Thương hoài đu đủ mỏ vịt

21/01/2025 - 07:22

PNO - Nhiều người tưởng đó là một giống đu đủ, nhưng thật ra đó chỉ là cách gọi của người miền Tây, chỉ trái đu đủ già vừa chớm chín.

Đu đủ gần chín, thường được người miền Tây gọi là đu đủ mỏ vịt
Đu đủ gần chín, thường được người miền Tây gọi là đu đủ mỏ vịt

“Ai đu đủ mỏ vịt hông… Đu đủ mỏ vịt ăn hoài không ngán đây…”. Tiếng mời chào của cô hàng rau ven đường làm tôi chú ý. Hình như đã mấy chục năm rồi, từ ngày lên thành phố học rồi lập nghiệp, tôi mới được nghe lại cụm từ “đu đủ mỏ vịt”. Dừng xe lại, tôi ghé vào mân mê những trái đu đủ mới chín hườm hườm, chọn mua vài trái.

Nếu hỏi món ngon tuổi thơ tôi nhớ nhất là gì, câu trả lời sẽ là đu đủ mỏ vịt. Nhiều người tưởng đó là một giống đu đủ, nhưng thật ra đó chỉ là cách gọi của người miền Tây, chỉ trái đu đủ già vừa chớm chín. Lúc đó, thịt đu đủ có màu đỏ phớt hồng, giống màu mỏ của mấy chú vịt đồng.

Ngày tôi còn nhỏ cũng là giai đoạn mà má kể nhiều người phải ăn độn bo bo với cơm. Ba má lo đi làm kiếm tiền lo 2 bữa chính đã bở hơi tai, tiền đâu mà mua kẹo bánh, trái cây cho con nít. Mà thời đó hàng hóa cũng khan hiếm, người có tiền cũng chưa chắc mua được thức gì lạ, ngon. Cho nên lũ trẻ chúng tôi chỉ trông vào mấy cây đu đủ ở góc sân nhà.

Hồi đó, má dặn đu đủ phải để dành chín cây, hái đem để trên bàn thờ thắp nhang cúng ngày rằm, mùng Một. Ấy vậy mà chỉ chờ cho trái đu đủ xanh vừa chuyển lốm đốm vàng trên vỏ là chúng tôi liền lén hái. Anh Ba dùng cây sào nhỏ chọt cho trái rớt xuống. Tôi nhanh chóng múc thau nước đem ra cho chị Hai. Chị Hai thì lén giấu con dao 2 lưỡi của má đem ra sau hè và bắt đầu gọt vỏ.

Dưới bàn tay khéo léo của chị, từng miếng đu đủ hình vuông, hình chữ nhật hiện ra. Chẳng cần chế biến gì, cứ thế nguyên dĩa đu đủ chui vèo vào bụng những đứa trẻ háu đói. Cái giòn ngọt thanh tao của đu đủ mỏ vịt cứ thế theo chúng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ.

Lần ba má đi vắng, chị Hai còn nảy ra sáng kiến bắt chước người ta làm gỏi đu đủ đãi đám em út. Nếu như ngày nay gỏi đu đủ còn có khô bò, thịt heo, tôm luộc thì ngày đó chúng tôi chỉ làm gỏi chay.

Miếng đu đủ mỏ vịt được chị Hai bào mỏng thành sợi. Chị sai tôi ra vườn hái ít đọt rau răm, rau quế, rau húng, bẻ thêm trái chanh cho chị pha nước trộn gỏi. Hỗn hợp đu đủ bào, rau thơm xắt nhuyễn được trộn đều cùng nước cốt chanh pha loãng, hòa thêm chút đường, muối, nước mắm… vậy mà ngon “thần sầu”. Anh Ba còn có sáng kiến hái thêm đọt lá cách cuốn gỏi, chấm nước mắm pha.

Mấy chị em ăn thôi chưa đủ, chúng tôi còn mở “tiệc” mời mấy đứa hàng xóm qua ăn chung. Lần đó, bao nhiêu trái đu đủ gần chín đều bị vặt sạch. Tới chừng ba má về, nhìn thấy 3 cây đu đủ chỉ còn chùm lá trên ngọn và lèo tèo mấy trái non, ba giận quá, kêu 3 chị em tôi nằm xuống bộ đi-văng ở phòng khách. Lần đó, chị Hai đứng ra nhận hết phần lỗi, nhận luôn mấy roi cho các em. Tôi với anh Ba nhìn cái roi mây trên tay ba mà sợ xanh mặt.

Đem mấy trái đu đủ mỏ vịt từ chợ về, tôi nhờ vợ gọt, bày ra dĩa. 2 đứa con đã học tới đại học cũng chưa từng ăn món này, xúm lại hỏi ba trái gì lạ vậy. Bỏ miếng đu đủ giòn kháu, ngọt ngào vô miệng, tôi nghe mắt mình cay cay.

Chị Hai không còn nữa. Một cơn bạo bệnh đã khiến chị bỏ lại mẹ già, bỏ lại chúng tôi mà về miền mây trắng. Cho tới ngày ra đi, chị vẫn chưa lập gia đình. Tôi thì thầm: “Chị ơi, hôm nay thằng Út sẽ tự tay mần món gỏi đu đủ chay ngày nào. Chị về ăn với Út, nghen chị”.

Lê Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI