Thương người xa quê

21/01/2022 - 10:30

PNO - Trải qua nhiều gian khó họ mới gầy dựng được số phòng cho thuê. Nhưng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người tha phương, họ luôn sẵn lòng sẻ chia, hỗ trợ.

Có cô Năm chúng tôi mới gượng qua được mùa dịch

Chiều 19/1, bà Nguyễn Thị Sơn, ở khu phố 8, P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM), lặng lẽ bỏ mứt vào hộp. Dưới bếp, những hũ củ kiệu, củ cải ngâm chua ngọt cũng đã sẵn sàng trên kệ. Bà nói như phân bua: “Tính nấu bữa tất niên cho khu trọ nhưng chưa biết sao, vì dịch căng thẳng quá. Tôi tranh thủ làm vài món biếu các cháu và bà con lối xóm ăn cho vui”. 

Chuẩn bị xong mấy hộp mứt, bà Sơn xách túi bánh, sữa và cuốn báo Xuân Phụ Nữ qua thăm chị Nguyễn Thị Hồng, người ở trọ, đang chiến đấu với bệnh tật, cuộc sống khó khăn. 

12 năm trước, chị Hồng được chẩn đoán mắc ung thư vú, phải hóa trị và phẫu thuật. Gần đây, chị lại bị tiểu đường, thiếu máu não, thành ra rất yếu, tê bì tay chân, đi lại khó khăn. Thời khỏe, chị làm công nhân may, từ ngày lâm bạo bệnh chỉ quanh quẩn ở nhà nhận sửa quần áo. Chồng chị là tài xế chở hàng. Con gái đã học xong ngành quản trị nhà hàng khách sạn, nhưng vì dịch bệnh nên chưa thể xin được việc làm.

Suốt từ mùa hè năm ngoái, hễ có người đến làm từ thiện là bà Sơn nghĩ ngay tới gia đình chị Hồng. Chị Hồng nói: “May có cô Năm (tên gọi thân mật của bà Sơn) chúng tôi mới gắng gượng được qua mùa dịch. Cô giúp nhà tôi quá nhiều, không biết báo đáp làm sao. Gạo, mắm hằng tháng, thẻ bảo hiểm y tế để tôi đi khám chữa bệnh, cô hỗ trợ hết. Hai đứa con tôi đến lớp, cô cũng lo học bổng, tập sách”. 

Bà Sơn (phải) thường xuyên mua bánh, sữa tiếp sức chị Hồng - người ở trọ đang bị bạo bệnh
Bà Sơn (phải) thường xuyên mua bánh, sữa tiếp sức chị Hồng - người ở trọ đang bị bạo bệnh

Cách đó mấy dãy nhà, vợ chồng chị Đặng Hồng Nghi (35 tuổi) và anh Nguyễn Văn Lên (39 tuổi) đang tất bật hoàn tất đơn hàng cuối cùng để kịp về Cà Mau sum vầy ngày tết. Trước đây, anh chị đều làm công nhân. Về sau, bà Sơn giới thiệu Hội LHPN Q.Tân Bình tặng máy may và cho họ vay vốn để lập tổ may gia công quần áo thời trang như hiện tại.

Bình thường, ngoài hai vợ chồng còn có năm thợ, tất cả đều là phụ nữ. Mấy tháng nay, nguồn hàng ít nên chị em tạm ngưng việc. Chị Nghi tâm sự: “Hai con trai tôi còn nhỏ. Những năm trước làm công nhân, thu nhập bấp bênh, lại không có thời gian chăm sóc con. May có cô Năm giúp, chúng tôi thuê nhà nguyên căn mở tổ hợp may, kinh tế khá dần lên. Chị em làm cho tôi cũng vậy, thu nhập hằng tháng của mọi người dao động từ 4 - 7 triệu đồng”. 

Chị Hồng, chị Nghi là hai trong số 34 thành viên của hai tổ phụ nữ tạm cư mà bà Sơn góp sức gầy dựng. Các tổ này tập hợp chị em từ các tỉnh xa tới TP.HCM lập nghiệp, nhưng gặp khó khăn về việc làm, kinh tế, được Chi hội Phụ nữ khu phố 8, nơi bà Sơn làm chi hội trưởng, giới thiệu vay vốn để làm ăn, giúp đỡ nhau khi đau ốm. Ngoài tổ nghề may của chị Nghi, bà Sơn còn “chủ xị” tổ dịch vụ nấu ăn, cao điểm có tới 10 người cùng làm. Tổ này nhận nấu đám tiệc, không chỉ ở TP.HCM mà còn về các tỉnh miền Tây. Nhờ bà Sơn tháo vát, nấu ăn ngon, luôn tận tình chỉ bảo mà nhiều chị em nay có thể đứng bếp chính. 

61 tuổi, từng nhiễm COVID-19, kéo theo di chứng hụt hơi, mệt mỏi, nhưng bà Sơn vẫn quyết không ngơi nghỉ việc Hội và giúp đỡ chị em tha phương. Hiện bà có sáu phòng trọ, mỗi phòng rộng từ 18 - 21m2, giá cho thuê là 2 triệu đồng/phòng/tháng. COVID-19 bùng phát, bà Sơn giảm 500.000 đồng/phòng trong ba tháng. Là người có uy tín, được bà con khu phố thương quý, nên khi bà lên tiếng vận động miễn, giảm tiền trọ để chia sẻ khó khăn với người thuê trọ, nhiều nữ chủ nhà trọ đã đồng lòng. Trong mấy tháng chống dịch, khu phố 8 đã có 51 phòng trọ miễn tiền thuê, 1.509 phòng giảm giá thuê, tổng số tiền miễn giảm lên đến hơn 500 triệu đồng. 

Góp xuân ấm cho mọi nhà

Mỏi mệt do di chứng hậu COVID-19 nhưng bà chủ trọ Nguyễn Thị Tuyết Hồng, 54 tuổi, ở P.10, Q.6 (TP.HCM), vẫn cố gắng ngồi gói từng túi quà tết dành tặng anh chị em trong khu trọ của mình. Từng túi quà có đủ bánh, mứt, nước ngọt, gạo, các loại gia vị, phong bao lì xì. Bà nói, từ hồi bị COVID-19, không chỉ sức khỏe mà trí nhớ cũng giảm sút nhiều, thành ra phải chuẩn bị mọi thứ từ sớm để “phút cuối” lỡ có thiếu gì thì còn chạy kịp.

“Phút cuối” của bà là tiệc tất niên dự kiến tổ chức vào ngày cuối Chạp. Bữa đó, bà chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, trong khu trọ mỗi người góp một tay nấu nướng, sắp xếp rồi ăn uống quây quần bên nhau.

Từ năm 2010, khi có 30 phòng trọ, tới nay chưa tết nào bà Hồng bỏ qua bữa cơm tất niên, bởi bà nghĩ quanh năm nhọc nhằn, đây là dịp anh chị em cùng ngồi lại uống ly nước, ăn bữa cơm trước khi chia tay về quê. “Năm nay các bạn ở lại nhiều hơn nên tôi nhủ lòng càng phải chu đáo. Quà, bàn ghế đều đã sẵn sàng rồi. Hy vọng năm mới an lành cho tất cả”, bà Hồng thổ lộ. 

Suốt hai năm dịch bệnh hoành hành, với mong mỏi góp sức động viên người thuê trọ an tâm ở lại thành phố làm việc, bà Hồng đã chủ động giảm tiền phòng 500.000 đồng/phòng/tháng. Tổng số tiền mà bà giảm cho mọi người lên tới hơn 360 triệu đồng. Có những phòng xin khất đến nửa năm bà vẫn vui vẻ. Bà cũng thường mua gạo, nước tương, nước mắm biếu người ở trọ. 

Bà Điệp (phải) lì xì cho người dân trong khu trọ
Bà Điệp (phải) lì xì cho người dân trong khu trọ

Tương tự bà Hồng, mới 19 tháng Chạp, bà chủ trọ Đặng Thị Ngọc Điệp, 63 tuổi, khu phố 7, P.Hiệp Thành, Q.12 (TP.HCM), đã lì xì cho mọi người. Chị Nguyễn Thị Thu Phượng, quê An Giang, gãi đầu: “Năm nay khó quá mà cô cũng cho tụi con”. Bà Điệp trả lời: “Bởi khó nên càng thương tụi bây hơn chớ sao”. 

Những năm trước, bà chọn cách tặng quà cho từng phòng. Gần đây, bà chọn cách lì xì, xem như góp phần vào tấm vé tàu xe để mọi người về quê đón tết. 

TP.HCM hiện có 159 câu lạc bộ, tổ, nhóm nữ chủ nhà trọ với 3.943 thành viên và 121 câu lạc bộ, tổ, nhóm nữ công nhân nhà trọ với 2.446 thành viên. Hội LHPN các cấp đã vận động, xây dựng 106 chi tổ Hội Phụ nữ công nhân, lao động với 3.072 hội viên. 

Để thu hút nhóm nữ công nhân, lao động nhà trọ và nữ chủ nhà trọ, Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, gần gũi với chị em như chương trình “Đồng hành cùng nữ công nhân”, “Vui tết xóm trọ”, duy trì việc tiếp xúc, đối thoại với nữ công nhân lao động khu vực nhà trọ… 

Trong năm qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gần 3.300 thành viên các câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố đã giảm giá thuê trên 25.545 phòng trọ với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chị còn hỗ trợ nhu yếu phẩm, nấu các suất ăn miễn phí, chăm lo cho nữ công nhân, lao động nhập cư đang thuê trọ… 

Tinh Châu

 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI