Ngày hội tại huyện Cần Giờ được Cụm thi đua 1 (gồm TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình) tổ chức với chuỗi hoạt động: dâng hương tại đền thờ anh hùng liệt sĩ Rừng Sác, phát động và hưởng ứng Ngày hội Thương nhân thành phố làm công tác xã hội từ thiện, tặng quà cho 22 cụ già neo đơn tại nhà dưỡng lão Thanh Tâm, 56 trẻ em khuyết tật tại Trường chuyên biệt Cần Thạnh, tặng 10 phần quà, hỗ trợ tiền mặt mua phương tiện sinh kế cho 4 phụ nữ khó khăn…

Nhận 2 triệu đồng để mua phương tiện sinh kế, bà Nguyễn Thị Dớ vui mừng cho biết sẽ mua chiếc xe đẩy bán cơm. Bà Dớ là phụ nữ đơn thân sống trong căn nhà tạm trên đất của người quen. Hằng ngày, bà bán cơm ở gần bến xe buýt Đồng Hòa, nhưng do không có vốn, thiếu phương tiện nên việc buôn bán cũng chẳng được là bao.

Tương tự, bà Ngô Thị Mọi cũng là phụ nữ đơn thân. Bà Mọi nuôi 1 đứa con nuôi, đang học lớp Mười một. Không nhà cửa nên bà Mọi xin dựng chòi ở tạm trên đất của người khác. Hằng ngày bà đi thả lưới cặp mé sông kiếm vài chục ngàn đồng. Với số tiền được hỗ trợ từ ngày hội, bà Mọi lên kế hoạch tích góp thêm để mua chiếc xe máy chạy xe ôm.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - chia sẻ: “Hoạt động kinh doanh, buôn bán ở chợ truyền thống hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng san sẻ, yêu thương, các nữ thương nhân đã chung tay, đóng góp với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để cùng chăm lo cho những hoàn cảnh phụ nữ, trẻ em, người già neo đơn, khó khăn. Mỗi hoạt động nhỏ của các chị hôm nay có thể tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của những người cần giúp đỡ”.

Ngày hội Thương nhân TPHCM làm công tác xã hội từ thiện năm nay được tổ chức tại 4 điểm cụm thi đua gồm quận 8, Gò Vấp, Củ Chi và Cần Giờ. Các cấp hội cùng với thương nhân các chợ truyền thống đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại nhiều địa phương như về nguồn, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em, người già khó khăn, neo đơn, người yếu thế, trao tặng công trình xanh, ra mắt nhóm kết nối giao thương…


Thu Lê - Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI