Chưa mạnh dạn đầu tư do không đảm bảo lợi nhuận
Theo một số doanh nghiệp (DN), để đầu tư phát triển thương mại điện tử (TMĐT) cần phải có một bộ máy nhân sự riêng biệt và nguồn vốn đầu tư lớn để vận hành, quản lý. Chi phí cao nhưng doanh thu bán hàng không bằng bán hàng trực tiếp, không đảm bảo lợi nhuận nên chưa dám đầu tư.
Bên cạnh đó, bán hàng qua mạng hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào đặc thù ngành hàng, sản phẩm. Đặc biệt, đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh cần được bảo quản cả trong quá trình vận chuyển.
|
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó TGĐ Saigon Food (cầm micro), NTD Việt Nam vẫn có thói quen muốn sờ tận tay, thấy tận mắt để đánh giá chất lượng sản phẩm tốt thì mới yên tâm mua dùng |
Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Saigon Food cho biết cũng chỉ mới bắt đầu bán hàng online trong nước và chủ yếu tập trung vào các mùa lễ, Tết nhưng đã gặp không ít khó khăn ở khâu giao nhận hàng. Vì vậy, hiện Saigon Food chỉ bán chủ yếu các sản phẩm đóng gói ăn liền chứ chưa tiện bán thủy hải sản đông lạnh, do khâu bảo quản trong quá trình vận chuyển chưa đảm bảo.
“Chúng tôi có hợp tác với một số trang TMĐT nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn vì chi phí cao và chưa tiếp cận được khách hàng hiệu quả”, bà Lâm nói.
Ngay cả các trang TMĐT của các nhà bán lẻ lớn hiện nay cũng mới chỉ tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng, điện tử, điện máy, gia dụng, may mặc, hóa mỹ phẩm,… Còn nhóm hàng thực phẩm bán online rất ít bởi theo một số nhà bán lẻ, khi mua thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau củ, trái cây,…), người tiêu dùng vẫn có thói quen muốn sờ tận tay, thấy tận mắt để đánh giá chất lượng sản phẩm tốt thì mới yên tâm mua dùng.
Bên cạnh đó, khâu giao nhận, đổi trả hàng khi mua hàng qua mạng cũng khiến nhiều người ái ngại khi chọn mua sắm qua kênh này. Đó là một trong những lý do khiến nhiều DN, nhà bán lẻ VN không mặn mà đầu tư phát triển TMĐT, nói gì đến bán hàng xuyên biên giới.
Phát triển đa kênh để có đối trọng
Theo TS.Đoàn Đình Hoàng – Chuyên gia thương hiệu, thị trường, khi TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh thì người người sẽ “đổ hàng” lên các trang này bán và kênh bán hàng truyền thống sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, từ bây giờ, các đơn vị bán lẻ cần phát triển song song cả hai loại hình bán hàng trực tiếp và bán hàng qua các kênh TMĐT để bắt kịp xu hướng, bổ trợ cho nhau giữ chân khách hàng.
|
Theo TS.Đoàn Đình Hoàng, khi TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh thì người người sẽ “đổ hàng” lên các trang này bán và kênh bán hàng truyền thống sẽ bị ảnh hưởng. |
Khi có sự tham gia mạnh hơn của các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là Amazon sẽ kích thích mua bán online phát triển với tốc độ nhanh hơn, thị trường logistic sẽ tăng trưởng mạnh. NTD có nhiều sự lựa chọn hơn và dễ dàng mua được hàng hóa nước ngoài với chi phí vận chuyển hàng thấp hơn nhiều so với mức hiện nay. Đây là cơ hội cho các DN VN bán sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài, nhưng cũng là thử thách, đánh giá năng lực đầu tư, phát triển TMĐT của DN mình đến đâu.
Song TS.Hoàng nhìn nhận, giao dịch trên các trang TMĐT quốc tế đang là xu hướng toàn cầu, nhưng hiệu quả tùy thuộc vào năng lực của từng DN và DN không nên để lệ thuộc vào các trang mạng quốc tế, nên mở rộng bán hàng đa kênh với cả các trang thương mại của VN như Tiki, Sendo… để có đối trọng, vì nếu chỉ lệ thuộc vào “một cửa”, sau này họ “siết cổ” bằng các quy định, điều khoản riêng thì DN phải “è lưng” chịu.
“TMĐT không phải dễ làm, đòi hỏi phải đầu tư kỹ thuật, nhân sự chuyên biệt cho từng khâu tổ chức hàng hóa, nguồn hàng, thanh toán, giao nhận, đổi trả hàng… Trong khi, năng lực về logistic, nguồn vốn của các DN vừa và nhỏ của VN còn rất hạn chế. Nói như vậy không có nghĩa DN cứ ung dung ngoài cuộc chơi, nên nhanh chóng đầu tư bài bản TMĐT, nếu không muốn thua cuộc vì bán hàng offline theo cách truyền thống sẽ ngày càng bị thu hẹp lại.
Chưa kể, nếu tham gia chậm, thị phần bán hàng online sẽ lại rơi vào các “đại gia” nước ngoài, giống như thị trường bán lẻ trực tiếp hiện nay. Đây là xu hướng tất yếu của thế giới, đơn vị nào yếu về TMĐT sẽ bị đào thải. Nên đầu tư nhân sự tập trung phát triển bán hàng online, không chỉ bán hàng trong nước mà cả bán hàng xuyên biên giới. Khi Amazon sang VN hỗ trợ, DN VN nên tận dụng cơ hội này để nắm rõ cách thức bán hàng qua các nước. Từ kinh nghiệm làm việc được với Amazon, DN cũng sẽ giao thương quốc tế được qua các trang Alibaba, eBay, Taobao,…”, TS.Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh DN cần chủ động vốn, nguồn lực, kỹ thuật, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin… để hội nhập thương mại quốc tế thì Chính phủ cần hỗ trợ thêm về hạ tầng công nghệ thông tin và miễn thu thuế giai đoạn đầu khi DN đẩy mạnh phát triển TMĐT như cách Mỹ đã hỗ trợ cho DN của họ.
Thu thuế TMĐT xuyên biên giới có dễ?
TMĐT xuyên biên giới đặt ra thách thức không chỉ với các DN Việt mà còn là thách thức với cả cơ quan quản lý thuế. Theo các chuyên gia việc quản lý thuế, đối với các loại hình TMĐT xuyên biên giới cần nhanh nhạy hơn nữa vì việc kiểm soát nguồn thuế từ các giao dịch này đem lại nguồn thu lớn cho Nhà nước.
Song, theo Tổng cục Thuế, trong nền kinh tế số sẽ phát sinh nhiều khoản doanh thu/thu nhập mà việc xác định nó là thu nhập từ hoạt động kinh doanh hay phí bản quyền cũng là một thách thức không nhỏ trong quản lý thuế đối với giao dịch xuyên biên giới.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, công tác quản lý thuế đối với TMĐT vẫn gặp khó khăn xuất phát từ đặc trưng vốn có của nền kinh tế số, cũng như các chính sách chưa được hoàn thiện.
Cụ thể, cơ chế thu thuế nhà thầu thông qua bên đại diện cho nhà thầu nước ngoài tại VN nộp thuế trước khi thanh toán cho nước ngoài không còn phù hợp trong môi trường TMĐT với sự mở rộng của các hình thức kinh doanh đa bên và đa dạng các hình thức thanh toán. Thông tư thuế nhà thầu chưa có quy định về cơ chế thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN đối với cá nhân tiêu dùng sản phẩm dịch vụ xuyên biên giới. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể rõ ràng đâu là hàng hóa, dịch vụ được dùng trong TMĐT.
Theo quy định, nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Cơ quan thuế đã gửi tin nhắn đến các tài khoản kinh doanh qua mạng đến kê khai nộp thuế nhưng không đạt được kết quả mong muốn.
Được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng cơ sở dữ liệu riêng để quản lý doanh nghiệp (DN) kinh doanh TMĐT gồm các thông tin: Định danh, thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế, thông tin về tính hình tài chính…và cơ quan thuế đang tích cực tìm giải pháp để tránh thất thu thuế TMĐT xuyên biên giới.
Tổng cục Thuế cũng đang nghiên cứu để có tham mưu đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đối với TMĐT xuyên biên giới. Trong đó, sẽ xây dựng quy định cụ thể phân loại SP trong giao dịch TMĐT là các sản phẩm đặc thù. Đặc biệt, sẽ đề xuất quy định rõ hơn về cơ sở thường trú và các nhân cư trú đối với các trường hợp thực hiện TMĐT làm cơ sở xác định nghĩa vụ thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, theo đại diện Tổng cục Thuế, để quản lý thuế loại hình TMĐT xuyên biên giới, cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất quy định ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng đối với các giao dịch xuyên biên giới của các DN không cư trú, không có cơ sở thường trú phù hợp với thực tiễn kinh doanh TMĐT.
|
Nguyễn Cẩm
Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 3: Làm sao tránh rủi ro và bán được hàng?