Thương lắm những câu chuyện quê nhà

06/04/2024 - 07:21

PNO - Từng câu chuyện trong Mưa qua Triền Rang giản dị, không nhiều tình tiết gay cấn nhưng vẫn đủ để người đọc đồng cảm và thương. Khắp cuốn sách là những phận nghèo nhưng lương thiện, những chia sẻ, yêu thương mộc mạc, giản dị mà rất đượm tình người.

Tôi tình cờ “nhìn thấy” Mưa qua Triền Rang (Nhà xuất bản Thế Giới) trên mạng xã hội, với lời “rao” của chính tác giả. Bật lên trong đầu tôi là câu hỏi, Triền Rang là ở xứ nào nhỉ.

Đến khi cầm cuốn sách ấy trên tay, tôi chợt nghĩ, có khi đó chỉ là một địa danh tưởng tượng về một xứ hạn hán “như rang” nào đó đang ngóng một cơn mưa. Ừ, biết đâu... Xuất hiện trong các trang sách là xóm Cây Duối, là đỉnh Cà Tang, là sông Thu Bồn, là bà Năm, là bà Hai, là ông Bảy, là cu Ốc, là dốc chợ, là cái làng xa xăm quê kiểng nào đó mà ấu thơ của ai cũng đã từng…



Có thể độc giả cũng sẽ như tôi, thoáng chút ngơ ngác khi lật giở vài truyện đầu tiên. Sao chưa thấy gì nổi bật? Vậy nhưng, tôi đã dành nhiều thời gian sau đó để nhẩn nha thêm từng trang còn lại của cuốn sách.

Cốt truyện không hề đặc biệt, đôi khi khá dễ đoán. Là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa 2 người bạn cũ, một người từ quê vào khám bệnh, một người đang là công nhân ở thị thành. Là cậu học trò về thăm thầy giáo cũ, bắt gặp con gái của thầy đang ngắt hoa cuối mùa xuân để phơi. Là 2 ông bà hàng xóm giận nhau vì vài lý do vụn vặt. Là đôi vợ chồng nghèo đang sửa soạn để đón đứa con tha phương trở về lánh nạn…

Thế thôi, mà vẫn đủ để nắm níu được người đọc. Với Mưa qua Triền Rang, tôi như hình dung ra một vùng quê heo hút, với rất nhiều nhân vật bình dị đời thường.

Như ông thầy giáo “tên Sang mà chẳng sang” trong Một cuộc đời sang trọng”. Người viết chơi chữ, nhẹ nhàng mà dễ thương, nhìn tưởng đơn giản mà nhiều ẩn ý. Thầy Sang vừa đi dạy, vừa… nuôi heo, thường xuyên đi cắt rau, nấu cháo, chăm bẵm bầy heo nhà mình, không phải để cưới vợ mà là để đóng tiền học, tiền ăn, tiền trọ cho từng lớp học trò nghèo.

Tôi đặc biệt thích truyện ngắn Tiệm của đàn bà. An - một cô gái trẻ, rời làng theo học nghề làm móng gội đầu, xong ra mở tiệm. Trải qua một trận đánh ghen vu vơ, An treo biển chỉ phục vụ khách nữ. Tiệm dần đông hơn, các quý bà ở thị trấn thừa tiền ham phù phiếm, thoải mái kể về những vụng trộm của mình khiến An dần không còn thấy niềm vui. Cô về quê mở tiệm, để rồi hằng ngày chăm sóc cho những đôi chân lội trong nước ruộng, leo lên những vách đá, những con đường rừng đầy gai bụi.

Họa hoằn lắm mới được đặt lên một cái khăn mềm êm, nên với những bàn chân ấy, An làm rất lâu. Tiền công, tất nhiên cũng không thể được như thuở trước.

“Có khi, họ đứng lặng nhìn mái tóc bạc đã được An nhuộm lại. Trong gương là một người đàn bà khác, đẹp hơn, trẻ hơn…”. Những câu từ đơn giản đó khiến người đọc phải mềm lòng.

Vì thương, vì bất ngờ trước sự thấu hiểu, thiện lương và đồng cảm mà tác giả dành cho những phận người bé nhỏ, bình dị ở quê. Tấm lòng đơn sơ mà bừng sáng của một cô chủ tiệm làm móng bình dân ở ý tứ cuối của truyện khiến tôi phải thổn thức. Đó là khi An cho người đàn bà thường đứng trú mưa trước cửa tiệm mượn bộ áo dài của mẹ cô, để bà tự tin mà ngồi sui…

Tác giả Như Hiền sinh ở Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại TPHCM. Người ta bảo văn là người, nên tôi hình dung ra một phụ nữ tuổi Canh Ngọ vẫn luôn thương nhớ đồng quê, gần gũi và hiểu từng người làng đến tận cùng. Từng câu chuyện giản dị, không nhiều tình tiết gay cấn nhưng vẫn đủ để người đọc đồng cảm và thương.

Khắp cuốn sách là những phận nghèo nhưng lương thiện, những chia sẻ, yêu thương mộc mạc, giản dị mà rất đượm tình người. Dẫu có chút xéo xắt thì cũng vì cái cực, cái khổ, cái đói mà ra. Và Như Hiền, bằng sự quan sát tỉ mỉ cùng trái tim thuần hậu đã kể cho chúng ta những câu chuyện quê nhà thật nhân văn và thấm thía.

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI