Nhà má chồng tôi nằm gần một thị trấn nhỏ ven biển. Phía trước nhà có trảng cát mênh mông, phía sau xa xa là dãy núi ẩn hiện. Căn nhà nhỏ lọt thỏm trong mảnh sân mà má trồng rất nhiều cây và hoa. Nơi xứ sở khô cằn, xung quanh những trảng đất trống mọc toàn táo dại, những cây muồng hoa tím và từng đám xương rồng gai bàn chải kiêu hãnh.
Khi được hỏi tôi làm dâu má thế nào, đến lúc này, tôi vẫn cứ ngớ ra, dù lấy chồng hơn chục năm rồi. Giữa má chồng và tôi dường như không có khoảng cách của má chồng - nàng dâu, mà cách gì đó có thể tương tự như một tình bạn và sự cảm thông của một người già đối với người trẻ - đủ để cà kê kể lể chuyện này chuyện nọ, chuyện chung chuyện riêng.
Nói gì thì nói, những ngày mới về nhà má, tôi vẫn lóng nga lóng ngóng, kiểu dư thừa tay chân. Dù gì đi nữa, đây cũng là căn nhà do má làm chủ mấy chục năm. Muốn hiểu một căn nhà, một nếp sống… không phải một ngày một bữa. Và không phải bởi vì tôi là đứa con dâu đầu tiên trong nhà, nên muốn làm gì thì làm. Đâu cũng có cái quy củ của nó.
Xoay đi xoay lại cho mấy ngày về, ra vô cũng là chuyện bếp núc và ẩm thực, chợ búa. Cách làm bếp và ăn uống ở đây là khác xa nhà má ruột tôi, bởi hai kiểu ẩm thực ruộng đồng và miền biển cũng khác nhau. Cả tính cách của người giữ bếp, cũng khác. Như má tôi, thì con thích gì má nấu hoặc tự nấu món mình thích mà ăn nhưng với má chồng, thì không được như vậy.
Học thương một căn nhà khác tức là thương từ những nghịch trái thương đi, thương từ những lạ lùng xa cách thương lại. Và tôi hiểu, vậy là mình đã thương được một căn nhà khác, thương từ trong lòng thương ra. |
Má chồng tôi có căn bếp với mấy cái cà ràng để nấu củi than, má thức dậy đâu 3-4 giờ sáng để nhóm lò (bà chưa bao giờ kêu tôi thức dậy vào giờ này). Thế nhưng, nằm trong chiếc giường ở căn buồng nối với cái bếp, tôi nghe rõ tiếng củi than nổ lách tách, mùi than đượm lửa cộng với mùi khói bếp lan kín cái không gian nhỏ. Rồi tiếng hát khe khẽ của má với một bài hát xưa thiệt xưa nào đó, rồi những bài nhạc trên sóng phát thanh, phát ra từ cái radio cũ má để cạnh bên mình. Chừng những bếp than hồng rực, má sẽ sắp xếp để hâm lần lượt khoảng mười mấy nồi thức ăn nhỏ xíu và chuẩn bị nguyên liệu để nấu các thức ăn khác trong ngày.
Mọi buổi sáng của má chắc chắn là bắt đầu như vậy, dù là sáng mùa hè hay mùa xuân. Má không khiến tôi phải đi chợ hay nấu nướng gì thay má. Kiểu xứ má má biết. Nhưng để bớt thấy thừa, tôi vẫn cà rà xin làm phụ bếp để má sai vặt lúc cần. “Phụ bếp” thỉnh thoảng cũng hết hồn vì bị má la bởi cắt trái cà khác kiểu má cắt, gọt trái bí khác kiểu má gọt…
Nói chung, má thích kiểm soát mọi công việc nhỏ lớn trong nhà, ai làm gì cũng phải đúng ý má, làm giống y chang cách của má. Nhiều khi, tôi thấy má cũng… bảo thủ nhưng nghĩ lại, điều này cũng tự nhiên thôi, má chấp nhận tôi như là tôi có thể và tôi cũng thương kính má theo cách của mình. Giữa má và tôi như có một thỏa thuận ngầm, không ai phải học chuyện làm tròn bổn phận với ai mà thiếu đi sự chân thành với nhau.
|
Đã là con dâu, thì phải thấm cái cốt cách nhà chồng để sửa những gì mình từng làm chưa đúng, nghĩ chưa thông - Ảnh minh họa |
Má không dạy tôi làm gì hết, không bắt tôi phải lăn xả phục vụ gì nhưng hóa ra má lại dạy rất nhiều. Hỏi má có khó tính không: là có. Hỏi má có nghiêm khắc không: cũng có. Hỏi má có thương mến con dâu nhiều không, thì chắc có.
Bởi vì có, nên lúc bên cạnh má, má sẽ kể tôi nghe chuyện về gia đình, dòng họ, về bố, về các anh chị em trong nhà. Lúc đó, tôi biết má đã coi tôi như “người trong nhà”, tìm hiểu và thân thuộc với “cái nhà” qua những điều má kể, thứ má nấu, món má hay ăn. Cái cách “mưa dầm” của má thấm dần trong tôi lúc nào không hay. Tôi đã phải kho con mực y chang cái nồi kho của má mới thấy ngon miệng, dù kho kiểu của má thì “hơi kỳ” so với thị thành, con mực phải nhỏ xíu, túi mực đen ngòm sẽ chảy ra thấm lại vào đám mực. Cái nồi kho nhìn đen thùi lùi không có gì đẹp mắt nhưng cắn vào thì thơm ngọt đến hao cơm.
Cách nấu làm sao để ra cái nồi canh chua cá nục lá me non thơm lựng, cách kho làm sao mà bẻ đầu con cá nục nhét vào bụng cá, mà lúc ăn, cái đầu cá mềm rục là thứ mà ai cũng muốn ăn trước cái mình. Cách chiên đám cá biển sao vừa giòn xương mà không khô thịt và cách rưới nước mắm tỏi ớt sao cho thấm nồng.
Mỗi món này đều gần gũi bởi câu chuyện đi kèm của má về mùa cá xứ biển, về biển, về những năm tháng di cư và trụ lại nơi này, về mái chùa làng, về xóm Hòa Đa, nơi tuổi thơ mà má gắn liền. Mỗi món này không phải là món để đãi khách xa mà tôi nào phải là khách, nên mỗi lần về là lại được ăn, dù có về lúc trời đang tết.
Nhiều năm về, từ căn nhà, từ má, từ xóm nhỏ ven biển và cái nhà lọt thỏm trong mảnh sân đầy cây, tôi thấy mọi thứ đẹp ra và đáng nhớ nhung. Học thương một ngôi nhà khác với ngôi nhà mình hẳn là điều mà không có bất cứ kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào.
Với má chồng tôi, căn nhà của ai thì người khác sẽ phải tự quen với nhịp sống của người chủ ở đó. Má không chiều lòng bất cứ vị khách nào, đứa con nào. Nhà là nhà má, đám con về phải ăn ở theo cái lòng của má. Học thương một căn nhà khác tức là thương từ những nghịch trái thương đi, thương từ những lạ lùng xa cách thương lại. Dù sao đi nữa, má đã giúp tôi trong chuyện làm dâu, chuyện này không trở thành gánh nặng. Đã là con dâu, thì phải thấm cái cốt cách nhà chồng để sửa những gì mình từng làm chưa đúng, nghĩ chưa thông.
Chỉ vậy thôi nhưng hình ảnh má chồng với cái khăn in hoa đội đầu cho ấm vì thức sớm, cái vớ kéo lên đến bắp chân, giọng hát vui vẻ lúc làm bếp và nhắc tôi phải hâm cho đủ mười mấy cái nồi trong lúc má đi chợ… lại gần gũi quá chừng. Tôi biết mình còn gần gũi với căn nhà nhỏ, cái bếp có mấy cái cà ràng kiểu miền Trung, mùi than, mùi khói nồng nồng chiếm dụng hết cái không gian buổi sáng, khiến tôi choàng tỉnh và lò dò xuống bếp theo má.
Và tôi hiểu, vậy là mình đã thương một căn nhà khác, thương từ trong lòng thương ra.
Minh Phúc