|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Chuyện cũng là bình thường thôi nếu “cô Tâm” không phải là người phụ nữ con tôi gọi bằng cô nhưng danh xưng đúng chuẩn ngữ nghĩa và hình thức là mẹ kế. Xem quà để con tặng cho vợ mới của chồng cũ mình kể ra cũng hơi buồn cười. Một người phụ nữ khác được chấp nhận trong gia đình của chồng cũ mình xem ra có vẻ chẳng mấy liên quan đến cuộc sống của người nay đã là vợ cũ.
Tuy nhiên, họ có được sự yêu mến hay chăm sóc của các con chồng, thì một phần quan trọng không nhỏ từ thái độ của vợ cũ, vốn vẫn là mẹ chúng. Với một người luôn coi con mình là nhất như tôi, suy cho cùng, việc chăm sóc hay nhắc các con đối xử tử tế nhất có thể với mẹ kế chính là cách dạy con, bảo vệ con khỏi những cảm xúc tiêu cực không đáng có, tránh luôn những cảnh dở khóc dở cười muôn năm cũ giữa dì ghẻ - con chồng.
Không nói xấu chồng cũ và người mới với các con
Tôi nhớ thời gian đầu khi người phụ nữ ấy bước vào gia đình bên nội của bọn trẻ sau cuộc ly hôn của chúng tôi kha khá lâu, người đi thăm dò, gom góp các thông tin về cô, inbox cho tôi mô tả abcd... toàn là bạn chung và người quen của tôi và bố bọn trẻ.
Câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được là: “Biết cô đó không?”. Câu trả lời xuất hiện lập tức trong đầu tôi là: “Biết thì sao mà không biết thì sao?”...
Vì thật tình, với một phụ nữ ly hôn, nuôi con một mình, bắt đầu tự do và cũng độc thân lần nữa ở tuổi “không nhanh lên thì có tỉ việc rất cần sợ không làm kịp…”, thời gian luôn là thứ thiếu nhất, làm gì có thì giờ để quan tâm đến chuyện chồng cũ của mình đang quen biết, yêu hay ghét ai. Người tôi luôn dành thời gian để bù đắp, yêu thương, luôn thấy cảm giác ấm áp khi được chăm sóc là các con và bản thân.
“Hy vọng cô ấy có thể là một nửa đúng của bố con” là một câu nói thật tâm mà những người vợ cũ nên nói với con mình, ít ra là đúng với bản thân tôi. “Cô ấy” là một người lạ, mà dù có quen đi nữa, việc nói xấu, kể lể những chuyện không hay không đẹp về người khác cho các con nghe đâu mang lại lợi lộc gì cho bạn hay các con.
Ngoài chuyện mất thời gian, kể xấu người khác luôn cho người nghe thấy cảm xúc tiêu cực và ganh ghét từ người nói. Bạn có muốn thể hiện sự xấu xí, kém cỏi, thiếu tự tin trước các con vì một phụ nữ khác? “Nói xấu một người, đầu tiên là mất thời gian, thứ hai là mình cũng đâu tốt lên” - tôi thường dạy con mình như vậy nên việc ứng xử với người mới của chồng cũ cũng tuân theo nguyên tắc này.
Ngoài ra, khi nghe mẹ nói xấu người bố mình đang yêu thương, có thể các con sẽ hiểu mẹ chúng đang muốn ngăn cản họ đến với nhau trong khi mẹ hoàn toàn không muốn quay trở lại. “Mẹ con thật vô lý, chăm bố thì không chăm, người khác chăm thì lại thấy khó chịu” - tôi từng nghe nhiều đứa con của các cặp đôi ly hôn phàn nàn về mẹ mình như vậy.
Có thể nhiều người không đồng tình và nghĩ rằng chẳng qua là không còn yêu nên chẳng còn ghen, nên không quan tâm nữa chứ nếu còn yêu, còn muốn giữ chồng cũ lại chả lồng lộn lên tìm mọi cách có thể chia rẽ họ... Vâng, nếu còn yêu thương và muốn quay về thì việc người mới xuất hiện là lời nhắc nhở rất ý nghĩa. Nhưng nếu ly hôn đã là quyết định sau một thời gian dài suy nghĩ và cân nhắc thì việc quan tâm đến người mới là chuyện hoàn toàn phí phạm thời gian của bản thân.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng việc không nói xấu mẹ kế/dì ghẻ/tập hai với các con là một trong những cách giáo dục con. Sự tử tế và trân trọng một người lạ, dù người ấy là ai đi nữa, sẽ là cách ứng xử làm gương cho các con.
Khuyến khích các con gần gũi, cho người mới có cơ hội chăm sóc
Trong các ngày nghỉ, tôi thường khuyến khích các con qua thăm bố chúng và “cô Tâm” - cách gọi các con tự chọn và được người lớn chấp nhận. Khi không thể gặp, các con có thể gửi quà vào các dịp lễ. Hoặc là 2 món quà cho riêng bố và cô, hoặc là một món quà để cả hai có thể dùng chung. Bọn trẻ có thể vui vẻ sang nhà nội ăn trưa, ăn tối, trò chuyện với các thành viên bên ấy mà không ngại mẹ chạnh lòng hay khó chịu. Chúng biết mẹ và bố đều rõ ràng, rạch ròi, cởi mở trong các mối quan hệ mới và cũ.
Các con tôi cũng có thể nhận quà từ mẹ kế, thích hay không, dùng hay không cũng vẫn lễ phép cảm ơn và trân trọng mang về. Chúng ăn các món “cô Tâm” nấu hay gọi về một cách vui vẻ, không bao giờ khen chê vì khẩu vị hay bỏ dở vì mẹ luôn nhắc dù sao đó cũng là cách thể hiện chân thành rằng cô ấy quan tâm đến các con.
Việc khuyến khích các con tăng tương tác, gần gũi với vợ sau của bố chúng là tạo sự hòa thuận, khiến các con không bị áp lực, không căng thẳng và có cảm xúc tiêu cực.
Tôi tin rằng việc này cùng lúc với cách ứng xử đúng mực, giữ mối quan hệ tốt với chồng cũ cũng là một trong những lý do để người mới không ngại ngần và cũng không thể can thiệp (nếu muốn) vào những chuyện tế nhị và không kém phần quan trọng sau ly hôn như tài sản, chăm sóc và giáo dục con. “Con chị ngoan, lễ phép với em thì em chẳng có lý do gì chê trách hay dạy dỗ con chị thế này thế nọ”... chẳng đúng sao?
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đã là phụ nữ, chuyện ghen hờn, ấm ức, chao chát hay khoan hòa, nhã nhặn... đều rất bình thường, đều hợp lý về tâm lý nên tôi chẳng mất công lý giải phân tích làm gì. Chị em nào cũng có lý do của riêng mình. Tôi thông cảm với những người không bao giờ có thể bình thường với tập hai của chồng, luôn nhắc nhở để các con coi mẹ kế là dì ghẻ, vì cô ta là “tiểu tam” phá vỡ gia đình họ, bất luận thế nào cũng là kẻ đã khiến gia đình không còn là một. Tôi thấy những người ấy luôn coi dì ghẻ của các con là mối thù không đội trời chung cũng là lẽ thường.
Ngược lại, tôi cũng ngưỡng mộ những phụ nữ đã âm thầm cao thượng chăm sóc người vợ thứ hai của chồng mình khi ốm đau, nhường nhịn vô đối vì tâm niệm rằng đây là người đã thay mình chăm sóc người đàn ông mình từng yêu thương trong một thời gian dài, có khi còn nuôi chăm tử tế con riêng của chồng mình sau những sóng gió...
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng có lý do cho những cách ứng xử của riêng mình. Thế nhưng ở nhà tôi, tất cả chỉ đơn giản là “Hãy sống vì mình trước tiên”. Nếu thương mến người khác có thể làm cho chính bạn cảm thấy dễ chịu, thấy lòng mình nhẹ nhõm, thì cớ gì không làm?
Văn minh là từ mọi người thường thích dùng vì nó có khả năng diễn tả đúng nhất cách ứng xử của phụ nữ trong những mối quan hệ “trong gia đình mà không phải/không còn là gia đình”. Còn tôi luôn nhớ một câu rất cũ, rất đúng mà mẹ và bà tôi thường nhắc: “Thương người như thể thương thân”. Văn minh theo hoàn cảnh này có thể cũng đơn giản chỉ là thương ai đó nhưng thực ra là để thương chính mình mà thôi.
Lê Lan Anh