Trở lại thăm đình Minh Hương Gia Thạnh - ngôi đình làng đầu tiên của người Hoa xây dựng trên đất Việt. Nhìn lên hàng tiếu tượng (tượng trang trí trên mái đình) tôi không thể tin vào mắt mình khi nhận ra hàng tượng quý hiếm ở di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia này đã bị kẻ gian đục trộm gần hết.
Tiếu tượng Cây Mai
Nằm trên trục đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, không gian kiến trúc của ngôi đình cổ Minh Hương Gia Thạnh đã trải qua hai cuộc chiến, cùng hơn hai trăm năm trơ gan tuế nguyệt, nhưng những đường nét, chi tiết trang trí trên mái đình cổ nhất vùng Chợ Lớn xưa vẫn nguyên vẹn, không chút sứt mẻ. Thế rồi khi đất nước thanh bình, cuộc sống khấm khá, vẻ đẹp những chi tiết trang trí trên nóc mái Minh Hương Gia Thạnh lại vô tình trở thành “báu vật” cho thị trường cổ ngoạn. Chỉ sau một đêm, hệ tượng trang trí trên mái đình bị kẻ gian lấy cắp hơn nửa. Kiến trúc mái đình Minh Hương từng là một trong số công trình hiếm hoi có quần thể tiếu tượng liên hoàn, đa dạng cả về số lượng lẫn quy mô của cả vùng Chợ Lớn.
|
Mảng trang trí Thiện Tài đồng tử và chuỗi tiếu tượng đã bị trộm khoét trên nóc mái đình Minh Hương |
Gốm Cây Mai - một thương hiệu nổi tiếng trên bản đồ gốm Việt, từng một thời hưng vượng ở cuối thế kỷ XIX, với những hiệu lò Đồng Hòa, Mai Sơn, Bửu Nguyên… tọa lạc tại khu Phú Lâm vùng Chợ Lớn. Bên cạnh những sản phẩm gốm gia dụng, trang trí sân vườn, gốm Cây Mai có một dòng đặc trưng khác là quần thể tiếu tượng (còn gọi là hí tượng = tượng vui) dùng trang trí ở các công trình tôn nghiêm như đình chùa, hội quán.
Khi người Hoa đến định cư vùng Sài Gòn - Chợ Lớn xưa mở lò gốm, nhóm nghệ nhân từ vùng Phật Sơn, Quảng Đông cũng đến lập nghiệp, họ là các “ông thầy nặn tượng” (công tử sư), chuyên tác tạo tiếu tượng. Điều thú vị khi nói đến loại hình trang trí kiến trúc này, là sự kỳ công trong chế tác, mỗi khối tiếu tượng bao gồm nhiều tượng nhỏ được tạo riêng lẻ với chiều cao 50-70cm, độ rộng từ 40-60cm, sau đó từng khối này khi đem nung sẽ ráp nối với các khối khác, tạo thành chuỗi trang trí liền mạch, theo từng chủ đề dựa trên tích truyện tiểu thuyết hoặc điển cố xưa.
Nhìn trong khối tiếu tượng, người xem bắt gặp hình ảnh lầu đài, đền các, cảnh đề thơ, ngâm vịnh, thiếu nữ gieo cầu, cảnh mua bán giao thương với người Âu. Đề tài cổ điển đậm văn hóa Á Đông mang hàm ý chúc phúc, an lành như Tùng - Lộc, Mai - Điểu, Phù Dung - Trĩ, ông Nhật - bà Nguyệt, Kim Đồng - Ngọc Nữ… cũng là điểm nổi trội trong quần thể tiếu tượng.
|
Vẻ đẹp của quần thể tiếu tượng ở nóc mái chính bị tàn phá nghiêm trọng |
Trở lại chuyện tiếu tượng trên mái đình Minh Hương ở số 380 Trần Hưng Đạo, đây là quần thể tượng đẹp, có bố cục trang trí chặt chẽ, hài hòa, tôn lên điểm nổi bật cho gian Võ Ca ở phần nóc mái. Nhìn từ chính diện, có thể thấy rõ bên trái còn dòng chữ trên nền cốt gốm ghi tên lò Đồng Hòa Diêu Tạo bên tượng Cá hóa long. Với lối phủ men xanh coban trên nền trắng ngà của cốt gốm, một lối phối màu đặc trưng của dòng gốm Cây Mai xưa. Hệ tiếu tượng ở đình Minh Hương được xác định thời gian làm từ năm Tân Sửu, với hàng chữ Tân Sửu niên lập (1901) còn ghi rõ ở bên góc phải mái đình.
Đánh cắp di sản
Có thể khẳng định trong các loại hình gốm Cây Mai, quần thể tiếu tượng là một nét đặc thù, khác biệt hẳn với các dòng gốm khác trên thị trường. Tương truyền khi các lò gốm vùng Chợ Lớn giải thể đầu thế kỷ XX, nghệ nhân gốm Cây Mai chuyển về Lái Thiêu, Biên Hòa để cho ra các dòng sản phẩm gốm Nam bộ khác, việc chế tác tiếu tượng thất truyền từ đó. Thế nên, những mái đình vùng Chợ Lớn và các tỉnh thuộc vùng Nam bộ có trang trí tiếu tượng, đều là những tác phẩm giá trị không chỉ về mỹ thuật, mà còn thấy ở đó giá trị văn hóa, lịch sử vượt thời gian.
Ở góc độ sưu tầm, mỗi bức tượng gốm Cây Mai khi xuất hiện ngoài thị trường, đều được giới chuyên môn trong và ngoài nước nhiệt tình đón nhận, bởi vẻ đẹp mộc mạc, có hồn nhờ lối tạo hình cùng kỹ thuật phủ men đặc trưng với những gam màu trầm của gốm Cây Mai.
|
Tên hiệu lò Mai Sơn (chữ nhỏ) Đồng Hòa Diêu Tạo (chữ lớn) thương hiệu gốm Cây Mai nổi tiếng của Sài Gòn xưa |
Các cuộc triển lãm phối hợp giữa nhà sưu tập, các bảo tàng ở TP.HCM, Bình Dương… có hiện vật gốm Cây Mai, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều cứ liệu thú vị về gốm Cây Mai, khiến cho dòng gốm thất truyền này càng rạng danh hơn, việc sở hữu một món đồ gốm Cây Mai được xem như báu vật trân ngoạn. Nhưng cũng từ đó, quần thể tiếu tượng trên các mái đình bắt đầu bị kẻ gian nhòm ngó, và dấu tích tàn phá nay còn lưu lại nham nhở trên mái đình Minh Hương là một ví dụ điển hình.
Vị quản trị đình Minh Hương Gia Thạnh đau xót kể lại vụ mất trộm bộ tiếu tượng chỉ trong một đêm, kẻ gian bắc thang trèo lên mái đình, đục hàng loạt tượng nhỏ ở khối trang trí chính, để lại các khoảng trống nham nhở, lỗ chỗ những thân tượng gãy rời, cái cụt đầu, cái chỉ còn lại phần chân đế. Hàng tiếu tượng trang trí ở đình Minh Hương có phong cách chế tác theo một kiểu thức riêng, tiếu tượng ở đây được bố cục ngang hàng theo một lớp, đan nhau dày đặc, tạo nên quần thể nhộn nhịp, sống động và vui mắt.
Có dịp đi qua các cộng đồng Hoa kiều quanh khu vực Đông Nam Á, không gặp ở đâu các kiến trúc có lối trang trí tiếu tượng dày đặc, đa dạng hình ảnh, đề tài, kiểu thức như quần thể tiếu tượng trên mái đình chùa và hội quán vùng Chợ Lớn. Ở Quảng Châu, còn lại di tích Trần Gia là có kiểu thức trang trí tiếu tượng tương tự nhưng quy mô và bố cục không thể sánh bằng. Thật buồn khi phải chứng kiến những giá trị góp phần tạo nét đẹp riêng cho đình miếu Chợ Lớn, đã vững bền cùng mưa nắng, thăng trầm, nay lại đang dần bị hủy hoại và biến mất trước sự vô tâm và ích kỷ của con người.
|
Gian chính Võ Ca với hoành phi, liễn đối được bảo tồn toàn vẹn |
Khải An