Thương mùa hến cũ

31/08/2020 - 16:44

PNO - Chiều nay ngang chợ, bắt gặp thau hến đầy, rưng rưng nhớ tuổi 18 khờ dại năm nào.

Hè đến, đám trẻ con chúng tôi rảnh việc thường rủ nhau ra sông mò hến. Nước rút để lộ bãi bồi mịn phù sa, là nơi an cư lý tưởng của loài hến. Trên mặt bùn mịn màng, thấy những lỗ tròn xoe như đầu tăm là biết lũ hến đang xếp lớp bên dưới. Chỉ cần dùng tay cào xuống bùn là có thể bốc lên từng vốc hến.

Hến bắt về phải ngâm vài giờ cho sạch bùn. Nấu hến không cần cho nước, chỉ cần để ít muối. Hến vừa sôi đã ứa ra thứ nước trắng như sữa, thơm và ngọt lừ. Ruột hến mềm, ngọt thanh. Nước hến để lắng lại, bỏ lớp cặn, dùng để nấu canh rau dền, bầu, bí đao… đều ngon. Hôm nào chị em tôi bắt được nhiều hến, má lại đãi cả nhà món hến xào cuốn bánh tráng, rau sống, chấm mắm nêm. Hến ngọt, mắm cay, ăn tới lúc no cành vẫn thấy ngon.

Năm lớp Mười, tôi ra thị xã học. Đường xa, ba xin cho tôi và nhỏ em họ ở nhờ nhà kho của người quen. Bến sông phía sau nhà, hến nhiều vô kể. Dân thị xã dường như không biết mò hến nên chị em tôi được lợi, đỡ tốn tiền mua thức ăn. Chiều nào đi học về tôi cũng ra sông mò hến. Bên kia sông là doanh trại bộ đội. Một bữa, tôi đang khom lưng mò hến thì nghe tiếng la: “Ê nhỏ, hến anh nuôi đó nghen, sao dám bắt?”. Tôi ngẩng lên. Anh bộ đội đứng bên kia sông nhìn tôi cười. Chạm phải ánh mắt anh, tôi bàng hoàng như có luồng điện chạy qua. Tôi luýnh quýnh leo lên bờ, chạy luôn vô nhà. Chiều hôm đó hai chị em phải ăn cơm với muối ớt. Nhỏ em cằn nhằn: “Ổng chọc ghẹo mà chị cũng tin, đã vậy, lo chạy làm trôi mất tiêu cái thau”.

Hôm sau đi học về, thấy sau nhà để sẵn một thau hến và mảnh giấy vỏn vẹn mấy chữ: “Nhỏ à, anh cảm nụ cười có chiếc răng khểnh dễ thương”. Tôi chạy ra bến sông. Thấy anh bộ đội đang đứng bên sông nhìn tôi cười cười. Tôi đỏ mặt, thẹn thùng chạy vào nhà, nghe nhịp tim rộn ràng như trống trận. Từ đó, tôi hết dám ra sông mò hến, nhưng cứ vài ba hôm nhà tôi lại có thau hến ai đó để sẵn.

Hến người ta tặng, tôi ăn nhẩn nha từng con, nghe vị ngọt ngào ngấm tận đáy lòng. Nhỏ em ăn xong bữa cơm, tôi vẫn còn ngồi gảy gảy từng con hến, nhìn âu yếm như thể chúng mang thông điệp yêu thương của người ấy…

Hến mang cho mấy lần rồi mà người ta tên gì, quê ở đâu tôi cũng không biết. Từ hôm ấy đến nay, tôi vẫn chưa giáp mặt người ta vì bên ấy huấn luyện quân sự liên miên. Nửa đêm nghe tiếng kẻng tập trung, lại bồi hồi thương người ta vất vả.

Bữa, tôi đánh bạo mang tô canh hến sang cho. Cây cầu khỉ bắc qua sông đã hại tôi, cứ đung đưa như võng lắc theo mỗi nhịp chân. Chưa sang hết cầu, đã nghe tiếng mấy anh bộ đội réo um: “Tìm anh phải không em?”, “Anh dặn ở nhà chờ anh, sao em qua đây?”… Tôi run rẩy không biết nên tới luôn hay quay về. Giữa một rừng áo xanh, tôi không biết tên anh làm sao mà hỏi. 

Rồi anh xuất hiện. Anh đón tô canh chỉ còn phân nửa của tôi, cười: “Anh cho nhiều lắm mà, sao em trả có nhiêu đây?”. Rồi như biết tâm tư của tôi, anh nói: “Anh tên Hòa, ở tiểu đội ba. Cầu khó đi, em đừng sang nữa. Hôm nào rảnh, anh sẽ qua chơi”. Tôi bối rối không biết nói gì với anh. Giữa những tiếng cười rộ xung quanh, tôi ù chạy. Suốt cả tuần, tôi lơ lửng bồng bềnh như người đi trên mây. Nụ cười và ánh mắt ấm áp của anh hiện lên ngọt ngào quá đỗi.

Rồi đơn vị anh đột ngột chuyển đi. Thời đó, thư từ còn khó khăn nên tôi bặt tin anh, buồn thỉu suốt thời gian dài. Anh đi, mang theo tất cả hồn nhiên ngây thơ trong tôi. Đó có thể gọi là tình đầu không? Chắc là không phải, nhưng bao năm rồi, mỗi lần nghĩ đến vẫn thấy thương.

Chiều nay ngang chợ, bắt gặp thau hến đầy, rưng rưng nhớ tuổi 18 khờ dại năm nào. Người ơi, giờ người ở đâu? 

Đỗ Minh Thuỳ
Ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI