Thương má một đời nắng mưa

11/04/2024 - 06:22

PNO - Má nghĩ nếu bỏ chợ, không buôn bán thì coi như ngày đó không có đồng lời, mấy chị em tôi sẽ lại thiếu những bữa cơm có chút cá, chút thịt. Nhà nghèo nhất nhì trong thôn, nhưng má chưa bao giờ để chị em tôi thiếu đói.

Những năm thập niên 1980, nhà tôi ở Quảng Ngãi còn nghèo khó. Ngoài làm ruộng, má tôi phải bán mít, bán bắp nướng, quần áo rồi đến bán gạo, thịt heo để kiếm tiền nuôi 7 chị em tôi ăn học. Trong ký ức tuổi thơ, tôi cứ nhớ chừng hơn 3 hay 4 giờ sáng là má đã lọ mọ thức dậy để chuẩn bị quang gánh ra chợ buôn bán.

Má bán cả ngày, đến tối mịt mới trở về nhà. Nhớ hồi má còn theo cô Mười Chi bán gạo, tôi hay được theo ra chợ phụ má. Có khi buổi trưa má về nhà để ăn cơm. Trưa nắng, ngồi sau lưng để má chở về trên chiếc xe đạp kêu cọc cạch, tôi để ý, thấy chiếc áo bà ba má mặc trên người "thâm kim", ướt đẫm lẫn mùi mồ hôi, tôi thương má vô cùng. Có lần, má bị kẻ gian lấy mấy túi tiền lẻ, má khóc đến hết nước mắt, rồi tự an ủi mình: "Thôi, của đi thay người".

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Miền Trung quê tôi vào những ngày mưa gió dầm dề, bão lũ triền miên, má vẫn nhất quyết không bỏ chợ vì má nghĩ nếu bỏ chợ, không buôn bán thì coi như ngày đó không có đồng lời, mấy chị em tôi sẽ lại thiếu những bữa cơm có chút cá, chút thịt. Nhà nghèo nhất nhì trong thôn, nhưng má chưa bao giờ để chị em tôi thiếu đói.

Ngày tôi vào TPHCM học đại học, má gom góp bán mấy giạ lúa và 1 chỉ vàng má để dành được trong những năm tháng buôn bán sớm hôm ngoài chợ để tôi làm lộ phí và đóng học phí. Má dặn, cố gắng học hành để sau này thoát nghèo. Ước mong làm giàu và đổi đời của gia đình tôi trông chờ vào những con chữ trên giảng đường đại học.

Năm má ngoài 60 tuổi, có lần má đang ngồi bán ngoài chợ bỗng lên cơn mệt, té xỉu; thế là bà con tiểu thương xúm lại, người cạo gió, người pha nước chanh để má uống cho khỏe. Từ dạo đó, vì lo lắng cho má, mấy chị em tôi bàn nhau nói má nghỉ ngơi, đừng ra chợ buôn bán nữa, vì giờ đây chị em tôi đã đủ sức để lo cho má.

Nhưng má nào có chịu, má bảo má còn khỏe, còn ra ngoài buôn bán được nên mấy chị em tôi không phải lo. Vì lo cho sức khỏe của má, chị em tôi cứ theo má "nhỏ to" rồi nài nỉ, đến cả "dọa" má, cuối cùng má cũng đành chấp nhận nghỉ ở nhà, không ra chợ nữa.

Má của tác giả trong ngày 8/3. Vào những ngày lễ, tết… các con lại tranh nhau tặng hoa, tặng quà cho má
Má của tác giả trong ngày 8/3. Vào những ngày lễ, tết… các con lại tranh nhau tặng hoa, tặng quà cho má

Những ngày tháng ở nhà, chúng tôi biết má buồn, nhớ chợ, nhớ cái chỗ ngồi đã nhiều năm và nhớ cả bạn hàng thân thiết. Có khi, chị Hai, chị Năm tôi đi bán ở chợ về, má lại dò hỏi theo thói quen "chợ hôm nay có đông không con", "chợ hôm nay có bán được không con"...

Tôi biết, cả đời má gắn bó với cái chợ này, từ tuổi trẻ cho đến khi về già, mấy chục năm vui buồn, nắng mưa ở chợ thì làm sao má dễ dàng quên được.

Má tôi năm nay đã gần 80 tuổi - cái tuổi "mẹ già như chuối chín cây", được thảnh thơi vui vầy bên con cháu. Má xứng đáng được thảnh thơi, được chăm sóc, được có niềm vui của tuổi già bên con cháu vì lẽ cả một đời má đã quá nhọc nhằn với "chợ đời", đã tần tảo sớm hôm để kiếm từng đồng nuôi đàn con ăn học nên người.

Nguyễn Đước

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI