Thương mại điện tử và live stream bán hàng bủa vây người tiêu dùng

03/10/2023 - 06:04

PNO - Bên cạnh các sàn thương mại điện tử, sự bùng nổ hình thức bán hàng bằng cách live stream trên mạng xã hội đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng của mọi người. Thế nhưng, đi kèm với tính tiện dụng của hình thức này, người tiêu dùng cũng có thể gặp rủi ro.

Tách biệt thương mại điện tử và bán hàng qua mạng xã hội

Thay vì chào mời những vị khách đi ngang qua gian hàng của mình tại chợ Tanah Abang ở Jakarta, Indonesia như lâu nay, anh Andre Oktavianus quyết định dùng mạng xã hội (MXH) để thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Kể từ khi bắt đầu bán hàng qua hình thức live stream (phát trực tiếp) vào năm 2017, người đàn ông 37 tuổi cho biết, doanh số bán hàng của anh đã tăng lên.

Chính phủ Indonesia đang cân nhắc việc ban hành lệnh cấm hoạt động mua sắm qua mạng xã hội để bảo vệ  những doanh nghiệp nhỏ, người buôn bán truyền thống - Nguồn ảnh: AFP
Chính phủ Indonesia đang cân nhắc việc ban hành lệnh cấm hoạt động mua sắm qua mạng xã hội để bảo vệ những doanh nghiệp nhỏ, người buôn bán truyền thống - Nguồn ảnh: AFP

Anh Oktavianus chia sẻ: “Từ khi ra mắt vào khoảng 2 năm trước, TikTok Shop nói riêng đã giúp tôi tăng tốc độ bán hàng và xoay vòng vốn từ 30% đến 40%”. 

Hình thức mua sắm trực tiếp qua live stream đang gia tăng ở quốc gia vạn đảo. Một báo cáo của công ty nghiên cứu kinh doanh Momentum Works có trụ sở tại Singapore cho thấy, Indonesia là quốc gia chi tiêu trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á vào năm 2022, chiếm 52% tổng giá trị hàng hóa mua bán qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) của khu vực (51,9 tỉ USD trên tổng số 99,5 tỉ USD).

Tuy nhiên, khoảng thời gian thịnh vượng của các doanh nhân sử dụng MXH để tạo doanh thu có thể không kéo dài lâu nữa. Chính phủ Indonesia bắt đầu tìm cách ngăn chặn các công ty truyền thông xã hội cho phép người dùng mua hàng trực tuyến.

Một số quan chức cấp cao kêu gọi tách biệt MXH và TMĐT, nhắm vào các công ty như TikTok và Shopee, với lý do hoạt động thương mại xã hội đang đe dọa các doanh nghiệp địa phương và nhỏ. Điều này nghĩa là Facebook, TikTok và các nền tảng truyền thông xã hội khác ở Indonesia chỉ có thể được sử dụng để tiếp thị và thông tin khuyến mãi, chứ không được mua bán trực tiếp sản phẩm và dịch vụ.

Rủi ro cho người tiêu dùng

TikTok không phải là MXH duy nhất chuyển hướng sang TMĐT, Instagram, Facebook, YouTube và Snapchat cũng đã thử nghiệm tính năng mua sắm trong ứng dụng. Tuy vậy, cộng đồng tương tác cao và thuật toán được điều chỉnh cẩn thận của TikTok là điểm thu hút đáng kể đối với các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp xa lạ có thể đưa video của mình đến với hàng triệu người và những người mua 1 lần dễ dàng chuyển đổi thành những người theo dõi lâu dài.

Tại Mỹ, TikTok bắt đầu thử nghiệm các công cụ giúp doanh nghiệp bán sản phẩm ngay trong ứng dụng từ năm 2022, trước khi ra mắt chính thức TikTok Shop vào tháng 9/2023. Người dùng cho biết họ tiếp cận nhiều nội dung mua sắm hơn tại mục “Dành cho bạn”, bao gồm các video sản phẩm mà mọi người có thể chọn để đưa vào giỏ hàng trong ứng dụng của mình. Tuy nhiên, thuật toán giúp đưa sản phẩm hợp pháp lên trạng thái thịnh hành có thể bị lợi dụng bởi những kẻ lừa đảo. Một số người dùng báo cáo việc gặp phải những video có lượt xem và lượt thích cao, quảng cáo các công ty hoặc sản phẩm đáng ngờ.

Theo trang Washington Post, người tiêu dùng rất khó nhận biết ngay sản phẩm và người bán nào là đáng tin cậy. Becky Entrican - một cô gái 23 tuổi sống tại bang Indiana, Mỹ - đã đặt mua áo phông từ một người bán hàng trên TikTok vào tháng Hai. Theo Entrican, người bán có vẻ đáng tin cậy và thu hút sự quan tâm của mọi người. Nhưng đến tận tháng Tám, đơn hàng của Entrican vẫn chưa được giao và cô gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin cập nhật về đơn hàng, cũng như phương án hoàn tiền. Entrican nói: “Tôi đã không mua bất cứ thứ gì thông qua TikTok kể từ trải nghiệm trên”.

Lừa đảo không phải là vấn đề duy nhất mà người mua hàng có thể gặp phải. Dù TikTok Shop chặn hoàn toàn đối với các tài khoản dưới 18 tuổi, trẻ vị thành niên vẫn có thể tiếp cận các sản phẩm tiềm ẩn nguy hiểm được rao bán thông qua thanh tìm kiếm thông thường.

Khi một phóng viên của Washington Post đã tìm kiếm cụm từ “thuốc giảm cân” bằng tài khoản của một đứa trẻ 14 tuổi, kết quả tìm kiếm đầu tiên dẫn đến hồ sơ liên kết với trang web của bên thứ ba rao bán thuốc phentermine - một loại thuốc giảm cân cần kê đơn.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Olivia Little từ tổ chức phi lợi nhuận chuyên về giám sát truyền thông Media Matters (Mỹ) nhận xét: “Nếu TikTok Shop cố gắng mở rộng nhanh chóng mà không kiểm tra cẩn thận sản phẩm và ưu tiên sự an toàn của người dùng thì nó sẽ trở thành cơn ác mộng đối với mọi người”. 

Linh La 

(theo Washington Post, Straits Times, Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI