Thương mại hóa và thị trường hóa giáo dục: Những mập mờ nguy hiểm

02/10/2017 - 08:37

PNO - Những tranh cãi liên quan đến trường phổ thông liên cấp Vinschool (Hà Nội) mới đây lại làm “dậy sóng” những ý kiến trái chiều về trường học cần có lợi nhuận hay không lợi nhuận, bản chất và mục tiêu của trường học là gì.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với nhà giáo Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và là tác giả của cuốn sách có nhiều ảnh hưởng Đúng Việc - một góc nhìn về câu chuyện khai minh để có thêm một góc nhìn về vấn đề này.

- Thưa ông, hiện có nhiều tranh cãi xung quanh khái niệm về trường học phi lợi nhuận. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Giản Tư Trung: Trước hết, chúng ta cần phân biệt trường học “phi lợi nhuận” (non-profit) và trường học “không vì lợi nhuận” (not-for-profit). Trường học phi lợi nhuận thường hoạt động dựa vào số tiền được tài trợ và không có hoạt động mang tính kinh doanh. Còn trường học không vì lợi nhuận thì thường có những hoạt động mang tính kinh doanh và sinh lợi, nhưng lợi nhuận thu được sẽ không được chia cho cá nhân hay tổ chức nào cả mà lợi nhuận này chỉ để tái đầu tư cho hoạt động giáo dục của nhà trường.

Điều đó có nghĩa là, trường không vì lợi nhuận thì vẫn có lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận khổng lồ, nhưng chỉ có điều lợi nhuận này không được chia cho ai cả. Do vậy, đôi khi ta có thể gọi những trường “không vì lợi nhuận” là những trường “không chia cổ tức” thì rõ nghĩa hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý, cả hai loại trường này (phi lợi nhuận và không vì lợi nhuận) đều lấy mục tiêu giáo dục làm trọng, đặt mục tiêu giáo dục lên trên hết và không để các mục tiêu khác bóp méo mục tiêu giáo dục của mình.

Trên thế giới có rất nhiều trường học không vì lợi nhuận, điển hình như Đại học Harvard. Trường này mức học phí cao nhất nhì thế giới (có những khóa học chỉ 5 ngày mà học phí là 18.500 USD); nguồn thu của trường, ngoài học phí và các khoản đóng góp, tài trợ từ các cá nhân, tổ chức thì còn có thể có những khoản lợi nhuận rất lớn từ hoạt động đầu tư tài chính và đầu tư kinh doanh khác, và họ dùng lợi nhuận này để phục vụ cho sự phát triển bền vững của trường.

Thuong mai hoa va thi truong hoa giao duc: Nhung map mo nguy hiem
Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, ngôi trường tư được xem là khá thành công trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo

- Tại Việt Nam, một số trường cũng đang muốn phát triển theo mô hình không vì lợi nhuận như vậy…

Tôi nghĩ, trường học dù là phi lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, thậm chí trường học “siêu lợi nhuận” đều không quan trọng. Tôi cho rằng, chất lượng giáo dục và sản phẩm giáo dục của trường học mới thực sự là điều đáng bàn và đáng lưu tâm. Dù có lợi nhuận hay không thì nhà trường đúng nghĩa phải luôn kiên định một mục tiêu lớn nhất là thực hành giáo dục khai phóng để tạo ra con người tự do. Còn nếu dương cao “ngọn cờ” là “phi lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” nhưng thực chất lại đặt mục tiêu kiếm lợi lên trên mục tiêu giáo dục, bóp méo mục tiêu giáo dục thì điều này mới thật sự đáng ngại.

- Một số ý kiến cho rằng, trong nền kinh tế thị trường thì các cơ sở giáo dục, đặc biệt trường đại học buộc phải hoạt động trong một môi trường cạnh tranh trên mọi phương diện và sản phẩm giáo dục cũng trở thành một loại hàng hóa. Quan điểm của ông thì sao?

Không ít người nhầm lẫn giữa khái niệm “thị trường hóa giáo dục” với “thương mại hóa giáo dục”. Nhìn chung, thị trường hóa giáo dục là tạo ra một môi trường cạnh tranh về chất lượng giáo dục giữa các trường học, cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu giáo dục, không vì kiếm lợi mà vi phạm mục tiêu này. Còn thương mại hóa giáo dục là biến một nhà trường - nơi được xem là thánh đường của khoa giáo và lương giáo, trở thành một doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận là chủ yếu - hơn là đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu. Nếu cứ mãi mập mờ hai khái niệm này thì sẽ rất nguy hại cho nền giáo dục của chúng ta.

- Còn cách nhìn giáo dục là một loại hàng hóa thì sao, thưa ông?

Về góc nhìn kinh tế thuần túy thì giáo dục nói chung cũng có thể xem là một loại hàng hóa dịch vụ, có thể mua và bán được. Tuy nhiên, dưới góc nhìn văn hóa-giáo dục thì giáo dục không thể là hàng hóa, vì nó không thể mua bán được, cho dù có bỏ ra rất nhiều tiền.

Cụ thể là, người ta có thể bỏ tiền mua được bằng cấp chứ không mua được đẳng cấp; người ta có thể bỏ ra tiền ra để mua được một khóa học, nhưng không thể mua được nền tảng giáo dục (tầm vóc văn hóa, trình độ chuyên môn, hay năng lực lãnh đạo) cho bản thân mình. Những thứ có thể mua được chỉ là môi trường, là chất xúc tác, là sự hỗ trợ cho quá trình tự thân giáo dục của người học mà thôi. Còn giá trị nền tảng giáo dục của bản thân không chỉ đến từ học phí mà phải được tạo ra bằng thời gian, tâm trí, sức lực, trí thông minh... của người học.

Thế nên, hãy “thị trường hóa giáo dục” chứ đừng “thương mại hóa giáo dục” - Thị trường hóa giáo dục chính là việc tạo ra một môi trường cạnh tranh về chất lượng giáo dục, cạnh tranh để cùng nâng cao và cùng bảo đảm mục tiêu giáo dục.

Thuong mai hoa va thi truong hoa giao duc: Nhung map mo nguy hiem
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED. Ảnh: Nguyễn Á

- Nhiều trường đại học đang tiến lên đại học chất lượng cao, đào tạo những công dân toàn cầu sẵn sàng cho hội nhập. Trường đại học chất lượng cao chúng ta đang xây dựng có gần với khái niệm “đại học tinh hoa” mà ông nhiều lần nhắc đến trước đây?

Với tôi, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Đại học chất lượng cao thường chú trọng đào tạo ra nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế (tức là thường chú trọng trình độ chuyên môn nhiều hơn tầm vóc văn hóa), trong khi đại học tinh hoa không chỉ đào tạo nhân lực chất lượng cao, mà còn chú trọng về nghiên cứu và chú trọng việc đào tạo ra lực lượng tinh hoa cho xã hội (tức là chú trọng cả trình độ chuyên môn lẫn tầm vóc văn hóa).

Lực lượng tinh hoa này không chỉ là những chuyên gia giỏi trong những ngành nghề đòi hỏi trình độ chất xám cao, mà còn có tầm vóc văn hóa. Và lượng tinh hoa này sau khi ra trường và trưởng thành thường sẽ trở thành những trí thức có nhiều ảnh hưởng tích cực trong xã hội. Vì trí thức là những người có “trí”, nhưng không để cho xã hội “ngủ”. Nghĩa là họ không chỉ là những người có hiểu biết/trình độ cao về một ngành nghề hay lĩnh vực nào đó, mà còn có khả năng dùng trí tuệ và sự hiểu biết của mình để góp phần thức tỉnh xã hội, hướng xã hội đến chân lý, công lý và sự thật. Đây cũng chính là trách nhiệm xã hội của người hiểu biết.

Một trí thức thường sẽ là một chuyên gia giỏi trong một ngành nghề lĩnh vực nào đó, nhưng một chuyên gia giỏi thì không chắc là một trí thức, nếu người đó không thường thực hiện “trách nhiệm xã hội của một người hiểu biết” là “góp phần thức tỉnh xã hội bằng sự hiểu biết của mình”

Cụ thể, một kỹ sư giỏi hay một nhà phẫu thuật tài ba, nhưng “Ngay cả một bậc thầy tài chính lão luyện nhất và thành công nhất cũng chưa chắc là trí thức. Thành quả đầu ra hay sản phẩm cuối cùng của một trí thức là những tư tưởng. Công việc của một trí thức bắt đầu từ tư tưởng và kết thúc bằng tư tưởng… Và tất nhiên, có một vấn đề khác còn lớn hơn nữa, là hành động của họ ảnh hưởng đến xã hội như thế nào” (theo nhà kinh tế học người Mỹ Thomas Sowell).

- Và hẳn là đại học tinh hoa sẽ không bao giờ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, phải không thưa ông?

Đó là điều hiển nhiên. Đại học chất lượng cao thì có thể vì lợi nhuận, có thể không, nhưng đại học tinh hoa thì chắc chắn là không vì lợi nhuận, mà hoạt động vì “mục đích công” và gắn liền với việc theo đuổi chân lý, bảo vệ công lý và đại diện lương tri.

Vài ngày trước tôi có dịp đến thăm Đại học Virginia, một trong những trường đại học tinh hoa của Mỹ. Như hầu hết các trường tinh hoa ở phương Tây, Trường Virginia cũng từng bước ra khỏi nhà thờ để tìm thấy ánh sáng của chân lý và tự do nên trong khuôn viên trường vẫn còn lưu giữ biểu tượng của nhà thờ. Nhưng người sáng lập trường là cố Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson, một trong những người đặt nền móng tinh thần và tư tưởng nước Mỹ, đã xây dựng một tòa nhà trung tâm rất lớn, lấy cảm hứng từ điện Pantheon ở châu Âu, là biểu tượng “Thánh đường của tri thức” (Temple of Knowledge). Tòa nhà này lớn gấp nhiều lần nhà thờ, cho thấy lý tưởng mà trường theo đuổi là khoa học và chân lý đã thế chỗ của giáo lý!

Thực tế, số lượng đại học tinh hoa trên thế giới không nhiều, chỉ có Mỹ là có hơn vài chục trường được xem là “tinh hoa” trong số gần 5.000 trường đại học và cao đẳng, còn ở các nước khác thì mỗi nước chỉ có một số ít trường, như ở Singapore có hai trường là Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang, Nhật Bản cũng có mấy trường như là Đại học Tokyo, Đại học Kyoto… Việt Nam thì chưa có đại học tinh hoa, ngay cả trường đại học chất lượng cao cũng cần xem xét lại. Vì đánh giá về chất lượng giáo dục của một trường học là việc không hề dễ dàng.

- Là một người hoạt động lâu năm về giáo dục, ông có niềm tin về tương lai của một dân tộc hiếu học như Việt Nam hay không?

Cách nói Việt Nam là một dân tộc hiếu học có vẻ chưa đúng lắm. Vì bản chất đích thực của hiếu học là hiếu tri - là khát khao trí tuệ và sự hiểu biết. Việt Nam, cũng như một số nước Á Đông khác, khái niệm “hiếu học” nên được hiểu là “hiếu thi” thì đúng hơn là “hiếu tri”. Thực chất của “hiếu thi” là “hiếu điểm”, “hiếu bằng”, mà sâu xa “hiếu danh”, luôn khát khao theo theo đuổi mục tiêu “con người phận vị” (danh phận và địa vị) chứ không phải là “con người tự do”. Nếu các bậc cha mẹ là người “hiếu thi” thì cũng áp đặt tương lai cho con là phải có nhiều bằng cấp, có địa vị cao. Chính vì vậy nên xã hội hiện nay có không ít những thế hệ trẻ luôn hướng đến tiền tài, địa vị, danh vọng.

Chúng ta hay “than thở” rằng nhiều bạn trẻ ngày nay sống vô cảm và thiếu mục đích, điều này không đúng lắm. Tôi nghĩ phần đông giới trẻ đều sống có mục đích, vấn đề mục đích là gì thôi; tiền tài, địa vị, danh vọng cũng là một dạng mục đích đấy chứ. Tuy nhiên, những thứ đó có nên là mục đích không, hay chỉ nên là hệ quả của những gì mà mình đã làm thôi.

Còn những đứa trẻ ích kỷ và vô cảm thường là ‘sản phẩm’ của tình thương lệch lạc từ cha mẹ, thầy cô. Đó là tình thương vô minh, khi cha mẹ bảo bọc, cưng chiều con bằng một tình yêu thương vô minh, lệch lạc thì tất yếu sẽ xuất hiện những “đứa con trời”, muốn gì được nấy và hiển nhiên những đứa trẻ này khó mà trưởng thành một cách bình thường.

Vì vậy, con cái không chỉ được giáo dục ở “nhà trường” mà còn phải được học ở “nhà mẹ” rất nhiều. Và dạy con cũng là một khoa học, cha mẹ nào cũng cần phải học hỏi, tìm tòi để có thể hiểu biết được sự thay đổi tâm sinh lý của từng lứa tuổi, hiểu đúng, hiểu đủ về con mình để từ đó tìm ra phương thức dạy dỗ.

Điều quan trọng là phải hướng con cái tự chịu trách nhiệm về bản thân và có trách nhiệm với những người liên quan. Đó là những điều kiện tiên quyết để đứa trẻ có thể “làm người” với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Dù giáo dục Việt Nam đổi hoài không mới, nhưng trong những năm tháng hoạt động giáo dục, tôi luôn có niềm tin về những con người hiếu tri (chứ không phải chỉ hiếu thi), những con người mưu cầu “thực học”, để từ đó có “thực lực”, rồi “thực làm” và “thực sống” để trở thành con người tự do đúng nghĩa. Những con người này sẽ càng lúc càng nhiều, lực lượng này sẽ càng lúc càng đông đảo. Bởi lẽ, đến một lúc nào đó, ai rồi cũng sẽ muốn trở thành một con người tự do, được sống thực, sống đúng với con người của mình (chứ chẳng ai muốn sống giả, sống ảo, hay sống bản năng, hoang dã), đồng thời vẫn được người khác tin quý, tôn trọng.

- Xin cảm ơn ông về cuôc phỏng vấn này.

Năm 1993, Chính phủ ban hành quy chế đầu tiên về đại học ngoài công lập công nhận sự tồn tại của bốn loại hình trường: công lập, bán công, dân lập và tư thục.

Thế nhưng, quy chế này không được áp dụng mà lại áp dụng quy chế tạm thời về trường ĐH dân lập (do Bộ GD-ĐT ban hành năm 1994) để hợp thức hóa cho việc khai sinh hàng loạt trường.

Đến năm 2000, quy chế trường ĐH dân lập ra đời nhưng vẫn tiếp tục bất ổn khi quy định một trường ĐH dân lập phải do một tổ chức nào đó xây dựng (các trường phải tìm, hợp thức hóa một tổ chức dù thực tế tổ chức này không giúp được gì nếu không nói là vật cản đường). Trường theo chế độ sở hữu tập thể, nhưng không nói rõ tập thể nào là chủ sở hữu và quyền hạn của họ ra sao.

Đến năm 2005, Chính phủ có Nghị quyết 05 về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong đó quy định chỉ có hai loại trường ngoài công lập: dân lập và tư thục. Trong khi đó, Nghị định 75 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2005 lại quy định giáo dục ĐH chỉ có 2 loại hình: công lập và tư thục. Điều này có nghĩa là những trường ĐH dân lập tồn tại là trái luật. Theo Quyết định 122 của Chính phủ, có 19 trường ĐH dân lập phải hoàn thành chuyển đổi trước thời hạn 30/6/2007. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để ban hành quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi.

Tuy nhiên, đến nay, dù đã vượt qua cột mốc giới hạn khá lâu, tất cả những ngổn ngang của việc chuyển đổi vẫn còn chồng chất… Đến năm 2011, Quyết định 63 sửa đổi và bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động ĐH tư thục trong Quyết định 61. Đến năm 2013, Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực và chính thức thừa nhận sự phân biệt giữa trường ĐH tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Tiếp đó, Nghị định 141 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH và nêu rõ các quy định được công nhận là trường phi lợi nhuận và các chính sách ưu tiên. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một trường ĐH nào được công nhận là trường ĐH phi lợi nhuận. Theo nhiều chuyên gia, chúng ta khó có trường tư thục phi lợi nhuận đúng nghĩa như kiểu Harvard.

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI