Thương hoa mua, đọt choại xứ rừng

17/08/2024 - 06:24

PNO - Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra chuyện kết hợp hoa mua ăn cùng đọt choại, nhưng công nhận là mùi vị rất đặc biệt, ăn một lần nhớ mãi.

Hoa mua vừa đi vào thi ca, vừa là món ăn độc đáo của người dân xứ rừng U Minh
Hoa mua vừa đi vào thi ca, vừa là món ăn độc đáo của người dân xứ rừng U Minh

Với người dân miền Tây, các món gỏi đã không còn xa lạ. Cái độc lạ của gỏi miền Tây không nằm ở thịt thà, cá mắm, mà nằm ở các loại rau, củ phong phú - nào gỏi ngó sen, chuối cây, bắp chuối, củ hủ dừa, mãng cầu xiêm, măng cụt xanh, bông điên điển, bông bí, bông mướp, bông so đũa… Nếu như bông điên điển, so đũa đã rất nổi tiếng và phổ biến trong nhiều món ăn thì món gỏi hoa mua của dân xứ rừng Cà Mau lại ít ai biết làm.

Vùng đất U Minh Hạ nổi tiếng nhờ những cánh rừng tràm bạt ngàn. Dưới tán rừng là những loại hoa, rau mà chỉ dân vùng này mới quen ăn. Tháng Sáu, tháng Bảy mưa dầm cũng là lúc cây choại với cây mua thi nhau đâm chồi. Choại đâm chồi trong đêm tối. Sáng sớm hôm sau, những đọt non vươn mình trên đám lá. Đọt choại non thường có hình như dấu chấm hỏi, không có lá, chỉ có một thân cây mềm. Đám con nít chúng tôi ngày ấy thích nhất là lúc sáng sớm, nghe má sai ra dưới tán rừng hái đọt choại. Những đọt rau mập ú, căng tràn sức sống được chị em tôi luôn tay ngắt bỏ vô rổ. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác từng đọt cây giòn rụm gãy nghe tanh tách vui tai.

Hoa mua - loài hoa đi vào thơ ca, nhạc họa - thường sinh sống ở những nơi ít ánh sáng dưới tán rừng hoặc ven các bờ kênh. Ít ai biết rằng hoa mua có nhiều loại, nhiều màu, nhưng nổi tiếng và nhiều nhất vẫn là hoa mua tím. Hoa cũng thường nở rộ vào sáng sớm hoặc sau mưa. Hoa mua thơm nhè nhẹ, ăn vào có vị chát. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra chuyện kết hợp hoa mua ăn cùng đọt choại, nhưng công nhận là mùi vị rất đặc biệt, ăn một lần nhớ mãi.

Hoa mua hái về lúc còn tươi, đem rửa sạch dưới vòi nước chảy nhẹ cho cánh hoa không dập nát rồi để ráo. Đọt choại luộc vừa chín tới, sao cho đọt rau còn giòn. Tôm càng cha vừa quậy mương, tát đìa bắt được đem hấp chín, lột vỏ.

Trong khi cha và mấy đứa con trai thích đem tất cả trộn gỏi, chấm nước mắm thì má với chị Hai thích nhẩn nha bỏ từng thứ vô miếng bánh tráng nhúng rồi cuốn thành gỏi cuốn. Ăn kiểu gì cũng ngon quên lối về. Món này má tôi còn chế ra kiểu nước chấm “thần sầu”, làm từ trái mua lên men, kết hợp với mật ong rừng, đậu phộng giã nhuyễn. Thứ nước chấm này có lẽ chỉ người dân quê tôi mới có cơ hội thưởng thức.

Bây giờ, món gỏi hoa mua, đọt choại dân dã ngày nào bỗng thành đặc sản. Trong nhà hàng, quán ăn, người ta chế thêm nhiều kiểu cách cho độc lạ, cầu kỳ: nào là không ăn với bún mà luộc bánh phồng tôm thay bún; ngoài tôm, thịt còn thích bỏ thêm mực, nghêu, ốc… tùy khẩu vị; rồi thêm rau ghém, xoài bằm, hành phi đủ thứ. Thế nhưng với chị em tôi, món hoa mua đọt choại hái vội dưới tán rừng, cuốn kèm con tôm cha bắt ngoài đìa, chấm thứ nước chấm tự tay má pha, khi cơn mưa hè mới tạnh vẫn là món ngon nhớ mãi.

Giờ đây mỗi mùa mưa đến, mấy đứa con nghe mưa rơi mà nhớ cồn cào, quay quắt tìm khắp siêu thị hay các khu chợ bán món quê ở thành phố cũng khó lòng tìm thấy hoa mua. Thôi thì mùa Vu lan năm nay, gác lại công việc bộn bề, chúng tôi sẽ cùng về dưới mái nhà xưa, cùng lội rừng hái hoa, hái rau, cùng lội mương bắt tôm, bắt cá làm món ngày xưa, mời cha má về ăn. Ở đâu đó nơi miền mây trắng, chắc cha má sẽ mỉm cười.

Hạ Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI