Thương mẹ, thương cả người già neo đơn

26/09/2023 - 05:56

PNO - Ngoài 50 tuổi, chị Lê Thị Giây vẫn chọn sống đời lẻ bóng. Phần lớn thời gian, chị dành để chăm sóc mẹ già và làm các công việc thiện nguyện để giúp đỡ các cụ già neo đơn.

“Má ăn đi cho nóng, rồi con lấy thuốc má uống” - chị Lê Thị Giây (ấp 4, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) dỗ dành mẹ mình. Bà đã 83 tuổi, đang “khó ở” trong người. Đáp lại, bà Nguyễn Thị Măng - mẹ chị Giây - bực dọc: “Tao mệt, ăn không ngon. Muốn ăn thì bây ăn đi”. “Má phải ráng ăn, rồi uống thuốc, mới mau khỏe được” - con gái bưng chén cơm lên… Bà mẹ bực dọc, gạt đổ chén cơm. Con gái lom khom nhặt lại cái chén vỡ, hốt lại mớ cơm vung vãi, rồi ngước lên nhìn mẹ cười: “Con hết tiền mua chén rồi đó má”. 

Biết mình đã quá tay, bà mẹ ngồi im lặng nhưng vẫn nhăn nhó, khó chịu. Dọn xong, chị Giây trở lại chiếc ghế nơi mẹ ngồi, nhẹ nhàng lau mặt, bóp tay. Chị nhỏ nhẹ: “Má thấy khó chịu hả? Má muốn con đỡ má dậy không?”. Bà mẹ xua tay: “Nói hoài, tao mệt quá!”.

Chị Lê Thị Giây thường xuyên cận kề chăm sóc mẹ già, giúp bà bớt cô đơn
Chị Lê Thị Giây thường xuyên cận kề chăm sóc mẹ già, giúp bà bớt cô đơn

Chị Giây vẫn kiên trì ngồi bóp tay, bóp chân và kể đủ thứ chuyện xưa cũ cho mẹ nghe. Một lát sau, khuôn mặt bà giãn ra. Bà móm mém cười bảo “để lát tao ăn”.

Ngoài 50 tuổi, chị Lê Thị Giây vẫn chọn sống đời lẻ bóng. Những người hàng xóm kể, hồi trước, vốn là cô gái hiền lành, có nghề nghiệp, lại ưa nhìn nên chị Giây cũng có người yêu thương, hỏi cưới. Nhà có 8 anh chị em. Chị Giây lần lữa nhìn 7 người kia trưởng thành, lần lượt lập gia đình, ra riêng, còn mình thì ở vậy.

Năm 2014, ba chị yếu dần rồi mất. Từ đó, mẹ chị hụt hẫng, ít nói ít cười, tính tình đổi khác. Thương mẹ, từ một người trầm tính, ít nói, chị Giây ngày càng “nói nhiều”, vì phải kiếm chuyện để nói cho bà vui. Chị tâm sự: “Tôi may mắn được cha mẹ cho học nghề may. Cái nghề không quá vất vả, giúp tôi ổn định cuộc sống nhưng lúc nào cũng giữ được mẹ trong tầm mắt”. 

Năm 2014, khi ba mất chưa được bao lâu thì mẹ chị bị té gãy chân. Nỗi muộn phiền khi mất người bạn đời chưa vơi, giờ lại phải nằm một chỗ khiến bà Măng hay cáu gắt.

Ngoài việc may vá kiếm tiền, chị Giây lo hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà, đút cho mẹ ăn từng muỗng cháo, ẵm bồng tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho bà. Sợ bà buồn nên chị cứ quanh quẩn chuyện trò, động viên. Đó là lý do chị trở thành “cái con nhiều chuyện” trong mắt bà Măng. 

Nhưng nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tình của con gái mà bà Măng đã đi lại được trong nhà, rồi dần bước ra khỏi cửa, đi vòng quanh xóm ấp tập thể dục vào mỗi buổi sáng. Ngày nào thấy bà khỏe, tâm trạng tốt, chị Giây rủ mẹ cùng đi chợ, nấu ăn, rồi đưa bà ra xã xem chị cùng những hội viên trong tổ nấu bữa ăn cho người cao tuổi.

Thấy xung quanh, nhiều người xấp xỉ tuổi mình vẫn phải vất vả mưu sinh, có người không có con cái để mà nương tựa, bà Măng cũng bớt cáu bẳn. “Nhìn mẹ vui lên từng ngày, tôi thấy lòng ấm áp. Nhiều khi hình dung tới ngày không còn mẹ nữa, tôi không biết mình sẽ đi qua những ngày hiu quạnh đó như thế nào” - chị Giây trải lòng.

Nhiều năm liền, chị Lê Thị Giây (bìa phải) là tấm gương “Người con hiếu thảo” được Hội LHPN xã Phước Lộc, Hội LHPN huyện Nhà Bè tuyên dương
Nhiều năm liền, chị Lê Thị Giây (bìa phải) là tấm gương “Người con hiếu thảo” được Hội LHPN xã Phước Lộc, Hội LHPN huyện Nhà Bè tuyên dương

Không chỉ là người con hiếu thảo, với địa phương, chị Giây còn luôn tích cực tham gia các hoạt động do Hội LHPN xã và chi hội phụ nữ phát động. Chỉ cần bà Măng không trái gió trở trời, thì bữa “nấu ăn dinh dưỡng” nào cho các cụ già neo đơn, chị cũng tham gia.

Các tuyến hẻm “Phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường”, tuyến đường “Văn minh - mỹ quan đô thị” đều có công của chị đóng góp khi kêu gọi, rủ rê bà con cùng quét dọn, trồng hoa. Hằng năm, hưởng ứng Lễ hội Áo dài TPHCM, chị đều giảm giá 50% tiền công may cho hội viên phụ nữ đến may áo, giảm 100% cho nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nói về chị Giây, chị Nguyễn Huỳnh Nguyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc - hết lời khen ngợi: “Chị ấy có hiếu lắm. Cho dù bà cụ có trái tính bao nhiêu, tôi chưa bao giờ thấy chị than phiền, lúc nào cũng nhỏ nhẹ ân cần, chu đáo. Bận rộn chuyện nhà, vậy mà chị vẫn gắn bó, đóng góp cho phong trào hội hơn 10 năm nay. Có lẽ, thương mẹ, chị thương luôn cả những người già neo đơn trong ấp, trong xã. Hoạt động nào không tham gia cũng được, chứ những bữa nấu ăn cho các cụ, chị có mặt không sót đợt nào”. 

Mỹ Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI