Thương người đến sau

20/02/2021 - 06:01

PNO - Tôi luôn nghĩ, "người đến sau” chịu quá nhiều thiệt thòi, đôi khi con riêng hư không dám la mắng vì ngại điều tiếng.

Còn nhớ hồi đọc truyện Cải ơi của Nguyễn Ngọc Tư, tôi đã khóc không nín được, cũng thao thức mấy hôm liền, rồi về quê thăm dượng và mẹ. Mà thăm vậy thôi, chứ tôi không nói được lời nào yêu thương.

Tại tôi ngượng, tại tôi quen giữ khoảng cách đối với dượng - người chồng sau của mẹ. Tôi không có thói quen nói: "Con thương dượng, con thương mẹ". Tôi chỉ cười cười với ông: "Nhậu ít thôi nhen", rồi mẹ con tôi dắt díu nhau về lại Sài Gòn.

Cái truyện Cải ơi đó kể về ông Năm Nhỏ, đi tìm con ròng rã, vì Cải bỏ đi. Mà Cải là con riêng của vợ ông, ông nuôi nó từ hồi nó nhỏ xíu. Nhưng miệng đời vẫn có cái để nói, rằng ông ác với con riêng nên đuổi nó đi. Cái câm lặng của vợ khiến ông phải bỏ xứ đi tìm con. Truyện có vậy thôi mà chị Nguyễn Ngọc Tư viết tài tình quá, xốn xang quá, nức nở quá!

Một hoạt cảnh trong kịch Rau răm ở lại - chuyển thể từ truyện ngắn Cải ơi của Nguyễn Ngọc Tư.
Một hoạt cảnh trong kịch Rau răm ở lại - chuyển thể từ truyện ngắn Cải ơi của tác giả Nguyễn Ngọc Tư

Hôm qua tôi đọc trên báo thấy chuyện người tình của mẹ đánh đập, xâm hại con riêng mà thấy nghẹn. Cuộc sống vẫn vậy, luôn có người tốt, người xấu. Nhớ hồi ấy, tôi 17 tuổi, mẹ tôi đưa một ông (vốn là thầu xây dựng nhưng đã phá sản) về sống cùng. Hàng xóm hay nói với tôi, rằng ông có thể làm thế này thế kia với tôi, nên tôi dè chừng ông lắm. Không đứng gần, không ngồi cạnh… rồi đúng năm 18 tuổi, tôi lên Sài Gòn học là gần như tách hẳn gia đình, lâu lâu mới về mà về ngồi chưa nóng chỗ đã đi. Đó là cách tôi giữ khoảng cách với dượng tôi.

Tôi chỉ thương dượng từ lúc tôi sinh con đầu, rồi con tiếp sau, dượng hay lấy cớ lên thăm mẹ ở trên này rồi tạt ngang xem tôi sống thế nào. Hôm thì ông xách ít dừa, ít chuối, hôm thì đưa cho ít tiền. Tôi thương ông nhất là hồi tôi chuẩn bị ly hôn, ông biết bản thân bệnh nặng mà vẫn qua nhà nói chuyện phải quấy với chồng cũ của tôi.

Ông khẳng khái: "Ở không được với nhau, thì trả con trả cháu, tao nuôi". Hồi ấy, tôi thương ông quá, muốn kêu tiếng “ba” mà ngại. Rồi ông bệnh nặng, mất 1 năm sau, tôi cảm thấy còn nợ ông nhiều, vì ông với mẹ tôi gá nghĩa mười mấy năm, dù ông bà hay cãi nhau, nhưng ông chưa làm gì có lỗi với mẹ tôi.

Tôi có người chị, chồng sau của chị thương con riêng của vợ như con ruột. Thương tới mức, con chị yêu quý anh hơn ba ruột chúng. Vì người chồng đầu không ngó ngàng đến con, bọn trẻ lại quá nhỏ, chỉ chừng 3 - 4 tuổi nên cũng không nhớ nhiều về người đàn ông sinh ra chúng.

Con nít rất giỏi trong việc biết ai thương, ai không thương. Bạn tôi hay la bọn trẻ, nên chúng không biết sợ, la hoài mất kiên nhẫn, chị hay quất cho con mấy roi. Con khóc, chị khóc, vấn đề không cách nào giải quyết, cho đến khi anh bước vào cuộc đời chị.

Anh không phải người nóng tính, nói năng nhỏ nhẹ thôi, nhưng nói ra là trẻ con  biết nể, vì anh đã nói là làm sau, không hù dọa như chị. Chỉ vài lần là 2 con của chị biết “không đùa được đâu”.

Anh thương con của vợ đến mức có lần chị nói: "Nếu em sinh con chung, không biết anh còn thương đến cỡ nào. Chứ anh cưng 2 đứa nhỏ quá".

Dù nghiêm khắc, nhưng anh đối với bọn trẻ hết lòng, có gì ngon cũng mua cho chúng. Mấy lần chị e ngại: "Anh nghiêm quá, rồi có ngại hàng xóm họ nghĩ anh khắc nghiệt gì với tụi nhỏ… ". Nhưng anh cười, nói con đang tuổi cần nghiêm khắc một chút để vào khuôn khổ, sau này đến tuổi dậy thì mới không hư.

Bạn trai của chị thương con chị hết lòng. Chị chỉ mong điều ấy kéo dài mãi mãi  - Ảnh minh họa
Bạn trai của chị thương con chị hết lòng. Chị chỉ mong điều ấy kéo dài mãi mãi - Ảnh minh họa

Tất nhiên, chị biết vai trò người mẹ rất quan trọng. Mẹ không chỉ làm cầu nối mà chính mẹ là người “giám sát”, một chút bất thường trong thái độ, tình cảm ở con mẹ phải biết để mà xử lý mối quan hệ con vợ, cha dượng đầy nhạy cảm này.

Tôi thì luôn nghĩ, "người đến sau” chịu quá nhiều thiệt thòi, đôi khi con riêng hư không dám la mắng vì ngại điều tiếng, nhưng chắc chắn rằng, chỉ cần yêu thương chân thật, không đứa trẻ nào không biết đáp lại, không người vợ nào không nhìn ra...

Kim Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI