Thương hiệu Học trò miền Trung

02/11/2020 - 07:10

PNO - Những học sinh sống trong bão lũ mà vẫn vững vàng và học giỏi, tinh thần ấy đáng được gọi là kiên cường.

Cách nay bốn năm, trong vòng phỏng vấn cuối cùng để tranh học bổng Freeman - suất học bổng toàn phần duy nhất hằng năm từ một trường đại học danh giá của Mỹ dành cho học sinh Việt Nam - trong bảy thí sinh đến từ mọi miền đất nước, có một bạn nữ từ miền Trung

Trong vòng thi đó, người được chọn - thí sinh của Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM - đã chia sẻ với tôi rằng: “Cả bảy thí sinh khi đã vào vòng cuối đều rất quyết tâm, nhưng nếu không phải là người được chọn thì em mong nhất là chị ấy (nữ sinh miền Trung), vì Học trò miền Trung là một thương hiệu”.

Cứ sau mỗi trận bão, lũ, những đứa trẻ miền Trung lại phải học qua  những cuốn tập, sách lem nhem chữ như thế này
Cứ sau mỗi trận bão, lũ, những đứa trẻ miền Trung lại phải học qua những cuốn tập, sách lem nhem chữ như thế này

Vâng, học trò miền Trung nổi tiếng học giỏi, cần mẫn, chăm chỉ, quyết tâm.

Thực tế, để học giỏi, học sinh sống ở các thành phố lớn cố gắng một, đầu tư một thì các bạn miền Trung phải cố gắng gấp năm, gấp mười, thậm chí nhiều lần hơn thế. Ngoài việc có nhiều trường tốt, nhiều thầy cô giỏi, nhiều thông tin thì riêng chuyện không phải trải qua những ngày tháng bão lũ, sạt lở, không phải có những trải nghiệm đau buồn, học trò thành phố đã có lợi thế hơn các bạn miền Trung nhiều rồi. 

Ở miền Trung, năm nào cũng mấy tháng bão, mưa, nghỉ học rồi học bù. Năm nào học sinh cũng chứng kiến mọi thành quả lao động của cha mẹ, ông bà tan tành sau bão. Tháng 10/2020, ngay ngày cơn bão số 9 ập vào miền Trung, chúng tôi đi qua Huế, Quảng Nam, nơi chưa phải tâm bão mà nhìn các trường học vắng lặng ngập trong nước, tơi tả trong mưa, gió thật xót xa. Cả tháng ngập trong nước thì thứ gì không bị lũ cuốn cũng có còn dùng được đâu! 

Học trò miền Trung là hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng mùa bão này, đi qua Huế, chẳng thể thấy một anh Ngạn lãng mạn như trong Mắt biếc, chỉ thấy các trường không một bóng học trò. Cả miền Trung tan nát, tơi tả. Giữa mênh mông nước, tối đến thì leo lét nến hoặc đèn dầu, những đứa trẻ sẽ thèm và nhớ những ngày bình thường ở trường biết bao nhiêu. Kinh khủng nhất là có em phải mất đi người thân, bạn bè, thầy cô. Vết thương ấy trong lòng các em, biết khi nào lành?

Ngay khi nước rút, bão tan, học trò miền Trung sẽ lại đến trường. Quần áo ấm, ba-lô, tập vở, sách giáo khoa, đồ dùng học tập đã sẵn sàng. Tất cả trường học khắp cả nước đều có các chương trình Gửi bạn miền Trung. Trường lớp sẽ được lợp dựng lại. Quà được gửi đến, thương yêu được trao tặng, và cuộc sống ở miền Trung sẽ lại dần hồi phục, những nỗi buồn sẽ lắng xuống. 

Học trò miền Trung sẽ lại đuổi kịp các bạn, sẽ lại tiếp tục học giỏi, lại cùng có mặt trong những vòng phỏng vấn cuối cùng để nhận các học bổng danh giá từ những trường đại học lớn trên thế giới. Thương hiệu Học trò miền Trung sẽ được giữ vững như xưa nay vẫn vậy.

Tôi muốn nói với các con mình - những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi thành phố đầy nắng - rằng các con không chỉ cần chia sẻ mà còn cần thể hiện sự trân trọng với các bạn miền Trung ngay cả khi tranh tài, khi là đối thủ trong các cuộc thi. Những học sinh sống trong bão lũ mà vẫn vững vàng và học giỏi, tinh thần ấy đáng được gọi là kiên cường. 

Lê Lan Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI