Thương mãi đĩa trầu cay

10/06/2024 - 06:26

PNO - Để nhắc bản thân không được quên tấm lòng thủy chung của người vợ thảo, chỉ một đĩa cau trầu mà chờ đợi suốt 9 năm, ông đã trồng 2 hàng cau trước ngõ.

Ngày ấy, chỉ vì cha mẹ ông mang cau trầu sang dạm ngõ mà bà chờ ông mòn mỏi 9 năm ròng. 9 năm, ông vật lộn giữa rừng sâu núi thẳm, đạn lạc, bom rơi là 9 năm tuổi thanh xuân của bà trôi đi lặng lẽ. Không một lá thư, không tin tức gì kể từ khi ông vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Ai cũng nghĩ rằng ông đã hy sinh nên khuyên bà đi lấy chồng kẻo lỡ thì con gái. Bà lặng lẽ giấu nỗi buồn vào trong đáy mắt rồi vẫn cặm cụi chăm lo ruộng nương, lúc rảnh rỗi thì qua nhà phụ cha mẹ ông việc này, việc nọ. Cái nết hiền lành, chịu khó, gương mặt lại ưa nhìn nên nhiều người để ý, nhưng bà chẳng bao giờ xao động, nhòm ngó đến ai. Bà cứ đinh ninh rồi ông sẽ trở về.

Ảnh Shutterstock
Ảnh Shutterstock

Ông đã trở về khi hòa bình lập lại. Họ đoàn viên trong hạnh phúc của 2 nhà và bà con chòm xóm. Ngày vu quy, vật phẩm quý giá nhất là những đĩa trầu cay têm hình cánh phượng mời họ hàng đôi bên. Ai nấy đều vui, mừng cho đôi lứa nên duyên. Trong tay ông, mắt bà rưng rưng dòng lệ. Hạnh phúc đã mỉm cười từ đĩa trầu cay.

Để nhắc bản thân không được quên tấm lòng thủy chung của người vợ thảo, chỉ một đĩa cau trầu mà chờ đợi suốt 9 năm, ông đã trồng 2 hàng cau trước ngõ, ở giữa là 1 giàn trầu xanh tốt quanh năm. Mỗi khi anh em họ hàng hay bà con lối xóm có việc cưới xin dạm hỏi, ông đều mời họ lấy cau trầu vườn mình làm lễ vật, để lấy phước duyên may mắn của ông bà.

Ông thường nhắc đám thanh niên - người chồng như cây cau, sống đàng hoàng ngay thẳng, mạnh mẽ vươn lên giữa đất trời nắng gió, làm chỗ dựa vững chắc che chở cho vợ, cho con. Còn người vợ hãy như dây trầu, biết thân mềm lá yếu nên tìm nơi nương tựa, để vươn lên trước giông tố cuộc đời. Tôi nhìn bàn tay ông chăm chút giàn trầu năm này qua năm khác, rồi thái độ nâng niu mỗi khi hái lá trầu mà cảm nhận tình yêu và sự trân trọng ông dành cho bà không gì so sánh được. Nụ cười hạnh phúc, vì thế, cứ vang ngân trong ngôi nhà nhỏ ấy.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Khi những chiếc răng của bà bắt đầu lung lay, không còn nhai trầu được nữa; thấy bà loay hoay giã trầu bằng những đồ dùng tạm bợ, ông đã dành cả ngày trời đạp xe đi chợ huyện xa để mua chiếc cối cho bà. Rồi đến khi mắt bà mờ đục, ngoài việc chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, tắm gội cho bà thì mỗi ngày mấy bận, ông tỉ mẩn hái, têm rồi giã nhuyễn từng miếng trầu để bà nhai cho khuây khỏa; miệng lúc nào cũng kể chuyện vui chọc bà cười.

Gần 50 năm chung sống, bà đã cùng ông vượt qua bao sóng gió, chưa một lần bà than vãn hay hờn trách mà chỉ một lòng một dạ chăm lo cho mái ấm vuông tròn. Ông thương bà, thương mãi đĩa trầu cay.

Lê Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI